Bắt cóc trẻ em: Vì sao nhiều trẻ vẫn hồn nhiên đi theo người lạ dù biết không nên?

Bắt cóc trẻ em là vấn nạn nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tất cả các nước trên thế giới. Ngay cả khi bố mẹ đã trang bị kỹ năng sống cho con, nhiều vụ bắt cóc vẫn xảy ra trót lọt. Nguyên nhân do đâu?

  Bắt cóc trẻ em: Vì sao nhiều trẻ vẫn hồn nhiên đi theo người lạ dù biết không nên? (Ảnh minh họa cắt từ clip dàn dựng của ANTV)

Bắt cóc trẻ em: Vì sao nhiều trẻ vẫn hồn nhiên đi theo người lạ dù biết không nên? (Ảnh minh họa cắt từ clip dàn dựng của ANTV)

Thí nghiệm "bắt cóc trẻ em": 15/17 trẻ bị người lạ dụ dỗ thành công

Năm 2019, một tổ chức tình nguyện chuyên tìm kiếm và giải cứu người mất tích có ten Lisa Alert đã làm một thí nghiệm xã hội tại Saratov, thành phố lớn miền Nam nước Nga.

Theo đó, Lisa Alert cho những người lạ đến mặt dụ dỗ các bé từ 3 đến 12 tuổi tại các sân chơi để rủ trẻ đi theo mình (thí nghiệm đã có sự cho phép của phụ huynh).

Kết quả, 15 trong số 17 trẻ tin người lạ mặt và chỉ có 2 trẻ 6 tuổi kiên quyết từ chối theo người lạ mặt rời đi.

Vậy nguyên nhân do đâu mà trẻ em lại dễ dàng đi theo người lạ, ngay cả trẻ lớn?

Trẻ em bị bắt cóc từ các sân chơi đông người như thế nào?

Bắt cóc trẻ em: Vì sao nhiều trẻ vẫn hồn nhiên đi theo người lạ dù biết không nên? 1

Một điều đáng sợ nhất mà nhóm thực hiện thí nghiệm quan sát được khi trẻ bị người lạ dụ dỗ, đó là những người lớn xung quanh hoàn toàn không quan tâm.

Theo các tình nguyện viên của Lisa Alert, họ đã bắt cóc thành công trẻ em từ các san chơi dù có nhiều người lớn ngồi xung quanh, và không một ai chú ý đến những việc đang xảy ra.

"Kẻ bắt cóc" đã sử dụng những cụm từ phổ biến mà đáng lẽ người tỉnh táo sẽ phải thấy ngay điểm khả nghi như:

- Đi chú mua kẹo cho nhé!

- Mình ra kia cho bồ câu ăn nhé?

- Bên kia có mấy con sóc kìa, cháu muốn ra xem không?

- Bố cháu nhờ chú đón cháu đấy! Đi thôi nào!

Một trong những phương pháp dụ dỗ hiệu quả nhất là nhờ giúp đỡ chó con, mèo con. Ngoài ra một số kẻ bắt cóc còn giả vờ là cảnh sát, bác sĩ, lính cứu hộ,...

Động cơ của những kẻ bắt cóc có thể khác nhau, có thể là để làm hại, bắt cóc làm nô lệ, hoặc đem bán cho người muốn nhận nuôi con. Cha mẹ nuôi thường không biết những đứa bé đến từ đâu.

Vì sao ngay cả trẻ lớn cũng đi theo người lạ?

Bắt cóc trẻ em: Vì sao nhiều trẻ vẫn hồn nhiên đi theo người lạ dù biết không nên? 2

Trẻ dễ dàng đi theo người lạ hơn nếu kẻ bắt cóc là phụ nữ hoặc người trẻ tuổi, tuổi vị thành niên.

Bên cạnh đó, mọi người thường tưởng tượng những tên tội phạm là những gã đàn ông đáng sợ trông phim ảnh: cao to, không thân thiện, gắt gỏng.

Tuy nhiên phụ huynh cần giải thích cho trẻ rằng ngay cả một bà già hay một cô gái trẻ xinh đẹp cũng có thể là người xấu.

Những đứa trẻ tham gia vào thí nghiệm trên của Lisa Alert sau đó đã được phỏng vấn. Khi được hỏi: "Cháu đi đâu thế?", các câu trả lời rất khác nhau:

- Cô đó bảo cháu đi theo cô.

- Cháu biết đây chỉ là thí nghiệm thôi mà.

- Cháu tưởng mẹ cháu đang đợi đằng kia.

Nhiều trẻ thực tế biết rõ những hậu quả có thể xảy ra khi đi theo người lạ và đã được hướng dẫn, dạy kỹ năng sống rất nhiều, tuy nhiên các hướng dẫn này vẫn có vẻ không thực sự hữu dụng.

Trẻ cần được giải thích vì sao người lạ lại nguy hiểm. Vì cô thu ngân trong cửa hàng, những người hàng xóm, những bà mẹ của các trẻ khác trong sân chơi đối với chúng cũng là người lạ. Do đó nguyên tắc "không được nói chuyện với người lạ" là không thể áp dụng triệt để.

Một cách giải quyết vấn đề này là tổ chức một hội các phụ huynh. Các bố mẹ sẽ thay nhau trông chừng các bé.

Ngoài ra nên thường xuyên kiểm tra thử cách ứng phó trẻ, hỏi trẻ sẽ làm gì trong những tình huống cụ thể. Những cuộc thử nghiệm này có thể sẽ cứu mạng con bạn trong tương lai.

Vì sao trẻ không chạy đi khi bị người lạ dụ dỗ?

Bắt cóc trẻ em: Vì sao nhiều trẻ vẫn hồn nhiên đi theo người lạ dù biết không nên? 3

Một thông tin khác đáng quan ngại liên quan đến bắt cóc trẻ em đó là ngay cả khi nạn nhân biết mình đang bị lừa, các bé cũng không chạy trốn.

Khi bố mẹ hỏi vì sao, trẻ đưa ra những lý do mơ hồ như ngại hét to hoặc ngại nhờ giúp đỡ.

Hướng dẫn "hét to kêu cứu khi gặp nguy hiểm" có vẻ quá mơ hồ với trẻ. Chúng không biết phải hét cái gì, to đến đâu, làm gì nếu không ai nghe thấy mình kêu cứu, làm gì nếu mọi người nghe thấy nhưng vẫn không giúp đỡ?

Một giải pháp cho vấn đề này chính là tập hét lớn. (Cứu cháu với! Cháu không biết chú này! Chú đi ra đi!) Mục đích của việc tập luyện này là để trẻ hết xấu hổ.

Ngoài xấu hổ, trẻ thường sợ mình trông ngớ ngẩn. Nhiều trẻ sẽ nghĩ rằng: "Nếu họ không phải có ý xấu gì mà mình lại hét lên thì sao? Mình sẽ thành trò cười cho tất cả mọi người."

Một nhân tố quan trọng khác cần nhớ là trẻ thường nghe theo lời người lớn, bất kể là ai, vì chúng ta vẫn thường dạy trẻ phải biết vâng lời người lớn và không được nghi ngờ những lời chúng ta nói.

Lời khuyên của chuyên gia Mỹ về phòng chống bắt cóc trẻ em

- Không gắn thẻ tên lên quần áo trẻ. Trẻ thường dễ tin tưởng những ai gọi đúng tên chúng.

- Nếu trẻ đi lạc ở trung tâm thương mại, nên tìm đến các nhân viên của trung tâm thương mại. Trẻ không nên đi ra bãi đỗ xe một mình để tìm người lớn (bãi đỗ xe là nơi rất nhiều trẻ bị bắt cóc).

- Khi trẻ đã bị bắt cóc, cần biết cách để lại tín hiệu cho người khác để thông báo mình gặp rắc rối. Năm 2007, một bé gái bị bắt cóc và đưa đi bằng máy bay. Bé gái đã để lại lời nhắn xin giúp đỡ trong toilet. Khi máy bay hạ cánh, cảnh sát đã chờ đợi sẵn để bắt tên tội phạm, theo NBC News.

- Trẻ vị thành niên không nên đi nhờ xe người lạ.

- Ở các địa điểm công cộng, toilet là nơi đặc biệt nguy hiểm. Không để trẻ vào toilet một mình, hãy dẫn trẻ đến nơi và đợi trẻ.

(Theo BS)

Video Kỹ năng sống: Người đàn ông lạ dùng điện thoại dụ dỗ trẻ em

Nguồn clip: ANTV

Hoàng Nguyên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính