Đi du lịch nhưng không có tiền, hai phượt thủ Tây ngồi vỉa xin lộ phí và thức ăn. Những hình ảnh này đang nhạn được nhiều sự quan tâm của cư dân mạng Việt.
Những hình ảnh của hai anh chàng phượt thủ này được nick Facebook Thien Nguyen chia sẻ trong một nhóm trên Facebook và nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Trong ảnh, hai thanh niên Tây ngồi trên vỉa hè, trước cổng một ngôi nhà. Họ bày một số bức ảnh cùng với tờ giấy có nội dung bằng tiếng Việt:
"Chúng tôi là sinh viên từ Nga, chúng tôi không có tiền. Chúng tôi đang đói, bạn có thức ăn miễn phí cho chúng tôi không? Cảm ơn bạn."
"Xin chào, tôi đi bằng xe máy 25.000 km. Tôi bắt đầu từ Việt Nam - Campuchia - Thái Lan - Malaysia và trở về Việt Nam.
Bây giờ tôi muốn đi đến Trung Quốc. Bạn có thể hỗ trợ tôi? Cảm ơn bạn."
Bài đăng nhận được hơn 8.000 lượt thích và hàng ngàn bình luận.
Có một số ý kiến tỏ ra thương cảm cho rằng: "Nếu đúng là gặp sự cố thật thì nên giúp người ta."
"Ít ra họ không đi lừa đảo và ăn cắp."
Tuy nhiên phần lớn ý kiến cho rằng thanh niên sức dài vai rộng, nên tự làm thuê kiếm tiền chứ không nên hành khất để lấy tiền ăn chơi.
Một số người gợi ý 2 thanh niên Tây có thể đến Đại sứ quán nhờ giúp đỡ nếu cần thiết.
Thực tế, đây không phải một hình ảnh quá xa lạ ở Việt Nam cũng như các nước châu Á. Những khách Tây như thế này được gọi là "phượt ăn mày" (begpacker), một thuật ngữ để gọi những lữ khách phương Tây xuất hiện trên đường phố châu Á trong vẻ nghèo khổ, mong người qua đường bố thí chút tiền cho họ trang trải chuyến đi.
Họ thường ngồi ăn xin hoặc bán cho người địa phương những thứ nhàm chán với giá cắt cổ, hoặc ngồi bệt ven đường với tấm biển ghi vài dòng như "hãy giúp tôi thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới".
Những phượt thủ này thường đến từ các nước có thu nhập cao, du lịch và ăn xin ở những nước thu nhập trung bình thấp, chi phí rẻ.
Việc tiêu thụ thực phẩm, nước, không gian và các tiện ích khác mà không trả tiền của họ sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu cần thiết của người dân địa phương - những người xứng đáng được đáp ứng các nhu cầu đó hơn.
Năm 2017, khách du lịch chân chính kêu gọi từ bỏ trào lưu phượt ăn xin. Tuy vậy, trào lưu này vẫn tiếp diễn, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng mạng.
Du lịch tiết kiệm thực sự thu hút với những người đam mê trải nghiệm trong những năm qua. Luôn có cách để dân phượt đi du lịch vừa thoải mái vừa tốn ít tiền. Tuy vậy, "phượt ăn mày" không nằm trong số đó, nó là sự lười biếng. Đây hoàn toàn là một trào lưu đáng bị tẩy chay, lên án.