Đồ đạc chính là thứ khiến ta phát mệt, và chừng nào bạn còn có suy nghĩ rằng, hình như ta luôn thiếu cái gì đó, bạn sẽ chưa thể sống một cách thoải mái được.
Không phải là người Nhật, nhưng mình tự nhận thấy có nhiều điểm có thể học được họ trong cuốn sách này, về lối sống tối giản của họ. Sau một quãng thời gian rất dài đi đi về về và cứ 3 năm lại chuyển nơi sống và làm việc một lần trong mười mấy năm qua, mới nhận ra rằng, thực ra, điều mà nhà mình (đầu tiên là vợ mình, rồi sau đó mới tới mình) hướng tới hoá ra là sự tối giản.
Để rồi năm nay, nhà mình chuyển từ một căn nhà riêng 5 tầng ở Giảng Võ để tới sống sống trong một căn hộ chung cư ở ngoại ô thành phố.
Với nhiều người, có vẻ đó là một cuộc cách mạng thực sự, và bạn có thể đặt ra các câu hỏi: Điều gì đã tạo ra sự chuyển dịch ấy, ở nhà to nhiều tầng của riêng mình chắc chắn phải sướng hơn là về sống trong một chung cư chứ, và nữa, bao nhiêu đồ đạc ở nhà to thế kia làm sao chuyển về căn hộ được?
Chà, nếu bạn cứ 3 năm lại gói ghém đồ đạc để lên đường ra nước ngoài cho một chuyến công tác kéo dài không ít hơn 3 năm để rồi sau đó lại gói ghém đồ đạc trở về nước, rồi sau đó chờ thêm mấy năm để tiếp tục nhận quyết định đi tiếp (cả gia đình 3 người đi nhé), bạn sẽ hiểu thế nào.
Mười mấy năm trước, mình mới đi nhiệm kì lần đầu, cái gì cũng muốn mang sang và rốt cuộc đã mang sang khá nhiều, nhưng cũng đến khổ vì chúng, vì đơn giản là không thể vác cả cái nhà sang được, mà mua cân cước hành lý máy bay thì đương nhiên không rẻ. Lần ấy hết nhiệm kì về nước cũng mang về khá nhiều đồ. Nói chung, người Việt Nam mình là vậy, ra sân bay cứ thấy các thể loại valy và thùng carton đích thị “quân mình”.
Nhưng ở chuyến đi thứ hai, mình mang cực ít đồ, tóm lại chỉ những thứ cần thiết nhất, đơn giản bởi hiểu ra một vấn đề cốt lõi: Ở nước ngoài, thiếu cái gì thì mua, làm sao chết đói, chết khát và không có gì để mặc được.
Đồ đạc chính là thứ khiến ta phát mệt, và chừng nào bạn còn có suy nghĩ rằng, hình như ta luôn thiếu cái gì đó, bạn sẽ chưa thể sống một cách thoải mái được. Sau chuyến ấy, khi trở về, thứ nặng nhất mình mang theo là sách.
Đọc cuốn sách này mới thấy tác giả, một người từng sống rất bừa bộn và nhà cũng chẳng thiếu thứ gì, đã làm một việc mà anh ấy cho là tuyệt: vứt đồ đạc. Nhà mình cũng thế, 4 năm sống ở Việt Nam kể từ khi về nước là chứng kiến đồ đạc vơi dần đi, chỉ để lại những gì thiết yếu nhất cho cuộc sống và không tích trữ cái gì hết (siêu thị gần nhà sinh ra để làm gì nhỉ?).
Nhiều năm trước kia, khi đi nước ngoài, mình mua đủ thứ đồ lưu niệm và các thứ liên quan đến bóng đá, nhưng từ vài năm nay, mình không mua gì hết nữa, và các kỉ niệm liên quan đến các chuyến đi chủ yếu là bằng… chụp ảnh. Về nước, nhà mình bắt đầu “xử lí” hàng loạt đồ đạc.
Số đồ đạc trang trí trong nhà sau hàng bao chuyến đi nước ngoài giờ đóng vào thùng hết, và trong nhà trên tường chỉ có sơn màu ghi nhạt, chẳng treo cái gì hết, trên bàn trên tủ cũng chỉ vài thứ nho nhỏ. Nhà mình không có sofa cho phòng khách, đơn giản bởi bọn mình không tiếp khách trong nhà, ai đến chơi xuống cafe ngồi hết, cái bàn để ăn thực ra cũng là bàn làm việc, còn bếp thì được thiết kế giản dị nhất, đồ làm bếp chỉ ở mức đủ dùng.
Khi nhà cửa ít đồ đạc, nó sẽ gọn ghẽ hơn, ta cũng không mất nhiều thời gian để dọn dẹp, gìn giữ nó hơn, cũng sẽ không có chuyện phải suy nghĩ về việc nhà nên có cái này, nên có cái kia hơn. Mỗi khi bạn mua một thứ đồ nào đó về nhà, nên vứt đi một (hoặc nhiều) thứ khác nữa.
Sự tối giản trong cuộc sống thực ra là để chính chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho những thứ khác nữa quan trọng hơn. Nó cũng dẫn đến những điều khác nữa là sống hướng đến chất lượng cuộc sống cao hơn, lành mạnh hơn, tích cực hơn và gần gũi hơn với thiên nhiên...
Trương Anh Ngọc