Cứ nơi nào có trào lưu anti vắc-xin là nơi đó xuất hiện dịch bệnh

Dịch sởi đang bùng phát tại nhiều nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp trên thế giới, trong đó châu Âu, với hơn 41.000 trường hợp mắc bệnh sởi.

Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân số ca nhiễm sởi tăng đột biến ở châu Âu thời gian đây là do tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi giảm mạnh.

Trên thực tế, một bộ phận người dân châu Âu đã mất niềm tin và từ chối cho con em tiêm chủng.

Năm 2018, những ca sởi tại châu Âu chủ yếu là thanh, thiếu niên không được tiêm vaccine vào lúc nhỏ.

Nhìn nhận về trào lưu anti vắc-xin, bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch mai chia sẻ, cứ nơi nào có phong trào bài trừ vắc-xin thì nơi đó xuất hiện dịch bệnh. Dẫn chứng rõ hơn về điều này, bác sĩ Hùng chia sẻ thông tin:

- Tại Mỹ, năm 2014 - 2015 lác đác có bệnh nhân sởi và rơi vào 90% người không tiêm vắc-xin.

Đến 5/2017, dịch bùng phát ở tiểu bang Minnesota, nơi cộng đồng người dân có phong trào anti vắc-xin mạnh nhất. Dịch phức tạp nhất trong 30 năm trở lại đây.

- Ở các nước châu Âu như Đức, Ý, Pháp và vài quốc gia khác, trong đó đặc biệt là Ý, dịch sởi làm ảnh hưởng đến kinh tế và du lịch từ đầu năm 2017.

Tình hình dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng làm các nước này phải vội vàng thông qua luật tiêm chủng bắt buộc.

- Tại Việt Nam, năm 2014 dịch sởi đã cướp đi tính mạng của khoảng 150 cháu bé theo đúng nghĩa chọn lọc tự nhiên. Sau đó đã “cháy” vắc-xin.

Đến năm 2017, viêm não Nhật Bản diễn biến phức tạp và tình trạng nặng toàn rơi vào các cháu không tiêm vắc-xin.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vắc-xin đã chứng minh ý nghĩa của nó khi bảo vệ trẻ em khỏi nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Nhờ sử dụng vắc-xin dự phòng, nhiều dịch bệnh đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết. Thành quả của vắc xin không chỉ được Việt Nam mà cả thể giới công nhận. 

Tuy nhiên, giống như thuốc, không một loại vắc-xin nào dù tốt đến đâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vác-xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể.

Thông thường mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ, một số rất ít có phản ứng mạnh với văc-xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong.

Nhưng chính những tin đồn thất thiệt, không có cơ sở khoa học trên mạng xã hội đã gây hoang mang cho dư luận, gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân, tổ chức hoặc an ninh cộng đồng.

Trào lưu anti vắc-xin cũng cần được cảnh báo, bởi rất có thể đe dọa tính mạng của trẻ nhỏ, các thành viên trong gia đình và của cả cộng đồng.

Khi tìm kiếm những thông tin về chăm sóc sức khỏe, cha mẹ nên tìm kiếm tại các nguồn thông tin chính thống và nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để giúp con trẻ có thể phòng ngừa bệnh tật tốt nhất.

L.M/giadinhmoi.vn

Tin liên quan