Bộ Y tế khuyến cáo 6 nguyên tắc để phòng ngừa ngộ độc rượu

Nhằm giảm thiểu các thiệt hại do ngộ độc rượu gây ra, Cục An toàn thực, Bộ Y tế khuyến cáo 6 nguyên tắc phòng ngừa ngộ độc rượu dưới đây.

Khuyến cáo này được đưa ra khi mà vài ngày trước xảy ra sự việc 4 trường hợp ngộ độc sau khi uống rượu ngâm cao ngựa khoảng 30 phút đột ngột xuất hiện nôn ói, tê chân tay, tê môi và được đưa vào Bệnh viện huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cấp cứu.

Khi nhập viện, các bệnh nhân đều trong tình trạng lơ mơ, rối loạn tim mạch. Kíp cấp cứu đã nhanh chóng dùng thuốc vận mạch, súc rửa ruột bệnh nhân để đào thải các chất độc. Sau khoảng 2 giờ, cả 4 bệnh nhân đã ổn định trở lại.

Theo thông tin chia sẻ của các bệnh nhân khi đến viện thì cả 4 người này từ huyện Mường Khương xuống thăm người ốm tại xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng và có ăn cơm trưa tại gia đình, trong bữa ăn có sử dụng rượu trắng và rượu cao ngựa. Tuy nhiên, chỉ 4 người sử dụng rượu cao ngựa là có các dấu hiệu bị ngộ độc. Chính vì vậy, nguyên nhân bước đầu được xác định là do loại rượu này.

6 nguyên tắc phòng ngừa ngộ độc rượu

1. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

4. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

6. Nếu có những triệu chứng khác thường sau khi uống rượu cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Gặp phải những triệu chứng khác thường sau khi uống rượu cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời. Ảnh minh họa

Uống nhiều rượu gây hại thế nào cho sức khỏe?

Các chuyên gia y tế cảnh báo, rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là loại “độc chất” gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. 

Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ tiến triển nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh.

Kể cả rượu xin, rượu ngâm rễ cây hay ngâm các thực phẩm đắt tiền nếu uống nhiều và không đúng cách đều gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu, bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan.

Đặc biệt là tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp chứa Methanol, do uống rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời.

Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1 - 2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh.

Rất nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu nặng mặc dù được đưa ngay vào viện cấp cứu nhưng không thể qua khỏi. Hoặc không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan