Chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên thế nào cho đúng?

Viêm đường hô hấp trên là bệnh dễ mắc phải ở trẻ, nhất là khi thời tiết se lạnh. Việc chăm sóc trẻ khi bị bệnh có nhiều điều cần lưu ý để tránh biến chứng. Vì vậy, cha mẹ cần nắm vững các dấu hiệu và cách chăm sóc con.

Nguyên nhân khiến trẻ dễ bị viêm đường hô hấp trên

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm ở các bộ phận thuộc đường hô hấp trên như mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản…

Những bộ phận này có chức năng lấy không khí từ bên ngoài cơ thể, làm ấm, sưởi ấm và lọc khí trước khi đưa vào phổi. Vì đây là những bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ xảy ra tình trạng viêm nhiễm, dễ tái phát bệnh.

Trẻ bị viêm đường hô hấp trên có thể dẫn đến ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi... Ảnh minh họa

Bệnh viêm đường hô hấp trên do một số virus và vi khuẩn lành tính gây nên. Với trẻ dưới 5 tuổi thì đa số các trường hợp mắc đều do nhiễm virus (virus hợp bào hô hấp, virus cúm, virus cúm, sởi, và một số loại nấm...).

Một số vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên gồm: Hemophilus influenzae tuýp B (viết tắt là Hib), phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu, vi khuẩn Bordetella...

Viêm đường hô hấp trên cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác như như: dị ứng với thời tiết, dị ứng với các tác nhân khác trong không khí, khói bụi, dị ứng với các hóa chất,...

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ cũng khiến trẻ dễ bị bệnh viêm đường hô hấp như trẻ còn nhỏ, sức đề kháng kém, môi trường sống ẩm thấp, kém vệ sinh...

Những triệu chứng thường gặp khi bị viêm đường hô hấp trên

Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên, triệu chứng cha mẹ dễ nhận biết nhất là trẻ có biểu hiện sốt, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, khàn tiếng, ho nhiều, ngứa mắt, đau mắt, cơ thể mỏi mệt, chán ăn...

Trong thời gian bị viêm đường hô hấp trên trẻ có thể bị sốt cao kèm theo hơi thở hôi, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy… Các cơn ho cũng nhiều dạng như ho khan kéo dài, ho có đờm, ho từng cơn...

Và vì là bệnh thông thường nên trẻ có thể tự khỏi bệnh sau 5 - 7 ngày mắc bệnh viêm đường hô hấp trên.

Tuy nhiến, nếu không chăm sóc trẻ đúng cách, điều trị bệnh kịp thời rất dễ dẫn tới viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản) với những triệu chứng như: khó thở, thở nhanh, thở rít...

Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không đỡ. Ảnh minh họa

Cách chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên

Các trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp trên mức độ nhẹ đều được bác sĩ chỉ định cho chăm sóc, theo dõi và điều trị tại nhà bằng cách:

  • Cha mẹ cho trẻ bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và uống nhiều nước.
  • Giữ ấm cơ thể cho trẻ khi thời tiết chuyển lạnh, vệ sinh thân thể và đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát.
  • Nếu trẻ bị sốt, nên cho trẻ nằm trong phòng thoáng mát. Dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt cao trên 38 độ C và đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay nếu sốt không hạ, kèm theo mệt mỏi, bỏ ăn.
  • Nếu trẻ bị nghẹt mũi, cha mẹ dùng dung dịch nước muối sinh lý để làm sạch mũi cho trẻ. Nên đặt bé nằm cao đầu hoặc bế bé ở tư thế đứng song song với cơ thể mẹ để trẻ không bị khó thở.
  • Lấy dịch mũi ra cho trẻ bằng dụng cụ hút mũi (không dùng miệng để hút mũi vì miệng người lớn có nhiều vi khuẩn gây hại), sau đó dùng tăm bông sạch làm khô mũi cho trẻ.
  • Trong trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp trên dẫn đến ho nhiều thì cha mẹ có thể cho con sử dụng siro ho, thuốc ho thảo dược để điều trị triệu chứng và việc dùng thuốc cần có sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nhi.
  • Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám ngay khi trẻ không ăn uống được hoặc bỏ bú; trẻ khó thở, thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực; trẻ sốt cao uống thuốc hạ sốt không giảm…
  • Cho trẻ đi tiêm vaccin để ngừa một số bệnh viêm hô hấp trên như: vaccin phế cầu, vaccin cúm...
An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan