Đi câu cá dưới đường điện cao thế, trong lúc quăng cần thì bất ngờ cần mắc vào dây điện khiến cậu bé 14 tuổi bị điện giật, phải cắt cụt tay.
Cậu bé Lê Huy Thái H. (14 tuổi, ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá) bất ngờ bị điện giật gây bỏng nặng khi đang đi câu cá.
Được biết cậu bé câu cá dưới đường dây điện cao thế, trong khi quăng cần câu kéo cá thì cần mắc vào dây điện cao thế, bị phóng điện gây bỏng.
Sau tai nạn, cậu bé ngã bất tỉnh, được người dân xung quanh sơ cứu, 5 phút sau tỉnh lại. Sau đó, cháu được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, các bác sĩ đã truyền dịch, giảm đau, rạch hoại tử giải phóng chèn ép…
Tiếp đó, cháu được chuyển đến Bệnh viện Bỏng Quốc gia giờ thứ 5 sau bỏng với chẩn đoán: Bỏng điện cao thế 10% (9%) độ III, IV, V tay phải, hai chân; tình trạng sốc bỏng nặng, tại chỗ: tổn thương bỏng độ 10% (9%) độ III, IV, V tay phải, hai chân.
Tổn thương bỏng ở tay phải, hai bàn chân đến tận các cơ, xương, mạch máu, không có khả năng bảo tồn.
Bệnh nhi được điều trị tích cực, hồi sức dịch thể chống sốc, phòng suy thận, rạch hoại tử bổ sung giải phóng chèn ép, duy trì an thần và giảm đau,…
Các bác sĩ của Bệnh viện Bỏng Quốc gia đã hội chẩn và tiến hành phẫu thuật cắt cụt 1/3 dưới cánh tay phải; tháo bỏ các ngón chân hoại tử.
Bệnh nhi trên đây là một trong số nhiều trường hợp tai nạn bỏng có liên quan đến câu cá dưới đường điện cao thế được Bệnh viện Bỏng Quốc gia tiếp nhận điều trị.
Những tai nạn giống trường hợp bé trai kể trên đều rất thương tâm, để lại những nỗi đau, mất mát lớn cho người bệnh và gia đình. Các bác sĩ đã nhiều lần cảnh báo về hiểm họa khôn lường khi câu cá dưới đường dây điện cao thế nhưng người dân vẫn bất chấp và tai nạn vẫn liên tiếp xảy ra.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Bỏng Quốc gia, trước đây, cần câu cá thường bằng tre khô. Hiện nay, cần câu đều được làm từ chất liệu carbon, sợi thủy tinh hoặc được pha thêm kim loại - đều là chất dẫn điện rất tốt.
Sợi cước cũng bằng chất liệu nilon, rất dai, bền và chắc, cũng là vật liệu dẫn điện. Người dân thường nghĩ rằng đường dây điện cao như vậy sẽ không xảy ra nguy hiểm nên vô tư câu cá. Nhưng thực tế, hiểm họa đang treo lơ lửng trên đầu, chỉ cần một động tác giật cần là có thể nối điện cao thế xuống hồ thông qua người câu cá.
Đặc biệt đường dây điện qua vùng sông nước có độ ẩm cao nên điện trở giảm, tính dẫn điện cao hơn so với khu vực khác.
Khi cá cắn câu, giật hoặc quăng cần câu sẽ vướng vào lưới điện, lập tức người câu sẽ bị phóng điện. Người câu có thể cầm cần câu bằng một hoặc hai tay, đây là điểm vào của dòng điện.
Một hoặc hai bàn chân thường là điểm ra của dòng điện, các ngón chân rất dễ bị tổn thương. Điểm vào và ra của dòng điện là những nơi trên cơ thể bị dòng điện phá hủy nghiêm trọng.
Khi dòng điện truyền qua cơ thể sẽ gây tổn thương theo hai hình thức:
- Đối với toàn thân: Dưới sự kích thích của dòng điện sẽ gây ngừng tuần hoàn và hô hấp, còn gọi là sốc điện. Nếu không biết cấp cứu kịp thời, nạn nhân sẽ tử vong.
- Tại chỗ, dòng điện sẽ phá hủy mô tế bào theo hai cơ chế: Điện năng chuyển thành nhiệt năng gây tổn thương và hủy hoại mô ngay khi nó truyền qua ở các mức độ khác nhau.
Tổn thương gián tiếp, do dòng điện làm tổn thương tế bào mạch máu, thần kinh nơi dòng điện tiếp xúc và truyền qua. Những mạch máu này bị hủy hoại dần gây tắc mạch nuôi dưỡng chi và các cơ quan, dẫn tới hoại tử chi và tổ chức, tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc và cường độ dòng điện chạy qua.
Việc câu cá không phải hành vi sai nhưng phải biết câu cá ở đâu để đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh.
Ngoài việc cắm các biển báo cấm câu cá ở những khu vực nguy hiểm thì việc quan trọng nhất là tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn điện cho người dân vô cùng cần thiết. Phải để người dân nắm rõ những nơi nào là nguy hiểm, khoảng cách đến đường dây điện thế nào là an toàn và cách xử lý khi bị phóng điện.
Trẻ em dưới 16 tuổi không đi câu cá một mình, cần có sự giám sát của người lớn.
Khi sự cố xảy ra, người phát hiện phải ngắt dòng điện tại các công tắc ở cột điện. Nếu không tìm thấy công tắc phải nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi nơi tai nạn đến chỗ sạch sẽ.
Tuyệt đối không tạt nước vào người nạn nhân; trường hợp người bị nạn bất tỉnh phải thực hiện sơ cứu ban đầu như hô hấp nhân tạo, ép tim, cố định xương gãy và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.