Lễ Vu lan báo hiếu và những điều không phải ai cũng biết

Lễ Vu lan là ngày lễ báo hiếu cha mẹ thường được tổ chức vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Tại ngày này, các Phật tử về chùa dâng hương, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được khỏe mạnh, bình yên.

  Lễ Vu lan báo hiếu và những điều không phải ai cũng biết

Lễ Vu lan báo hiếu và những điều không phải ai cũng biết

"Vu lan về con cài lên ngực

Bông hồng vàng báo hiếu mẹ cha

Tháng bảy mưa ngâu hay nước mắt nhạt nhoà

Của những đứa con nhớ về cha mẹ"...

Nếu như các nước phương Tây có ngày lễ dành cho mẹ thì ở Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực Châu Á thì Vu lan được xem là nghi lễ giúp con cháu bày tỏ lòng biết ơn đến công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Vậy lễ Vu lan ngày bao nhiêu, nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này như thế nào? bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bạn những thông tin thật hữu ích.

Ngày Vu lan báo hiếu là ngày mấy?

Ngày lễ Vu lan báo hiếu hay còn được biết đến là ngày lễ báo hiếu cha mẹ. Ngày lễ này thường được tổ chức vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Năm 2018, lễ Vu lan báo hiếu sẽ rơi vào ngày 25/8 dương lịch.

Vào ngày này, tại các ngôi chùa trên khắp cả nước đều long trọng tổ chức đại lễ Vu lan. Đây là dịp các Phật tử về chùa dâng hương, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được khỏe mạnh, bình yên cũng như cha mẹ bảy đời quá khứ được thoát khổ địa ngục, sanh về cõi Trời an vui. 

Sự tích lễ Vu lan báo hiếu

Theo sự tích được ghi chép lại trong kinh "Vu Lan Bồn" thì ngày xưa, khi Bồ Tát Mục Kiều Liên tu thành chánh quả, lúc tưởng nhớ mẫu thân, đã dùng tuệ nhãn kiếm tìm khắp nơi trong trời đất, liền thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở.

Thương mẹ, Ngài đã vận thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Rất tiếc, bà Thanh Đề hãy còn quá sân tham và bởi ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nên khi bốc cơm đưa vào miệng thì cơm biến thành lửa. Tôn giả Mục Liên không có cách nào cứu được mẹ nên Ngài liền quay về hỏi Đức Thế Tôn.

Đức Phật dạy rằng: "Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ".

- Nhưng Bạch Thế Tôn, làm sao con thỉnh được chư Tăng khắp mười phương về để cúng dường cùng một lúc như vậy được?

Đức Phật dạy: "Ngày Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của chư Tăng. Ngày đó dù các vị ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hoá độ nhân gian, cũng tập trung lại để cùng Tự Tứ. Đây là ngày thích hợp để cung thỉnh chư Tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó."

Tôn giả Mục Kiền Liên y theo lời Phật mà làm. Sau đó mẹ của Ngài được giải thoát. Trong dịp này Đức Phật cũng dạy: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp) mà làm". Từ đó, ngày Lễ Vu Lan ra đời. (Theo thuvienhoasen.org)

Ý nghĩa của ngày lễ Vu lan báo hiếu

Lễ Vu lan báo hiếu không đơn thuần là ngày lễ thông thường mà còn mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Đây là ngày lễ giúp con cái tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đồng thời khơi dậy trong lòng họ tinh thần báo hiếu đáng trân trọng.

- Vu Lan: Danh từ gọi tắt của "Vu Lan Bồn", tiếng Phạn là "Ullambana". Ullam: dịch là "treo ngược" (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược. Chữ "bồn" tiếng Phạn là "bana" tạm dịch là "cứu giúp". Như vậy chúng ta có thể hiểu từ "Vu Lan Bồn" có nghĩa là giải cứu người bị tội treo ngược.

- Báo hiếu: Nghĩa là sự báo đáp, đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.

Vu Lan là dịp để nhắc nhớ tâm tưởng mỗi người đong đầy thêm tình cảm hiếu lễ, lòng biết ơn hướng về cha mẹ. Không chỉ chờ tới ngày lễ Vu lan mới thể hiện sự hiếu kính mà với cha mẹ ngày nào cũng là ngày lễ Vu lan. Hãy báo hiếu cha mẹ hàng ngày chứ đừng chờ đến ngày này mới thể hiện sự biết ơn.

Ngoài ra, một nét đẹp trong ngày lễ Vu lan chính là chương trình "bông hồng cài áo". Dù già hay trẻ, dù gái hay trai khi tham dự buổi lễ này đều bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn khi đón nhận bông hoa hồng trang trọng cài lên ngực áo.

Trong buổi lễ này, những người còn cha mẹ sẽ cài bông hồng đỏ, những người mất cha mẹ cài bông hồng trắng để tưởng nhớ đấng sinh thành. 

Nghi thức lễ Vu Lan mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thắp lên ngọn lửa của tình yêu thương, lòng biết ơn, thành kính. Đây cũng là nét đẹp nhân văn trong ứng xử của những người con đại hiếu bởi sự hiếu thảo không thuộc về bất kỳ tôn giáo nào.

Những bài thơ lễ Vu lan hay cảm động  

1. Thơ về mẹ - Tác giả: Hoàng Long

Thuở cỏn con, con nằm bên mẹ

Đầu rúc vào lòng, con ấm lắm mẹ ơi

Con thương mẹ đêm ngày tần tảo

Thức đêm dài mẹ may áo cho con

Gió đồng nội trưa hè nắng nóng

Mẹ ngồi khom nhổ cỏ một mình

Mưa đêm lạnh mẹ ngồi lo lắng

Lo cho con yên giấc cơn đau

Con vui sướng khi được ôm lưng mẹ

Mỗi lần mẹ về với chị em con

Đem cho con muôn điều hạnh phúc

Mẹ vẫn luôn nghĩ về chúng con

Thuở thiếu thời con không nghe lời mẹ

Để mỗi lần mẹ đánh con đau

Tuổi nhỏ bồng bột chưa biết nghĩ

Giờ lớn khôn con cố học hành

Con sẽ bay cao bay xa mãi

Tìm đến ánh sáng của tương lai

Tìm ra người bạn con mong ước

Giữ mãi hình mẹ ở trong con

Đảm việc nhà lo toan việc nước

Xây gia đình giữ hạnh phúc cho con

Con muốn tìm, muốn gặp người bạn đó

Người bạn như mẹ, mẹ của con

Xa cha mẹ, chúng con lên thành phố

Nhớ tuổi thơ mẹ nhắc con học hành

Mẹ làm lụng chúng con mong giúp mẹ

Nhưng mẹ chỉ cười “học đi con”

Mẹ đã cho con nhiều hạnh phúc

Dạy cho chúng con biết điều hay

Mẹ cũng chăm con từng giấc ngủ

Mỗi lần con về bên mẹ, mẹ ơi!

Con muốn ở bên mẹ như thuở bé

Cảm nhận tình thương mẹ dành cho con

Thoải mái từng giờ trong hạnh phúc

Bên mẹ, gia đình, giấc ngủ ngon.

2. Mẹ ơi, đời mẹ - Tác giả: Huy Cận

Mẹ ơi, đời mẹ khổ nhiều

Trách đời, mẹ giận bao nhiêu cho cùng

Mà lòng yêu sống lạ lùng

Mẹ không phút nản thương chồng, nuôi con.

"Đắng cay ngậm quả bồ hòn,

Ngậm lâu hoá ngọt!"

Mẹ còn đùa vui!

Sinh con mẹ đã sinh đời

Sinh ra sự sống, mẹ ngồi chán sao?

Quanh năm có nghỉ ngày nào!

Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy.

Rét đông đi cấy đi cày

Nóng hè bãi cát, đường lầy đội khoai.

Bấu chân khỏi ngã dốc nhoài

Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa.

Giận thầy, mẹ chẳng nói thưa,

Vỉa câu chua chát lời thơ truyện Kiều.

Cắn răng bỏ quá trăm điều

Thuỷ chung vẫn một lòng yêu đời này.

Mẹ là tạo hoá tháng ngày

Làm ra ngày tháng sâu dày đời con.

3. Mẹ ốm - Tác giả: Trần Đăng Khoa

Mọi hôm mẹ thích vui chơi

Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu

Lá trầu khô giữa cơi trầu

Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay

Cánh màn khép lỏng cả ngày

Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa

Nắng mưa từ những ngày xưa

Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan

Khắp người đau buốt, nóng ran

Mẹ ơi !

Cô bác xóm làng đến thăm

Người cho trứng, người cho cam

Và anh y sĩ đã mang thuốc vào

Sáng nay trời đổ mưa rào

Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương

Cả đời đi gió đi sương

Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi

Mẹ vui, con có quản gì

Ngâm thơ kể chuyện rồi thì múa ca

Rồi con diễn kịch giữa nhà

Một mình con sắm cả ba vai chèo

Vì con, mẹ khổ đủ điều

Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn

Con mong mẹ khỏe dần dần

Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say

Rồi ra đọc sách, cấy cày

Mẹ là đất nước, tháng ngày của con.

4. Tháng bảy Vu Lan - Tác giả: Nàng Út

Vu lan đến đây mùa báo hiếu

Xót xa lòng ai hiểu đầy vơi

Mồ côi tội lắm Mẹ ơi

Mình con lạc bước chơi vơi giữa đời

Con nhớ Mẹ lệ rơi chảy mãi

Nhớ Mẹ nhiều con phải làm sao

Lòng đau se thắt nghẹn ngào

Nhớ sao kỉ niệm thuở nao ùa về

Lúc còn nhỏ không hề hay biết

Giữa dòng đời chảy xiết khôn nguôi

Bao nhiêu cay đắng ngậm ngùi

Mẹ dành nhận hết ngọt bùi phần con

Con chẳng biết còn hờn còn dỗi

Mẹ vỗ về trách tội chi đâu

Nay mùa tháng bảy mưa ngâu

Lòng con nhớ Mẹ lệ sầu chứa chan

Con mơ ước thời gian quay lại

Để bên đời Mẹ mãi bên con.

5. Mẹ - Tác giả: Đỗ Trung Quân

Con sẽ không đợi một ngày kia

khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc

Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?

Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt

Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua

mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ

ai níu nổi thời gian?

ai níu nổi?

Con mỗi ngày một lớn lên

Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

Con sẽ không đợi một ngày kia

có người cài cho con lên áo một bông hồng

mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ

mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng

hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ?

Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ

Sống tự do như một cánh chim bằng

Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái

Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?

Những bài thơ chất ngập tâm hồn

đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc

Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác

mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ

ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ

giọt nước mắt già nua không ứa nổi

ta mê mải trên bàn chân rong ruổi

mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng

Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân

mấy kẻ đi qua

mấy người dừng lại?

Sao mẹ già ở cách xa đến vậy

trái tim âu lo đã giục giã đi tìm

ta vẫn vô tình

ta vẫn thản nhiên?

Hôm nay...

anh đã bao lần dừng lại trên phố quen

ngã nón đứng chào xe tang qua phố

ai mất mẹ?

sao lòng anh hoảng sợ

tiếng khóc kia bao lâu nữa

của mình?

Bài thơ này xin thắp một bình minh

trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối

bài thơ như một nụ hồng

Con cài sẵn cho tháng ngày

sẽ tới!

6. Bông Hồng Vàng

Vu lan về con cài lên ngực

Bông hồng vàng báo hiếu mẹ cha

Tháng bảy mưa ngâu hay nước mắt nhạt nhoà

Của những đứa con nhớ về cha mẹ

Một nén hương thơm nồng nàn lặng lẽ

Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương

Dù bao năm dù có hoá vô thường

Công sinh dưỡng vẫn là công lớn nhất

Cả cuộc đời mẹ cha tất bật

Cho chúng con lẽ sống tình yêu

Đại dương bao la đâu đã là nhiều

Với chúng con cha mẹ là tất cả

Có đôi lúc

Mải mê quay với dòng đời ồn ã

Những đô hội thị thành

Những phương trời lạ

Chợt giật mình tỉnh giấc nhớ mẹ cha.

* Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo

Xem thêm:

Phương Anh (T/h)

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính