Chuyên gia hô hấp chỉ cách tránh bị ‘chết đuối trên cạn’ vì cơn hen phế quản

Ho, khò khè, khó thở, cố hít từng chút không khí giống như người chết đuối là tình trạng mà người bị hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ gặp phải. Vậy làm thế nào để giảm và khắc phục tình trạng

Tổn thương phổi trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh min họa

PGS.TS Vũ Văn Giáp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để giảm những cơn hen cấp, những đợt khó thở như bị chết đuối cho bệnh nhân hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thì việc tuân thủ điều trị, phòng ngừa các yếu tố khởi phát bệnh đóng vai trò quan trọng.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả được PGS.TS Vũ Văn Giáp khuyến cáo như sau:

Không hút thuốc lá, thuốc lào: Bất cứ dạng hút thuốc nào cũng đều gây hại cho cơ thể và đều sẽ gây những bệnh lý do khói thuốc gây ra như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, hen phế quản…

Với những người đang bị hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nếu hít phải khói thuốc sẽ dễ khởi phát bệnh, dẫn tới các cơn ho, khò khè, khó thở, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cắt cơn khó thở kịp thời.

Tránh khói, bụi, môi trường ô nhiễm: Sự biến đổi chất lượng không khí (gas, hơi, khói, bụi, mùi hóa chất…) làm tăng tổn thương ở cơ quan hô hấp, từ đó làm bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ khởi phát thành cơn cấp và bệnh tăng nặng hơn.

Tránh leo cầu thang, làm việc gắng sức: Những người bị hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên tránh làm việc nặng và leo cầu thang để không tạo áp lực cho phổi, gây ra những cơn khó thở, khò khè.

Trong trường hợp bắt buộc phải leo cầu thang thì người bệnh nên chia thành các quãng đường nhỏ, leo một đoạn nhỏ đứng nghỉ một lúc để hô hấp bình thường rồi mới tiếp tục leo.

Người bị hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần thăm khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ việc điều trị bệnh. Ảnh minh họa

Tuân thủ việc điều trị và tái khám định kỳ: Rất nhiều người bị hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sau một thời gian dùng thuốc điều trị thấy bệnh thuyên giảm cứ nghĩ là đã khỏi bệnh hoặc bệnh đỡ nhiều nên tự dừng thuốc hoặc giảm liều lượng mà bác sĩ chỉ định.

Cách làm này là hoàn toàn sai lầm và sẽ làm cho bệnh trở lên trầm trọng hơn, dễ khởi phát tình trạng “chết đuối trên cạn”.

Để bệnh ổn định, hạn chế tái phát, người bệnh cần thăm khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ việc dùng thuốc, tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Thường xuyên tập thể dục: Bệnh nhân bị hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường thấy mệt mỏi, khó chịu khi vận động. Vậy nên, không ít người ngại tập luyện, chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ.

Điều này sẽ làm cho sức khỏe yếu đi, chức năng của phổi suy giảm và làm bệnh ngày càng nặng hơn. Để tăng cường sức khỏe, người bệnh cần hình thành thói quen tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày như đi bộ trên mặt phẳng, tập thở, tập ho chủ động, tập khí công, thái cực quyền…

Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và tinh thần thoải mái: Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý sẽ giúp tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng và phòng ngừa nhiều bệnh tật trong đó có bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ngoài ra, yếu tố tinh thần cũng đóng vai trò quan trọng. Với những người cảm xúc dễ kích động, hay cáu gắt, giận dữ… sẽ dễ khởi phát hơn ho, khó thở, khò khè. Vậy nên, người bệnh cần học cách kiềm chế cảm xúc, tìm đến những thú vui trong cuộc sống để luôn vui vẻ, lạc quan, yêu đời.

Các bác sĩ của Bệnh viện ĐK Nông nghiệp giao lưu và chụp ảnh cùng bệnh nhân trong Câu lạc bộ người bệnh Hen phế quản và COPD

Nhằm giúp người bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp mới tiến hành thành lập Câu lạc bộ người bệnh Hen phế quản và COPD (Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).

Theo ThS.BS Lê Văn Lễ, Bệnh viện ĐK Nông Nghiệp, việc thành lập câu lạc bộ nhằm giúp tăng cường công tác chăm sóc, hỗ trợ người bệnh và hướng tới cộng đồng khỏe mạnh.

Ban quản lý bệnh Phổi mạn tính của bệnh viện có nhiệm vụ: Tư vấn sức khoẻ cho bệnh nhân Phổi mạn tính; Điều hành Câu lạc bộ Phổi mạn tính; Quản lý điều trị ngoại trú bệnh nhân Phổi mạn tính; Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật thực hành, tham gia đào tạo bệnh Phổi mạn tính cho người bệnh.

Để nhận biết sớm bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người dân cần chú ý đến các triệu chứng khó thở khi nghỉ ngơi hoặc khi hoạt động thể chất, ho, khò khè, mệt mỏi và/ hoặc tiết ra chất nhầy dai dẵng.

Nếu có những triệu chứng này người dân nên đi thăm khám để phát hiện, điều trị sớm bệnh và phòng ngừa bệnh tăng nặng.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan