Trong cơn nóng giận, bất kể ai cũng trở nên thảm hại với chính bản thân, họ là thước đo mọi sự tử tế trên đời, không có ngoại lệ.
Một buổi tối muộn cách đây 7 năm, tôi vô tình thấy trên Facebook bức ảnh bé gái đang khóc, tóc tai rũ rượi, xung quanh bộn bề đồ dùng học tập.
Chú thích bức ảnh là những dòng chữ do người cha sử dụng chính tài khoản của cháu để viết về việc bạn gái này lấy trộm tiền của bà nội, của mẹ, của anh ta.
Đứa trẻ vừa trả giá việc đó bằng một trận đòn, có lẽ đau. Việc của nhà người ta, phải rồi, tôi ngồi im nghĩ một lúc rồi quyết định nhắn tin anh ta không nên làm nhục một đứa trẻ bằng cách bêu riếu nó trên mạng trên chính tài khoản Facebook của con mình.
Trong cơn nóng giận, bất kể ai cũng trở nên thảm hại với chính bản thân, họ là thước đo mọi sự tử tế trên đời, không có ngoại lệ. Khi một người cha là thước đo ghê gớm với con, lại không làm theo những chuẩn mực do chính mình đặt ra.
Những đứa trẻ “hư” làm họ thất vọng, nhanh chóng được coi như con số không.
Khoảng 15 phút sau, bức ảnh đó được xóa trong đêm, tôi đã hi vọng bạn bè của đứa trẻ đã đi ngủ sớm để không đọc những dòng chữ nặng nề đó. Nếu chuyện này xảy ra khi mạng xã hội lan thông tin nhanh như hôm nay, có lẽ sẽ không hề đơn giản đến như vậy.
Bạo lực, lời miệt thị, coi thường… của cha đối với con, cảm giác tội lỗi trẻ thơ sẽ bị thay thế bởi một viễn cảnh vô phương cứu chữa.
Nó có thể sẽ biết quá vâng phục, đến độ chỉ dám cựa quậy khi đã đứng xa hẳn bố, nơi mà quyền lực, bạo lực không còn vươn tới nữa. Chỉ nghĩ cách chạy trốn, mà thường là chạy trốn vào nội tâm.
Hình phạt của tôi dành cho con bằng cách luôn cố gắng tỏ ra rất buồn, thất vọng khi nó làm điều gì đó hư hoặc chưa đúng. May mắn cháu biết lo lắng về điều đó, sau nhiều năm vẫn có tác dụng.
Dạy con luôn thật khó.
Hoàng Minh Trí