Tôi vẫn hay đùa bảo vợ mình rằng, sinh con ra, đầu tư học hành ăn uống suốt 18 năm đầu, mạnh dạn cho thêm 4 năm Đại học nữa mới là 22 năm. Nếu cha mẹ có con năm 24 tuổi thì đến năm 46 tuổi trở đi là bắt đầu thu lợi được rồi. Đẻ càng sớm thì thời gian thu lợi càng sớm. Từ 46 tuổi, nếu tính 22 năm thì đến 68 tuổi là hoà vốn. Sau 68 tuổi là lãi ròng.
Mà chăm 1 đứa trẻ khi bé so với chăm một ông già bà lão thất thập cổ lai hi thì rõ ràng chăm người già tốn kém hơn nhiều vì thuốc men các kiểu. Đấy là nói vui vậy thôi. Chứ nếu nghĩ báo hiếu chỉ là vậy thì thật buồn. Nuôi con mà chỉ nghĩ đến việc sau này dựa cậy chúng lúc tuổi già thì nghe thật giống… công cụ.
Tôi vẫn nghĩ về chữ Hiếu được viết bằng sự mãn nguyện vì con cái trưởng thành. Rằng chúng ta đã tạo nên một gắn kết bền vững. Đừng nghĩ sinh con để mai này cậy nhờ rồi lại thở dài nếu sinh… con gái. Vì con gái lấy chồng dù muốn báo hiếu với cha mẹ nhưng chúng vẫn còn bố mẹ chồng của chúng.
Tôi với vợ mình vẫn hay nói với nhau rằng con chăm cha không bằng bà chăm ông. Việc 3 đứa nhỏ sau này có gia đình, thứ khiến chúng tìm đến bố mẹ vì nhớ bố mẹ chứ không phải để chăm bố mẹ. Nhất quyết hai vợ chồng phải tích luỹ đủ để sau này chỉ giúp đỡ chúng chứ không cần chúng gánh vác. Mà muốn thế thì… đừng có mà chăm chăm kiếm tiền để lại cho chúng làm gì. Hãy để chúng tự bươn chải.
Hãy giúp chúng bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình thôi. Hãy để chúng đi trên đôi chân của chúng, tự lập ra thế giới của chúng, giang san của chúng. Bố mẹ chả để lại gì sất. Cùng lắm là 1 số vốn nho nhỏ ban đầu. Nhưng vẫn là phải vay để có trách nhiệm trả. Khi nào bố mẹ chết đi rồi thì tài sản chia đều.
3 đứa nhà tôi, trộm vía, cũng quán triệt điều đó. Rằng hôm nay trách nhiệm của bố mẹ là nuôi bọn con ăn học. Nhưng ngày mai, khi các con trưởng thành rồi, các con phải xây dựng cuộc đời của các con. Bằng nếu phụ thuộc vào bố mẹ, các con sẽ xác định luôn là sẽ sống như… địa ngục.
Đừng có mong không làm vẫn có ăn. Nhà có thể ở nhưng lao động thay cho tiền nhà. Thương con thì thương thật, thương lắm. Nhưng thương không có nghĩa là bao ăn bao ở bao cả đời con. Bởi chúng ta nào có thể sống đủ lâu hơn chúng nó để lo suốt được cho chúng.
Cuộc sống càng về sau sẽ càng khó khăn. Thế nên, làm ơn, hãy lo cho chính bản thân mình trước đã. Đừng để mai này trở thành gánh nặng cho con cháu.
Như gần đây, trên một bài báo tôi đọc được về những thanh niên Singapore trầm cảm và khổ cực khi phải mang vác gánh nặng cha mẹ. Chỉ vì cha mẹ khi còn trẻ kiếm được bao nhiêu đổ hết tiền vào lo cho con cái ăn học. Đến khi chúng học xong thì cha mẹ cũng vào cơn khánh kiệt. Lũ trẻ học xong ra trường thất nghiệp lại phải nuôi lại cha mẹ. Nghĩ mà sợ thay!
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Hãy thôi chăm chăm kiếm tiền để lại cho con tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].