Cô giáo 6 năm chiến thắng ung thư vú: 'Liều thuốc' tinh thần chiếm 70- 80% tác dụng

41 tuổi, tôi bị ung thư, một căn bệnh chưa bao giờ tồn tại trong suy nghĩ của tôi. Trong suốt 5 năm bị bệnh, tuần đứng lớp vài buổi, tôi nảy sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực về công việc của mình. Thế rồi, đến năm thứ 6, tôi chẳng thể ngờ, mình có thể quay lại làm giáo viên chủ nhiệm.

 

Một buổi chiều giao mùa, đứng ở hành lang lớp học trông ra, các em học sinh bé bỏng của tôi đang chơi mấy trò đuổi bắt, ô ăn quan…

Nắng hanh khiến đôi má các em học sinh ửng đỏ, chiếu rọi nụ cười toả rạng của chúng. Những chiếc chai nhựa được chế làm chậu cây đung đưa trong gió.

2 giờ chiều, sau tiếng trống trường, từng tốp học sinh chạy toán loạn vào lớp học, đồng nghiệp của tôi cũng đang rảo bước từ khu nhà Hiệu bộ về phía các lớp học.

Sân trường trở nên vắng lặng ngay tức thì. Các em học sinh lớp đã vào lớp, ngồi khoanh tay ngay ngắn, chờ tôi. Nhìn chiếc bảng có ghi sĩ số: 29, vắng: 0 cùng những hàng chữ của cả cô và trò, trong tôi dâng lên một cảm xúc thật khó tả.

Vậy mà, tôi đã bỏ lỡ những tươi đẹp đó trong suốt 5 năm bị bệnh ung thư. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi quay lại trường học với tư cách giáo viên chủ nhiệm, điều tôi không ngờ mình sẽ làm được khi nghe tin dữ đó.

Cuối năm 2010, tôi tự nhiên sờ thấy có cái gì đó cộm lên bên ngực trái. Tôi đem sự lo lắng của mình đi hỏi nhiều người, họ bảo nếu cái nhân đó chạy thì không sao còn ngược lại, nó ở nguyên một chỗ thì mới đáng ngại.

Thế là, ngày nào tôi cũng sờ xem cục nhân đó chạy hay đứng nguyên một chỗ. Tôi sờ thì lúc có lúc không. Tôi chủ quan, chắc mẩm không sao và xem đó là chuyện bình thường.

 

Hết năm học 2009- 2010 đó, nhiều các cô giáo dậy cùng trường với tôi đi khám tổng thể, rủ tôi cùng đi nhưng hôm đó tôi có việc gia đình nên không đi được. Chị em khám xong về đều yên tâm vì không có vấn đề sức khoẻ gì đáng lo ngại cả.

Thời gian trôi đi, tôi cũng quên bẵng sự hiện diện của cái nhân tôi sờ được ngày nào. Nó chỉ rõ rệt trở lại sau 2 lần tôi đi đám tang.

Hôm đó là 14/7 âm lịch, viếng đám tang người cùng xóm, cả đêm đó tôi không ngủ nổi. Sáng hôm sau đi dậy, tôi nói chuyện với nhân viên y tế của trường ‘Em ơi sao hôm nay chị viết được 3 dòng tay đã mỏi nhừ rồi. Mọi hôm có thế đâu?’. Chú ấy khuyên tôi nhanh chóng tới viện kiểm tra.

Chiều đó, tôi tới Bệnh viện Phụ sản Nam Định khám.

‘Người nhà của cô đâu?’. Người tôi run lên vì biết chắc chắn có điều chẳng lành thì bác sĩ mới gọi hỏi như vậy.

‘Vợ anh bị ung thư rồi’, khuôn mặt chồng tôi khi đó cắt không còn giọt máu.

 

Tôi ở cạnh chồng, chân tay cũng rụng rời theo từng nhịp thông báo kết quả của bác sĩ. Choàng váng, bàng hoàng, tôi không tin vào tai mình. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình bị mắc căn bệnh quái ác đó. Ung thư.

Năm đó tôi 41 tuổi, quá trẻ cho một sự ra đi, phải không?

Tôi thông báo cho trường, sắp xếp và tới Bệnh viện K điều trị. Có bao giờ ngờ, có ngày tôi nằm trên bàn phẫu thuật, cắt một bên vú trái.

6 đợt truyền hoá chất kéo tôi vào guồng quay điều trị bệnh tật. Khi đó, tôi không nghĩ được gì nhiều. Tôi thấy thương hai thằng con của mình, một thằng đang học cấp 3, một thằng chưa học hết Tiểu học. Tôi chỉ ước ao mình sống được thêm đến khi con cái khôn lớn, trưởng thành.

 

Sau đợt truyền hoá chất đầu tiên, tóc tôi rụng hết sạch. Tôi hoảng loạn không dám nhìn mình trong gương. Tôi sợ hãi khi nghĩ tới hình ảnh mình bị trọc đầu.

Nhưng với khát khao sống mãnh liệt, tôi cứng rắn kiên trì theo phác đồ điều trị. Đến mức, nhiều khi tôi động viên ngược chồng: ‘Anh phải cứng rắn lên chứ. Anh đừng buồn, đừng ủ rũ’.

Năm đầu tiên tôi điều trị bệnh, thằng lớn bảo ‘Hay con nghỉ học, con đi làm phụ hồ lấy tiền chữa bệnh cho mẹ’.

Tôi nhất quyết không cho. Cũng trong năm đó, khi đang truyền hoá chất, nhận tin con đỗ Học viện Hậu Cần, tôi vui mừng khôn xiết.

 

Trong quá trình điều trị ung thư, tôi bị tai nạn xe máy, mất nhiều máu, người càng xanh xao.

Năm 2013, tôi bị cảm và bị méo mồm, phải châm cứu mất 1,5 tháng.

Thế rồi, mọi thứ cũng dần đi vào quỹ đạo theo các gạch đầu dòng tôi tự vạch ra.

Suốt nhiều năm chiến đấu với ung thư vú, tôi nhận thấy: tinh thần là cái quan trọng nhất, chiếm tới 70-80% sự chiến thắng bệnh tật của người bệnh.

Ngoài ra, tôi chú trọng tới chế độ ăn uống, sinh hoạt.

Tôi tuyệt đối nói không với đường, với đồ ăn chiên, rán và các loại thịt đỏ. Tôi ăn rất nhiều rau, mỗi ngày uống 2,5 – 3 lít nước.

Những tháng ngày đó và đến cả bây giờ, chồng luôn ở bên tôi, chăm sóc cho tôi từ những cái nhỏ nhất, từ chế độ ăn uống tới công việc nhà: cơm nước, giặt giũ, đỡ đần hết mọi việc.

Bây giờ nhìn lại, căn bệnh tôi chẳng may mắc phải lại cho tôi nhiều điều hơn những gì tôi tưởng.

Nó giúp tôi nhận ra tình yêu thương của gia đình, đồng nghiệp, các em học sinh dành cho mình.

Trong 5 năm bị bệnh, không phải tôi không đứng lớp, không làm những công việc quen thuộc của một người giáo viên tiểu học. Thế nhưng, vị trí giáo viên dự trữ với 3-4 buổi dạy mỗi tuần khiến tôi trở nên mặc cảm, tự ti.

Tôi suy nghĩ và tự thu mình lại trước đồng nghiệp, mặc những lời khích lệ của các giáo viên: ‘Không sao đâu, chị cứ vô tư đi cho nhanh khoẻ’.

Thế rồi, mọi chuyện cũng ổn. Tế bào ung thư của tôi ở mức ổn định. Những niềm vui reo lên khe khẽ mỗi ngày qua từng trang giáo án mang tên Phạm Thị Tình của tôi.

 

Tôi vẫn làm công việc mình yêu thích, sống giữa những đứa trẻ đáng yêu của trường Tiểu học Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Tiếng đồng thanh của 29 đứa trẻ đọc tiêu đề bài tập vang lên sau tiếng thước kẻ đấp xuống bàn khiến tôi vui biết bao nhiêu.

Năm học 2017-2018 bắt đầu trong sự mong ngóng của tôi như thế. Một sự chờ đợi có lời đáp.

Tú Anh - Phạm Tùng /giadinhmoi.vn