Bộ Y tế chia 4 cấp độ của người bị sốt xuất huyết

Theo Bộ Y tế Việt Nam, sốt xuất huyết được chia làm 4 cấp độ, tuỳ các cấp độ khác nhau mà có những dấu hiệu cũng như phương pháp điều trị phù hợp.

Người bị sốt xuất huyết có dấu hiệu như thế nào?

Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết dengue hay sốt dengue tại Việt Nam thường được gọi chung là bệnh sốt xuất huyết, có biểu hiện nặng nhất của bệnh là hội chứng sốc dengue được gây ra do Dengue virus.   

Khi bắt đầu khởi phát, người bệnh xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt..., đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hoặc sốt do virus.

Theo quy luật của bệnh sốt xuất huyết, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt.  

Bắt đầu từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh.

Giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng như tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu; Xuất huyết do giảm tiểu cầu.

Bên cạnh đó, người bị sốt xuất huyết nặng thường kèm theo đau họng, chảy nước mũi trong, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và có thể tiêu chảy hoặc phân đen.

Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội.

Ngoài ra còn có biểu hiện xuất huyết: chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết dưới da chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ban xuất huyết đôi khi có biểu hiện ngứa, phụ nữ hành kinh sớm hơn chu kỳ bình thường, kỳ kinh kéo dài hơn bình thường.

Đây là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết để tránh nhầm lẫn với những bệnh khác dẫn đến người bệnh tự mua thuốc điều trị.

4 cấp độ của bệnh sốt xuất huyết  

Theo Bộ Y tế Việt Nam, sốt xuất huyết được chia làm 4 cấp độ:

- Độ I: Triệu chứng điển hình là sốt cao 39 - 40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, nhức đầu, đau người, chân tay nhức mỏi...

- Độ II: Người bệnh sốt cao, bắt đầu xuất hiện nốt xuất huyết dưới da, niêm mạc, cánh tay, bắp chân, lưng, bụng, cổ...

- Độ III: Ngoài sốt, xuất huyết còn kèm theo dấu hiệu suy tuần hoàn, hạ huyết áp, kẹt mạch nhanh, da lạnh, người bứt rứt hoặc vật vã, sốc...

- Độ IV: Người bệnh bị sốc sâu, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, chân tay lạnh, tình trạng vô cùng nghiêm trọng.

Trong thời điểm dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh như hiện nay, nếu người thân trong gia đình bắt đầu có biểu hiện sốt thì cần đưa đến các cơ sở y tế để được khám và hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi và điều trị đúng bệnh.

Những lưu ý khi chăm sóc người bị sốt xuất huyết 

Các chuyên gia y tế cũng đã đưa ra những hướng dẫn khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết như sau:

Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao trên 38º5C thì nên cho bệnh nhân dùng thuốc hạ sốt. Có thể cho bệnh nhân dùng paracetamol hạ sốt (tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng trong 24 giờ).

Không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Cứ mỗi 4 - 6 giờ cần cặp lại nhiệt độ một lần để theo dõi.

Bên cạnh đó, cần cho người bệnh nằm chỗ thoáng mát, không nên mặc quần áo chật gây cản trở cho việc hạ sốt và chườm mát cho người bệnh nhân.

Bệnh nhân sốt xuất huyết cần được uống nhiều nước vì tình trạng sốt và nôn nhiều thường dẫn đến thiếu nước và chất điện giải.

Cần khuyến khích người bệnh uống nhiều nước có chất điện giải như oresol, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh,…) hoặc nước cháo loãng với muối.

Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi), cần theo dõi sát người bệnh và phát hiện kịp thời các dấu hiệu nguy cơ bệnh diễn biến nặng như huyết áp bị tụt hoặc không đo được, lượng nước tiểu ít, xuất huyết... để đưa người bệnh nhập viện điều trị kịp thời.

Tuấn Anh /giadinhmoi.vn

Tin liên quan