Nên đẻ thường hay đẻ mổ thì tốt cho cả mẹ và bé? Đây là câu hỏi được nhiều mẹ bầu quan tâm.
Có 2 phương pháp sinh là sinh đường âm đạo/còn gọi là đẻ thường và đẻ mổ (mổ lấy thai). Tùy vào thể trạng, bệnh lý và diễn biến cuộc chuyển dạ mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp sinh an toàn cho mẹ và bé
Sinh đường âm đạo (đẻ đường dưới) nhờ vào các cơn đau chuyển dạ (do tử cung co thắt) và rặn là cách sinh con tự nhiên phổ biến nhất.
Đây cũng là phương pháp sinh con được các bác sĩ khuyên thai phụ nên áp dụng nếu sức khỏe mẹ tốt và cuộc chuyển dạ diễn biến bình thường, thai không quá to (thai dưới 3500 gram), và không bị suy thai cũng như không có dấu hiệu bất thường.
Thời điểm chuyển dạ và sinh của các thai phụ thường từ tuần thứ 37 - 40 của thai kỳ.
Thời gian chuyển dạ với con so (sinh lần đầu) vào khoảng 12 - 18 giờ, với con rạ (con thứ 2 trở đi) vào khoảng 8 - 12 giờ.
Trong quá trình sinh đường âm đạo, bác sĩ cũng có thể sử dụng phương pháp truyền dịch hay thuốc để gây chuyển dạ, thúc đẩy chuyển dạ; hoặc nếu lúc xổ thai gặp khó khăn, sức rặn của mẹ bầu yếu thì bác sĩ còn có thể sử dụng các biện pháp can thiệp hỗ trợ như fooc xép hoặc giác hút để giúp trẻ chào đời dễ dàng và an toàn hơn.
- Thời gian hồi phục sau sinh ngắn, khoảng một tiếng.
- Thời gian nằm viện ngắn, 2-3 ngày.
- Nguy cơ nhiễm trùng ít;
- Mẹ được tiếp xúc sớm với trẻ, giúp gắn kết tình cảm mẹ con nhiều hơn.
- Cho bé bú mẹ sớm giúp tăng tiết sữa sớm hơn và tử cung gò tốt.
- Có thể mang thai lần sau sớm hơn.
- Mất máu ít hơn: thông thường 50-200ml.
- Trẻ ít gặp phải các vấn đề về hô hấp.
- Trẻ được bú mẹ sớm hơn.
- Em bé sinh ra được tiếp xúc với hệ vi khuẩn có lợi trong âm đạo của mẹ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ đường ruột của trẻ.
- Người mẹ bị tổn thương rách âm đạo tầng sinh môn gây đau ở đáy chậu, âm đạo sau sinh.
- Mẹ có thể bị són tiểu khi ho, rặn.
- Có thể làm nặng hơn tình trạng trĩ của người mẹ
- Ảnh hưởng tâm lý sau sinh.
- Trẻ bị chấn thương trong những trường hợp mẹ sinh khó: con to kẹt vai, sinh giúp bằng dụng cụ...
Mổ lấy thai là hình thức sinh con thông qua một đường rạch phẫu thuật ở bụng và tử cung của người mẹ.
Có 2 loại đường mổ rạch da thành bụng (ngay trên xương mu) hoặc rạch da theo đường trắng giữa dưới rốn.
Chỉ định mổ lấy thai khá phức tạp, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và diễn biến cuộc chuyển dạ của cả thai phụ và thai nhi, nhưng nhìn chung được chia ra những hình thức sau:
- Trong trường hợp mổ lấy thai chủ động trước khi chuyển dạ, thai phụ không trải qua giai đoạn chuyển dạ nên không chịu cơn đau chuyển dạ.
- Trong trường hợp mổ lấy thai cấp cứu, hoặc đã vào chuyển dạ nhưng không thành công, mổ sinh giúp đảm bảo an toàn cho mẹ và thai.
- Em bé chào đời một cách an toàn mà không lo bị thương, đặc biệt trong trường hợp thai nhi có kích thước lớn và quá tuần dự sinh.
- Dễ khắc phục khi có sự cố xảy ra; đặc biệt với những thai nhi đang trong tình trạng nguy hiểm.
- Mẹ mất máu nhiều hơn: thông thường 150 - 300ml.
- Thời gian hồi phục sau sinh lâu hơn, khoảng 4 - 12 tiếng.
- Thời gian nằm viện dài 4 - 5 ngày.
- Nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
- Đau vết mổ kéo dài.
- Nguy cơ thuyên tắc tĩnh mạch cao hơn.
- Sữa về chậm hơn so với sinh thường.
- Tăng nguy cơ và biến chứng muộn ở thai kỳ sau: mổ lấy thai lần hai, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, thai bám sẹo mổ cũ, vỡ tử cung...
- Trẻ sinh mổ dễ gặp vấn đề về hô hấp hoặc khả năng miễn dịch yếu vì không được tiếp xúc với vi khuẩn có lợi như sinh thường, nguy cơ bị suyễn khi trưởng thành.
- Nguy cơ bé suy hô hấp sau sinh do chậm hấp thu dịch phổi ở bất kỳ tuổi thai nào, tỷ lệ cao hơn ở những bé mổ sinh trước 39 tuần. Lý do là bé được lấy ra trực tiếp từ buồng ối, không trải qua quá trình ép nước ối trong phổi bé như sinh tự nhiên khi bé qua ống sinh của mẹ.
- Có thể chịu ảnh hưởng của một số loại thuốc trong quá trình mổ đẻ.
- Nguy cơ chấn thương trong lúc mổ.
- Không được bú mẹ sớm do thời gian cách ly mẹ con sau sinh mổ.
Vì sinh thường mang lại nhiều lợi ích hơn so với sinh mổ nên các bác sĩ sản khoa luôn ưu tiên chọn sinh thường cho sản phụ, trừ khi có lý do bắt buộc phải mổ lấy thai.
*Tài liệu tham khảo: Cẩm nang Hành trình Mang thai và nuôi con khỏe mạnh (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế)