Cách ly có những hình thức nào? 3 biện pháp cách ly phòng dịch COVID-19

Việc cách ly là một trong những giải pháp quan trọng để phòng dịch COVID-19 lây lan. Vậy hiện nay có những hình thức cách ly nào? Chi tiết từng loại hình cách ly.

Những ai sẽ bị cách ly?

Trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007, tại Điều 49 về tổ chức cách ly y tế có nêu rõ:

  • Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.
  • Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
  • Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch. Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.

Bệnh COVID-19 cũng thuộc bệnh truyền nhiễm, đã được công bố dịch nên những người nhiễm, nghi nhiễm được áp dụng theo quy định trên. 

Các hình thức cách ly phòng COVID-19 gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác. Ảnh minh họa

Các hình thức cách ly phòng bệnh COVID-19

1. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú

Hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).

Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đối tượng cách ly là những người không có các triệu chứng nghi nhiễm nCoV (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây:

  • Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
  • Cùng làm việc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
  • Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
  • Có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào;
  • Ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ;
  • Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Thời gian cách ly tối đa 14 ngày, số ngày cách ly cụ thể được tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam.

Khi người nghi ngờ mắc bệnh được chẩn đoán loại trừ không mắc bệnh thì những người được cách ly có liên quan sẽ kết thúc việc cách ly.

Cách ly tại nhà, nơi lưu trú nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan COVID-19. Ảnh minh họa

Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú có thể được thực hiện tại bất kỳ nơi ở, nơi lưu trú nào như: nhà riêng; căn hộ chung cư; nhà ở tập thể; phòng ký túc xá của trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp; phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị.

Việc tuân thủ các quy định cách ly tại nhà, nơi lưu trú cũng như thực hiện tốt những yêu cầu về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân tại nơi cách ly không những giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh ra cộng đồng, còn giữ an toàn cho những người thân trong gia đình và những người xung quanh.

Trước tiên, đối với việc cách ly ở nhà cần lựa chọn địa điểm phù hợp tại nơi ở, nơi lưu trú. Tốt nhất là bố trí cho người được cách ly ở một phòng riêng, nên chọn phòng ở cuối dãy, cuối hướng gió, xa khu vực đông người qua lại.

Trong trường hợp cách ly tại nhà cũng cần bố trí phòng riêng cho người được cách ly, nếu không có phòng riêng, giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét và xa khu sinh hoạt chung.

Phòng cho người cách ly cần đảm bảo thông thoáng khí, hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ và các đồ đạc vật dụng trong phòng, có nhà vệ sinh với đủ xà phòng rửa tay, nước sạch. Trong phòng đặt thùng đựng rác có nắp đậy và được đem đi đổ hàng ngày.

Phòng ở của người được cách ly và khu vực sinh hoạt chung tại nơi ở, nơi lưu trú cần được làm vệ sinh khử trùng hàng ngày.

2. Cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng, Bộ Y tế đã ban Quyết định số 878/QĐ-BYT, kèm theo đó là hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch COVID -19.

Người đi về hoặc từng qua vùng có dịch được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung. Ảnh minh họa

Những người thuộc diện phải cách ly gồm:

  • Người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 (theo thông tin của Bộ Y tế).
  • Người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc COVID-19 trong trường hợp vượt khả năng tiếp nhận của cơ sở y tế.
  • Các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh thì Bộ Y tế tiếp tục có hướng dẫn tiếp theo.
  • Thời gian cách ly là 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
  • Các địa điểm có thể thiết lập cơ sở cách ly tập trung (cơ sở cách ly) gồm:
  • Doanh trại quân đội, công an;
  • Khu ký túc xá của trường học;
  • Khu nhà ở của nhà máy, xí nghiệp;
  • Khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng;
  • Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng,...
  • Trường học;
  • Cơ sở y tế tuyến xã;
  • Các khu vực khác có thể sử dụng làm cơ sở cách ly.

Các cơ sở cách ly tập trung cần:

  • Đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu: điện, nước, khu vệ sinh, nhà tắm.
  • Đảm bảo thông thoáng khí.
  • Đảm bảo an ninh, an toàn.
  • Đảm bảo phòng chống cháy nổ.
  • Tốt nhất nên riêng biệt với khu dân cư hoặc có hàng rào ngăn cách.
  • Thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển người được cách ly, tiếp tế hậu cần và vận chuyển chất thải đi xử lý.
  • Nếu có điều kiện thì trang bị tivi và internet cho từng phòng cách ly.

Thời gian cách ly là 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.

Người được cách ly có nghĩa vụ chấp hành việc cách ly y tế theo quy định. Ảnh minh họa

Người được cách ly có nghĩa vụ gì?

  • Chấp hành việc cách ly y tế theo quy định, theo nội quy của cơ sở cách ly và cam kết thực hiện các biện pháp cách ly y tế (mẫu kèm theo).
  • Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Không khạc nhổ bừa bãi.
  • Được đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày và tự theo dõi sức khỏe hàng ngày.
  • Thông báo cho cán bộ y tế được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt hoặc ho, đau họng, khó thở.
  • Hàng ngày thực hiện việc hạn chế ra khỏi phòng cách ly và hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác trong phân khu cách ly.
  • Không tụ tập nói chuyện, không ngồi ăn chung, không tổ chức các trò chơi trong phòng, hành lang, ngoài sân trong phân khu cách ly.
  • Giặt, rửa vật dụng cá nhân như quần áo, bát đĩa, cốc chén bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.
  • Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như: cốc, chén, bát, đũa, thìa, khăn, bàn chải đánh răng...
  • Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ.
  • Thu gom riêng khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào thùng đựng chất thải lây nhiễm.
  • Thu gom chất thải sinh hoạt khác vào thùng đựng chất thải sinh hoạt.
Người mắc COVID-19 và người nghi ngờ mắc phải được cách ly điều trị. Ảnh minh họa

3. Cách ly tại bệnh viện (cơ sở điều trị COVID-19)

Đối tượng áp dụng cách ly tại cơ sở điều trị COVID-19 là người nhiễm, nghi nhiễm, tiếp xúc gần với người nhiễm.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn các cơ sở y tế tổ chức tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus Corona như sau:

Nghiêm túc tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Phải triển khai cách ly, điều trị, quản lý ca bệnh đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người nhà và cộng đồng theo quy định. Khu vực cách ly chia thành 3 đơn nguyên: khu vực người bệnh nghi ngờ, khu vực người bệnh đã được chẩn đoán xác định, khu vực lưu giữ người bệnh trước khi xuất viện.

Sẵn sàng tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh, chữa bệnh: phân luồng và bố trí buồng khám riêng đối với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt,…); đặc biệt lưu ý khi có yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày.

Các cơ sở khám, chữa bệnh có giường nội trú (từ bệnh viện tuyến huyện và tương đương trở lên) có trách nhiệm tiếp nhận người bệnh nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV; điều trị và quản lý, theo dõi cách ly triệt để tại chỗ khi nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV.

Tất cả bệnh viện phải có phương án vận chuyển người bệnh khi có chỉ định chuyển tuyến điều trị. Thực hiện chuyển tuyến theo phân tuyến điều trị khi người bệnh có diễn tiến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện (như vậy: kết quả xét nghiệm chẩn đoán (+) không phải là điều kiện để chuyển tuyến như quy định trước đây).

Người bệnh được xuất viện khi có đủ các tiêu chuẩn sau: hết sốt ít nhất 3 ngày; các triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi cải thiện; hai mẫu bệnh phẩm (lấy cách nhau ít nhất 1 ngày) xét nghiệm âm tính với COVID-19…

Phân loại F0, F1, F2, F3... trong phòng dịch COVID-19 là gì?

Việc phân loại này để cách ly y tế phòng COVID-19 khoa học, tốt nhất, quản lý bệnh nhân, người có nguy cơ lây nhiễm dễ dàng. Cụ thể: 

F0: Người được xác định nhiễm Sars-CoV2:

  • Điều trị theo chỉ định của bác sĩ
  • Cách ly tại bệnh viện
  • Tự phục vụ để hạn chế lây cho mọi người
  • Đồng thời báo cho F1 về tình trạng của mình.

F1: Người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc F0

  • Đeo ngay khẩu trang
  • Báo cho cơ sở y tế quận nơi sinh sống
  • Chuẩn bị đồ và đi cách ly tại Bệnh viện
  • Đồng thời báo cho F2 về tình trạng của mình.

F2: Người tiếp xúc với F1

  • Đeo ngay khẩu trang
  • Báo cho cơ sở y tế quận nơi sinh sống
  • Chuẩn bị đồ đạc, làm theo hướng dẫn cách ly của cán bộ y tế (tại nhà hoặc tập trung)
  • Đồng thời báo cho F3 về tình trạng của mình.

F3: Người tiếp xúc với F2

  • Đeo ngay khẩu trang
  • Báo cho cơ sở y tế quận nơi sinh sống
  • Chuẩn bị đồ đạc, làm theo hướng dẫn cách ly của cán bộ y tế (tại nhà hoặc tập trung)
  • Đồng thời báo cho F4 về tình trạng của mình.

F4: Người tiếp xúc với F3 hoặc F5: Người tiếp xúc với F4

  • Đeo ngay khẩu trang
  • Tự cách ly, theo dõi tại nhà
  • Báo cho cơ sở y tế quận nơi sinh sống

Người nhiễm, nghi nhiễm hoặc tiếp xúc cần cập nhật tình trạng của các F khác để thay đổi hướng xử trí kịp thời. Dù xét nghiệm âm tính vẫn tiếp tục cách ly theo hướng dẫn hoặc đủ 14 ngày.

Xem thêm clip: 6 bước rửa tay theo chuẩn WHO để phòng dịch COVID-19

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan