Cô bé 10 tuổi ung thư xương phải cắt đôi chân: 'Anh không biết em sắp chết rồi à?'

Lần đầu tiên là khi trở về giữa lần truyền hoá chất, lúc chơi đùa với anh trai, Thư giận anh quá mà thốt ra: “Anh không biết em sắp chết rồi à?”.

“Con không muốn mất chân”

Một ngày của kỳ nghỉ hè năm học lớp 2, Hoàng Minh Thư (10 tuổi) kêu đau chân sau buổi học múa. Thư được bố mẹ đưa đi khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và trải qua ca phẫu thuật đầu tiên tại đây.

Với bệnh ung thư xương, đau là triệu chứng khởi đầu hay gặp nhất. Người bệnh sẽ xuất hiện dấu hiệu đau mơ hồ trong xương, sau đó, đau rõ từng đợt ngắn, liên tục, dùng thuốc giảm đau không bớt, càng trì hoãn điều trị càng đau. Dấu hiệu này đúng với Thư.

Kết quả phẫu thuật sinh thiết lấy mẫu tế bào để đánh giá sự hiện diện hoặc mức độ của bệnh cho thấy Thư bị ung thư xương.

Khi cầm kết luận chẩn đoán con gái mình bị ung thư xương, bố của Thư là anh Hoàng Đức Hưng cùng gia đình không tin vào mắt mình. Cả bầu trời đang sáng bừng bỗng nhiên tối sầm lại. Suy sụp.

“Gia đình như hứng chịu đại tang”, anh Hưng nhớ lại khoảnh khắc nghe tin con bị bệnh.

Thư không biết mình bị bệnh gì cho tới khi anh Hưng cùng vợ buộc phải nói với con về việc cắt bỏ chân phải để bảo toàn sự sống theo sự tư vấn của bác sĩ. Thư gào khóc lắc đầu, tỏ ý không muốn mất đi chân của mình: “Con không muốn mất chân!”.

Xót xa cho con gái và thương số phận của mình, vợ chồng anh Hưng ngập ngừng trước quyết định cắt bỏ chân cho con. Cả gia đình về nhà.

Những cơn đau từ chân vẫn tiếp tục hành hạ cô gái 10 tuổi, gia đình đưa Thư tới Bệnh viện K3 tái khám, trình bày nguyện vọng của con gái. Sau 3 đợt truyền hoá chất, bác sĩ nói xương của Thư đã bị hoại tử, phải cắt bỏ.

Thư trốn chạy thực tại, gào khóc trong vô vọng. Cô bé đòi về nhà, vẫn nhất mực không đồng ý. Gia đình xin ra Tết 2017 trả lời bác sĩ.

Ăn Tết xong, bố mẹ dỗ thế nào Thư cũng không tới bệnh viện, trì hoãn việc cắt bỏ chân. Tháng 10/2017, chân của Thư phình to ra mỗi ngày, gia đình buộc phải đưa thư quay lại Bệnh viện K3.

Sau ca phẫu thuật cắt chân, Thư truyền thêm 6 đợt hoá chất nữa rồi tạm thời được ra viện. Mới đây, Thư phải quay lại Bệnh viện K3, tế bào ung thư đã di căn lên phổi.

“Anh không biết em sắp chết rồi à?”

Đã khoảng 3 năm từ ngày biết mình bị bệnh, chỉ có 2 lần Thư nhắc tới cái chết. Lần đầu tiên là khi trở về giữa lần truyền hoá chất, lúc chơi đùa với anh trai, Thư giận anh quá mà thốt ra: “Anh không biết em sắp chết rồi à?”.

Và lần thứ 2 là mới đây, khi biết tế bào ung thư đã di căn lên phổi, Thư nói với bố: “Thế là con sắp chết rồi…”. Thư nhận thức được cái chết của mình sắp tới khi chứng kiến vài trường hợp các bạn cùng phòng bệnh của mình ra đi khi bị di căn.

Mái đầu trọc lốc, chân phải bị cắt bỏ, Thư luôn nở nụ cười trên môi. 10 tuổi nhưng thư điềm đạm nói về việc tế bào ung thư đã bị di căn lên phổi và những nổi đau phải đi qua.

“Con quen rồi nên cũng thấy bình thường”. Trạng thái “bình thường” đó của Thư chẳng phải tự nhiên mà có được.

Cô bé đã phải trải qua cơn đau không ngủ được do tác dụng phụ của hoá chất khiến tóc bị rụng hết, những lần khóc nấc lên trước chần chừ cắt bỏ chân, sự khó chịu do tác dụng phụ của hoá chất… Mái tóc dài, đen không còn, trên đầu cô bé là chiếc khăn quấn chặt.

Những lúc có thể đi lại được, Thư cùng vài người bạn đồng bệnh xuống hồ nước của bệnh viện chơi.

Khoảng thời gian còn lại, Thư hay tâm sự với bố về ước mơ của mình. Suốt 3 năm con đi đâu bố ở đấy, trên những chuyến tàu từ TP. Vinh, tỉnh Nghệ An tới Hà Nội và ngược lại, hai bố con hay thủ thỉ với nhau.

"Con phải cố gắng lên. Bố mẹ cũng cố gắng nhưng người mang tính chất quyết định con có thể vượt qua được bệnh hay không thì phải là con. Cố gắng lên con!", anh Hưng nói với Thư. 

Đây như một cách để anh Hưng gửi gắm sự lạc quan vào con gái của mình. Sau khi bị bệnh, Thư trở nên trầm và hay hờn giận hơn nên anh Hưng phải để ý tới từng câu nói, hành động của mình để không khơi lại nỗi đau trong con.

Còn anh, anh nén sự đau lòng ấy lại, bởi “Nếu mình suy sụp, gục ngã thì con sẽ như thế nào?” Vậy là, vợ chồng anh cứ thế nghị lực tiến về phía trước.

Thư ước mình trở thành người mẫu, rồi thành giáo viên giống mẹ. “Để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ”, Thư nhìn vào mắt bố.

Nhưng lâu lắm rồi, anh Hưng không được con gái nói về ước mơ của mình nữa, đặc biệt là sau khi biết tế bào ung thư đã bị di căn.

Sau khi Thư mắc ung thư xương, từ những ước mơ khác nhau của Thư và bố đã biến thành sự mong chờ của cả hai bố con.

Thư chẳng còn mang ước mơ trẻ thơ của lứa tuổi tiểu học là trở thành giáo viên hay ai đó ngoài kia mà chỉ mong: “Con mong mình và các bạn cũng bị bệnh như mình khỏi bệnh. Con mong khỏi bệnh còn hơn là việc mong có thể đi lại được”.

Anh Hưng thôi ước về những điều lớn lao trong cuộc sống, anh dừng lại, chậm rãi: “Tôi mong có một loại thuốc chữa được khỏi bệnh cho con”.

Tú Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan