Nếu người dân biết các yếu tố nguy cơ, hay các dấu hiệu cảnh báo, đồng thời với việc được cấp cứu kịp thời trong 'thời gian vàng' đối với bệnh đột quỵ sẽ giảm bớt gánh nặng cho các gia đình và cho toàn xã hội.
Tại hội nghị ký kết "Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống đột quỵ tại Việt Nam 2021-2021" do Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức, PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - BV Bạch Mai chia sẻ chỉ trong 1 tháng từ khi thành lập tới nay, Trung tâm tiếp nhận tới khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó có tới 10% (tức là 100 ca) là bệnh nhân trẻ (dưới 44 tuổi).
"Bệnh nhân đột quỵ có xu hướng ngày càng trẻ hóa, hiện nay có 10 bệnh nhân trẻ đang nằm điều trị tại Trung tâm đột quỵ. Hầu hết bệnh nhân trẻ bị đột quỵ có liên quan các yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, tim mạch, lối sống không lành mạnh như hút nhiều thuốc lá, lạm dụng rượu bia... Trong số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có một tỉ lệ do bất thường, dị dạng mạch máu não bẩm sinh, bệnh nhân 14 tuổi trong nhóm này" - bác sĩ Tôn cho biết.
Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam.
Mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thông thường, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên, tuy nhiên độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường hợp đột quỵ.
Theo thống kê tại các BV, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - Phó Trưởng Ban phòng, chống bệnh không lây nhiễm chia sẻ, cứ 10 người chết thì có gần 8 người do bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính...
TS Khuê cũng khẳng định: cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về bệnh đột quỵ. Nếu người dân biết các yếu tố nguy cơ, hay các dấu hiệu cảnh báo, đồng thời với việc được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” đối với bệnh đột quỵ sẽ giảm bớt gánh nặng cho các gia đình và cho toàn xã hội.
“Việc tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin về phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ trở nên rất cần thiết và quan trọng. Hiện nay, với sự phát triển của internet, người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về chăm sóc sức khỏe và thực hiện theo các thông tin tìm được.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay thông tin xuất hiện dày đặc và tràn lan trên mạng, nên rất khó để phân biệt đâu là các nguồn thông tin đáng tin cậy và chính xác.
Để người dân tiếp cận được những thông tin chính xác, đúng đắn trong việc chủ động phòng ngừa bệnh đột quỵ, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) sẽ thiết lập một kênh thông tin điện tử chuyên cung cấp thông tin quan trọng về bệnh lý đột quỵ cho cộng đồng, một cách dễ hiểu và gần gũi như các nguyên nhân, triệu chứng, các phương pháp điều trị cũng như những khuyến nghị nhằm phòng ngừa đột quỵ thông qua việc thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị.
Kênh thông tin điện tử này được gắn kết vào trang thông tin điện tử hiện hành của cục QLKCB, sẽ thường xuyên cập nhật các thông tin về xây dựng lối sống lành mạnh, giúp phòng ngừa bệnh đột quỵ và cải thiện sức khỏe của bản thân, cũng như việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh đột quỵ.
"Hy vọng ngày càng có nhiều kênh thông tin điện tử chính thức từ Bộ Y tế về đa dạng các loại bệnh lý khác nhau, không chỉ riêng bệnh đột quỵ, để góp phần nâng cao nhận thức và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Những nguồn thông tin đáng tin cậy này sẽ giúp các bác sĩ có thêm các công cụ hỗ trợ và tiết kiệm thời gian tư vấn cho bệnh nhân về phòng chống bệnh tật nói chung và bệnh đột quỵ nói riêng tạo ra một khối sức mạnh liên kết cho sức khỏe toàn dân".