Liên tiếp những vụ việc bạo hành trẻ nhỏ được phát hiện nhưng đây mới chỉ là một phần, còn rất nhiều hành vi bạo lực trẻ em khác vẫn diễn ra hàng ngày.
Liên quan đến vụ việc bạo hành trẻ xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh và hàng loạt những vụ bạo hành trẻ nhỏ trong thời gian gần đây khiến dư luận thêm một lần nữa bàng hoàng.
Trước những diễn biến phức tạp về tình hình xâm hại trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao Động Thương Binh & Xã Hội) đã có trao đổi về vấn đề này với Gia Đình Mới.
PV: Thưa ông, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc bạo hành trẻ nhỏ, với tư cách là Cục trưởng Cục trẻ em ông có suy nghĩ gì?
Ông Đặng Hoa Nam: Trước hết tất cả những vụ việc bạo lực và xâm hại trẻ nhỏ là điều không ai mong muốn, tuy nhiên trên thực tế điều này vẫn xảy ra trong đời sống xã hội.
Những vụ việc trong thời gian qua được báo chí phát hiện, người dân biết đến thì đó mới chỉ là một phần, còn rất nhiều hành vi bạo lực trẻ em khác vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong các gia đình, trường học.
Rất đáng tiếc rằng việc này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều quốc gia. Thủ phạm bạo hành trẻ thường là những đối tượng trực tiếp chăm sóc, tiếp xúc với trẻ, thậm chí có những trường hợp trẻ bị bạo lực, xâm hại trong chính ngôi nhà của mình.
Trước thực trạng về tình trạng bạo hành trẻ nhỏ như hiện nay, toàn xã hội cần phải gia tăng các biện pháp thực thi, giáo dục pháp luật để phòng ngừa xâm hại và bảo vệ trẻ em.
PV: Theo luật pháp hiện hành của Việt Nam có rất nhiều quy định cũng như các cơ quan tổ chức bảo vệ, chăm sóc hỗ trợ trẻ nhưng vẫn có tình trạng trẻ bị bạo hành xảy ra, theo ông phải chăng các cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm?
Ông Đặng Hoa Nam: Theo tôi, các hành vi bạo lực xâm hại trẻ em phần lớn do những người chăm sóc trẻ gây ra nên sự việc có thể xảy ra phía trong mỗi căn nhà, phía sau mỗi cánh cửa ngôi nhà nên việc phát hiện, can thiệp là một câu chuyện không đơn giản.
Ngoài câu chuyện về pháp luật, thì chúng ta phải tiến hành rất nhiều biện pháp về giáo dục và thay đổi các hành vi trong mối quan hệ giữa người lớn và trẻ em bởi những câu chuyện xâm hại, bạo lực trẻ em không chỉ ở Việt Nam mới có mà nó còn xảy ra ở rất nhiều quốc gia khác.
Trách nhiệm của các cơ quan thuộc hệ thống quản lý chất lượng nhà nước và các cơ quan tư pháp đã được quy định rất cụ thể trong các bộ luật và luật khác nhau vấn đề là chúng giám sát, đánh giá, kiểm soát chất lượng như thế nào?
Trong Luật Hình sự và Luật Hành chính cũng đã quy định hành vi xâm hại trẻ em luôn được áp ở khung hình phạt cao, xâm hại trẻ em luôn bị coi là tình tiết tăng nặng.
Trở lại với câu chuyện trẻ bị bạo hành tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, thì những câu chuyện trẻ bị bạo hành diễn ra ở trong môi trường giáo dục mầm non luôn gây tổn thương và bức xúc trong xã hội. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta phải quản lý, giám sát những cơ sở này như thế nào để giảm thiểu tình trạng này xảy ra.
Và cụ thể ở đây là cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, phía cơ quan chức năng cũng đã nhận được thông báo các cô giáo ở đây có hành vi xâm hại trẻ nhưng kiểm tra nhất thời không phát hiện ra sự việc.
Chúng tôi nghĩ rằng Bộ Giáo dục & Đào tạo cần phải xem xét sửa đổi những quy định để cấp phép, hoạt động cho những trường giáo dục mầm non đặc biệt là trường ngoài công lập. Đặc biệt, là tạo điều kiện để những cơ sở đó chịu sự giám sát của chính quyền địa phương, của cha mẹ phụ huynh học sinh.
Từ câu chuyện bạo hành trẻ trong trường học đã có rất nhiều ý kiến đề xuất lắp camera tại các lớp học. Theo tôi ý kiến này có thể thực hiện được bởi chi phí của một chiếc camera không quá lớn, mà bằng cách này phụ huynh có thể theo dõi, giám sát những hoạt động tại cơ sở mầm non có con mình theo học.
PV: Từ những vụ việc xảy ra gần đây đã đặt ra một câu hỏi phải chăng chất lượng những giáo viên mầm non chăm sóc trẻ đang bị bỏ ngỏ?Thưa ông, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Đặng Hoa Nam: Ở đây chúng ta phải đặt câu chuyện rộng hơn với quy mô toàn xã hội, đó là hiện nay nhu cầu gửi trẻ vào các cơ sở giáo dục mầm non là rất cao.
Và hệ thống giáo dục mầm non công lập chưa đáp ứng được, đặc biệt là ở những khu dân cư đông hoặc các khu đô thị, khu công nghiệp.
Ở đây đã có mâu thuẫn là nếu chúng ta đặt ra những tiêu chí cao hoặc chúng ta đóng cửa những cơ sở giáo dục mầm non tư thục thì dẫn đến trường hợp những người lao động không có nơi để gửi con trẻ, không thể tiếp tục đi làm việc.
Chính vì vậy, cần phải xem xét, đầu tư kỹ lưỡng hơn về hệ thống giáo dục mầm non. Theo chúng tôi, hệ thống giáo dục mầm non cần phải được ưu tiên đầu tư hơn và có những chính sách cởi mở hơn, huy động nguồn lực xã hội, đối tác đầu tư vào hệ thống giáo dục mầm non.
PV: Trước thực trạng như vậy, theo ông cần phải làm gì để hạn chế tình trạng này?
Ông Đặng Hoa Nam: Mỗi năm nước ta có khoảng 2.000 trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại được ghi nhận, nhưng đây chỉ là những trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ ở mức độ nặng mà thôi, còn rất nhiều những vụ việc bạo hành trẻ nhỏ khác đang diễn ra từng ngày từng giờ ở những mức độ khác nhau.
Để phòng ngừa và hạn chế những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em thì đây là một quá trình kiên trì. Bao gồm các biện pháp giáo dục về pháp luật, giáo dục về kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, kiến thức, kỹ năng cho những người bảo vệ, chăm sóc trẻ em….
Điều cần làm lúc này là phải truyền thông và giáo dục mạnh mẽ về mặt pháp luật để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là về quyền trẻ em.
Và trước mắt phải thí điểm về mặt giáo dục, bởi quy định cũng như hình thức xử phạt những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ đươc quy định khá cụ thể và rõ ràng…
Xin cảm ơn ông!