Bệnh trĩ có thể được điều trị khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm, với những cách chữa bệnh trĩ đơn giản sau sẽ giúp cải thiện nhanh triệu chứng của bệnh.
PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, có 2 triệu chứng chính là chảy máu và sa búi trĩ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám để phát hiện và điều trị sớm bệnh trĩ.
Trong đó, chảy máu là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất. Đây là một trong những lý do người bệnh đến hoặc được đưa đến các cơ sở y tế thăm khám.
Lúc đầu máu chảy rất kín đáo, tình cờ bệnh nhân phát hiện khi nhìn vào giấy chùi vệ sinh sau khi đi đại tiện hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn.
Về sau mỗi khi đi cầu phải rặn nhiều do táo bón thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Muộn hơn nữa, cứ mỗi lần đi đại tiện, mỗi lần đi lại nhiều, mỗi lần ngồi xổm máu lại chảy.
Có khi máu chảy rất nhiều khiến bệnh nhân phải vào cấp cứu. Đôi khi máu từ búi trĩ chảy ra đọng lại trong lòng trực tràng rồi sau đó mới đi cầu ra nhiều máu cục.
Sa búi trĩ là triệu chứng thường xảy ra trễ hơn, sau một thời gian đi đại tiện có chảy máu. Lúc đầu, sau mỗi khi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, sau đó khối đó tự tụt vào được. Càng về sau khối lồi ra đó to lên dần và không tự tụt vào sau khi đi đại tiện nữa mà phải dùng tay nhét vào. Cuối cùng khối sa đó thường xuyên nằm ngoài hậu môn.
Ngoài hai triệu chứng chính kể trên, người bị bệnh trĩ có thể có kèm theo các triệu chứng khác như đau khi đi đại tiện, ngứa quanh hậu môn.
Thông thường trĩ không gây đau, triệu chứng đau xảy ra khi có biến chứng như tắc mạch, sa trĩ nghẹt hay do các bệnh khác ở vùng hậu môn như nứt hậu môn, áp xe cạnh hậu môn…
Triệu chứng ngứa xảy ra do búi trĩ sa ra ngoài và tiết dịch gây viêm da quanh hậu môn làm cho bệnh nhân cảm thấy hậu môn lúc nào cũng có cảm giác ướt và ngứa.
Nguyên nhân của bệnh trĩ chưa được xác định rõ ràng và chắc chắn, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Thế Thinh, những yếu tố sau đây được coi như là những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh:
- Táo bón kinh niên: Những bệnh nhân này mỗi khi đi cầu phải rặn nhiều, khi rặn áp lực trong lòng ống hậu môn tăng lên gấp 10 lần. Táo bón lâu ngày làm xuất hiện các búi trĩ, Các búi trĩ dần dần to lên và khi to quá sẽ sa ra ngoài.
- Hội chứng lỵ: Những bệnh nhân bị bệnh lỵ mỗi ngày đại tiện nhiều lần và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng.
- Tăng áp lực ổ bụng: Những bệnh nhân viêm phế quản mạn tính, những bệnh nhân giãn phế quản, ho nhiều, những người lao động nặng như khuân vác… làm tăng áp lực trong ổ bụng, dễ dàng cho bệnh trĩ xuất hiện.
- Tư thế làm việc: Khi nghiên cứu áp lực tĩnh mạch trĩ, người ta ghi nhận áp lực tĩnh mạch trĩ là 25 cm H2O ở tư thế nằm, tăng vọt lên 75 cm H2O ở tư thế đứng. Vì vậy, tỷ lệ mắc bệnh trĩ sẽ cao ở những người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại như thư ký bàn giấy, nhân viên bán hàng, thợ may…
- U bướu hậu môn trực tràng và vùng xung quanh (như ung thư trực tràng, u bướu vùng tiểu khung, thai nhiều tháng…) khi to có thể chèn ép và cản trở đường về tĩnh mạch hồi lưu làm cho các đám rối trĩ căng phồng lên tạo thành bệnh trĩ. Trong những trường hợp này, trĩ được tạo nên do những nguyên nhân cụ thể, rõ ràng nên được gọi là trĩ triệu chứng, khi điều trị phải điều trị nguyên nhân chứ không như bệnh trĩ.
Bệnh trĩ có thể điều trị khỏi bằng các thuốc Tây y, thuốc Đông y hay các phương pháp vật lý.
Trong đó, thuốc uống gồm các thuốc có tác nhân trợ tĩnh mạch, cơ chế tác động của thuốc là làm gia tăng trương lực tĩnh mạch, giảm phù nề, kháng viêm, chống nhiễm trùng, chống tắc mạch… Thuốc tại chỗ gồm các loại thuốc mỡ và thuốc đặt hậu môn có tác dụng kháng viêm, vô cảm tại chỗ và dẫn xuất trợ tĩnh mạch.
Còn trong Đông y, có nhiều bài thuốc được điều chế từ các loại thảo dược thiên nhiên được sử dụng để chữa bệnh trĩ tại nhà hiệu quả. Để chữa bệnh trĩ nội xuất huyết hay thể huyết ứ với triệu chứng đi ngoài ra máu tươi, đau, táo bón… có thể dùng bài thuốc gồm: Hoa hòe 16g, kinh giới 16g, sinh địa 12g, cỏ nhọ nồi 16g, huyền sâm 12g, trắc bá diệp 16g, tất cả đem sắc nước uống ngày 1 tháng để điều trị bệnh.
Người bệnh có thể kết hợp các loại thảo dược gồm lá cúc tần, lá ngải cứu, lá sung, lá lốt, mỗi thứ 1 nắm và thêm vài lát nghệ để làm thuốc chữa bệnh trĩ.
Đem các loại thảo dược kể trên rửa sạch, đun sôi với nước sạch và để nguội khoảng 30 độ C. Sau đó, dùng nước này để ngâm và rửa hậu môn khoảng 15 phút. Thực hiện mỗi ngày 1 – 2 lần và làm kiên trì để giúp giảm sưng đau, ngứa rát vùng hậu môn do bệnh trĩ gây ra.
Hiện trên thị trường cũng đã có các chế phẩm được chiết xuất từ các loại thảo dược thiên nhiên nói trên để hỗ trợ điều trị bệnh trĩ, giúp giảm đau đớn, nóng rát, sưng viêm ở vùng hậu môn, làm giảm kích thước búi trĩ khi đều đặn.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh trĩ, người bệnh cũng cần chú ý ngăn chặn các yếu tố thuận lợi phát bệnh trĩ bằng cách:
- Tập thói quen đi cầu đều đặn hàng ngày.
- Điều chỉnh thói quen ăn uống: Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà; tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu; uống nước đầy đủ; ăn nhiều chất xơ.
- Vận động thể lực: Nên tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ…
- Điều trị các bệnh mạn tính hiện có như viêm phế quản, giãn phế quản, bệnh lỵ…
- Vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn bằng nước sạch sau khi đi đại tiện, ngâm rửa hậu môn bằng nước lạnh 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút.