Cha mẹ đau đầu vì bệnh lười học của trẻ sau Tết

Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày việc quay trở lại trường học với nhiều trẻ nhỏ là cực hình. Và việc làm sau để trẻ đến trường trở lại, không quấy khóc là vấn đề nan giải khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu. Vậy làm sao để trẻ không “lười” đi học sau Tết?

Sau kỳ nghỉ dài ngày, việc quay trở lại trường học với nhiều trẻ gặp nhiều khó khăn.

Kết thúc kỳ nghỉ Tết kéo dài hơn 1 tuần, nhiều bạn nhỏ được vui chơi thỏa thích, được ở nhà cũng gia đình nên việc quay trở lại trường học gặp không ít khó khăn.

Rất nhiều đứa trẻ trở nên bướng bỉnh, khó chịu khi chuẩn bị đến trường sau kỳ nghỉ. Ở bậc mầm non, tiểu học nghe đến việc “sắp phải đi học”, nhiều trẻ khóc nhè, học trò ở bậc lớn hơn cũng uể oải không kém.

Chia sẻ về câu chuyện này, chị Vũ Hà (TP Ninh Bình) cho hay: “Con gái mình được nghỉ trước Tết từ sớm, vậy là tròn 2 tuần bé được ở nhà với ông bà, rồi bố mẹ. Nghỉ Tết nên giờ giấc sinh hoạt cũng theo người lớn, bé cũng được thoải mái hơn.

Vậy nên khi nghỉ Tết xong, bé nhà mình mè nheo không đi học. Đỉnh điểm là khi mình đưa bé đến trường, bé khóc lóc nhất quyết không chịu đi học”.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” của các bậc cha mẹ khi đưa con đi học sau kỳ nghỉ dài. Và với phụ huynh, khó khăn là vậy thì với các cô giáo bậc mầm non lại gặp khó khăn hơn gấp bội khi liên tục phải dựng bài giảng lý thú hơn và ngay cả chế độ ăn cho trẻ sau kỳ nghỉ lễ cũng cần lưu tâm.

Cha mẹ không nên gây áp lực cho con bằng cách dọa tới trường để tránh hình thành tâm lý sợ đi học của con.

Theo cô Lã Hà Anh, Hiệu trưởng lớp mầm non tư thục Trí Tuệ Tự Nhiên cho hay: “Lý do đầu tiên là do kỳ nghỉ khá dài, các con bị thay đổi nhịp sinh học. Trẻ đang từ đi học, sáng dậy sớm, tập thể dục, ăn sáng, ngủ trưa, thì chuyển thành sáng dậy muộn, không ăn sáng mà ăn trưa luôn, trưa không ngủ, hầu hết chiều mới ngủ hoặc không ngủ luôn, tối lại thức khuya, chưa kể ăn vặt nhiều

Khi đi học, quay lại nếp ăn, ngủ không được tự do theo ý thích nữa, các bạn ý sẽ cảm thấy khó chịu và khó thích nghi, dẫn tới việc không muốn đi học

Lý do thứ hai là bố mẹ hay có câu cửa miệng dọa “không ngoan cho đi học bây giờ”, “mách cô bây giờ”... dẫn tới ám thị tiềm thức rằng đi học đáng sợ và không muốn đi học.

Chính vì vậy, để trẻ không hình thành tâm lý “lười” đi học, cha mẹ cũng cần lưu tâm và cố gắng không tạo áp lực cho con.

Cũng theo cô Hà Anh, khi ở trường xây dựng một chương trình đi học là đi chơi thì trong suốt thời gian dài nghỉ tết ở nhà, không có bạn chơi cùng thì tự nhiên các bạn nhỏ nghĩ tới đi học, được tới trường, được chơi các hoạt động, các trò chơi, được chơi cùng bạn và đặc biệt sẽ hào hứng khi đi học lại.

Ngọc Nga/giadinhmoi.vn

Tin liên quan