Có người đưa mẹ hàng trăm triệu mỗi tháng hay có người kéo cày trả nợ tiền lô đề cờ bạc của mẹ như ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng. Ai cũng đúng nhưng là chỉ đúng với chính mẹ của họ.
Cài một bông hoa trên ngực áo cho những ai còn mẹ
Có nhiều bận, tôi hay giật mình vô cớ, nhất là những lần phải đi đám tang bố mẹ của bạn bè, tôi nhớ đến bố mẹ mình. Công việc, gia đình riêng khiến tôi ít ghé thăm cha mẹ mình. Thường chỉ mỗi tháng đôi bận, dịp mang tiền hàng tháng qua biếu bố mẹ hoặc dịp lũ trẻ được nghỉ học.
Tôi thực sự ít nghĩ về việc làm thế nào mới là một đứa con hiếu thảo. Tôi cũng không dạy các con mình về việc đó. Bởi tôi luôn nghĩ hiếu thảo nằm ở trong tâm của mỗi người. Nhiều ít tuỳ ở cái tâm ấy chứ không phải bằng những thước đo của người đời.
Nhưng nhiều người thì quan tâm đến thước đo ấy. Nên cúng kiếng cha mẹ cứ phải mâm cao cỗ đầy, khách mời đông nghịt. Cứ như thể làm vậy mới là hiếu nghĩa. Nên nhiều người đo đếm hiếu nghĩa bằng đủ thứ thước đo vật chất. Mà cứ phải loảng xoảng, to đoàng hay thật hào nhoáng mới chịu cơ. Tôi thì chịu.
Là bởi tôi cũng học được từ chính cách bố tôi với bà tôi- người đã nhận nuôi bố tôi từ năm ông mới 3 tuổi. Bà tôi nằm liệt giường gần 10 năm, bố tôi là đàn ông nhưng vẫn chui gầm giường cọ rửa mùi xú uế, vẫn rửa ráy từng phần da thịt của bà tôi. Những vết lở loét do nằm lâu ngày cũng một tay bố vệ sinh.
Cho đến ngày bà ra đi, bố cũng là người bóp rượu xoa cho thi hài của bà. Tận tuỵ vậy. Hay như hồi bà còn khoẻ, nhà có ăn gì cũng mời bà miếng đầu tiên. Dù bà rất không ưa mẹ tôi thì bố vẫn trọn vẹn vừa thương mẹ tôi vừa làm bà vui lòng.
Đến những ngày giỗ bà, nhà tôi chỉ từng đó người với nhau. Mâm cỗ giỗ chỉ mặn mà hơn con gà, bát miến, chai rượu. Chẳng mâm cao cỗ đầy dù nhiều khi tôi vẫn hứng chí lên bảo bố làm lớn lên để tôi đưa bạn gái về ăn giỗ cùng. Bố tôi dạy tôi về hiếu nghĩa như thế. Nên tôi cũng nghĩ về hiếu nghĩa chỉ giản đơn như vậy.
Nhiều người bảo, hiếu nghĩa với mẹ phải thế này, thế kia. Tôi không phản đối cách mỗi người hiếu nghĩa với mẹ của họ. Kể cả việc đưa mẹ hàng trăm triệu mỗi tháng hay có người kéo cày trả nợ tiền lô đề cờ bạc của mẹ như ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng. Hay có người thì cho rằng hiếu nghĩa với mẹ là thường xuyên về nhà với mẹ chứ không phải chỉ gọi điện thăm hỏi.
Ai cũng đúng nhưng là chỉ đúng với chính mẹ của họ.
Còn với hầu hết những người mẹ thương con, yêu con, tôi nghĩ, thứ mẹ cần chính là hạnh phúc của con mình. Con cứ hạnh phúc thì thế nào cũng vẫn là đứa con hiếu thuận.
Cứ nghĩ xem một cụ bà 60- 70 tuổi vẫn phải làm lụng để nuôi con, cung ứng tiền bạc cho con mà thấy đau lòng. Hay khi chứng kiến hôn nhân của con cái đổ vỡ, có mẹ nào cảm thấy vô can?
Rồi nếu con cái đau khổ, có mẹ nào không xót xa theo? Cảm xúc của con cái phản chiếu lại chính cảm xúc của cha mẹ. Con hạnh phúc vui vẻ khoẻ mạnh ấy là hiếu thuận rồi.
Thế nên hôm nay, lễ Vu Lan này, những bông hồng trên ngực áo của những ai còn mẹ, xin hãy nở một nụ cười hạnh phúc khi gặp mẹ mình. Xin hãy vì mẹ mà hạnh phúc.
Xin đừng để người buồn dù chỉ là một chút. Xin đừng để người phải lo lắng dù chỉ là vài ba thứ vớ vẩn thôi. Được thêm một chút cho mình khiến mẹ tự hào, hãnh diện khi kể về con với bạn bè thì càng tốt.
Tôi nghĩ, đó mới chính là sự hiếu thuận vậy!
Nhà văn Hoàng Anh Tú