Bệnh viện Nhi Trung ương vừa thực hiện thành công ca ghép gan cứu sống bệnh nhi 1 tuổi bị vàng da ứ mật. Đây là ca ghép gan nhỏ tuổi, cân nặng thấp nhất được thực hiện tại Việt Nam.
Ngày 22/4, TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công ca ghép gan cho bệnh nhi bệnh nhi T.V.H.V (1 tuổi, quê huyện Mỹ Lộc, Nam Định).
Bệnh nhi T.V.H.V sinh ra khỏe mạnh, da vàng nhưng vẫn bú bình thường. Đến khi được 3 tháng tuổi, tình trạng vàng da không hết nên gia đình cho bé đi khám thì phát hiện bé bị chẩn đoán vàng da ứ mật do hội chứng rối loạn chuyển hoá mật hiếm gặp PFIC type 2.
Bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị, xuất hiện các triệu chứng vàng da nặng, gan lách to, suy gan và thường xuyên phải nhập viện điều trị các triệu chứng suy gan. “Nếu không được ghép gan kịp thời, bệnh nhi sẽ tử vong vì các biến chứng của suy gan" - TS.BS Hoa cho hay.
Trước tình trạng của bệnh nhi, gia đình đồng ý, sẵn sàng ghép gan cho bé, qua kiểm tra, cả bố và mẹ cháu đều có gan phù hợp để hiến cho con.
Anh T.V.T (27 tuổi) bố bệnh nhi chia sẻ: “Con được theo dõi điều trị và khi đến thời điểm lá gan đã không còn chức năng, chúng tôi sẵn sàng, quyết định ngay không một phút do dự để cứu con. Cả hai vợ chồng đều giành việc hiến gan cho con.
Nhưng sau tôi đã động viên vợ, vì con còn nhỏ, sau ghép cần quá trình chăm sóc dài nên vợ đã đồng ý cho tôi hiến gan".
Có nguồn gan hiến, nhưng với một trường hợp em bé chỉ nặng 6,7kg và còn quá nhỏ tuổi, kỹ thuật ghép gan vô cùng khó khăn.
TS.BS Phạm Duy Hiền, trưởng khoa ngoại Bệnh viện Nhi TW cho biết: “Chúng tôi chỉ thực hiện ca ghép khi đảm bảo được tỷ lệ thành công cao, vì một ca phẫu thuật ghép gan không đơn giản là tốn về chi phí điều trị mà còn có đến hai người trong cùng một gia đình cùng lên bàn mổ.
Mặt khác, bệnh nhi chưa tròn 1 tuổi, cân nặng chỉ 6,7kg, đây thực sự là thách thức về kỹ thuật đối với các phẫu thuật viên ghép tạng”.
Ngày 1/4, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương, ca ghép gan cho bệnh nhi được thực hiện. Theo đó, có hơn 40 y bác sĩ tham gia ca mổ cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn của nhóm chuyên gia ghép tạng của BV Taipei Veterans General Hospital (Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc).
Trải qua 12 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã ghép thành công một phần gan trái của người bố cho em bé với nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là kích thước một số mạch máu vô cùng nhỏ (chỉ khoảng 1,3mm) của em bé mới chỉ 6,7kg.
“Với các mạch máu có kích thước nhỏ, phải nối dưới kính hiển vi điện tử, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề rất cao. Đây là không chỉ là cơ hội vàng để cứu cháu bé, mà đồng thời cũng là cơ hội để bác sĩ tiếp tục được học hỏi kỹ thuật ghép gan ở trẻ nhỏ từ các chuyên gia hàng đầu như GS Chin-Su Liu”, TS Hiền cho biết.
Sau ca ghép, việc đảm bảo chức năng khối ghép hoạt động tốt là một chặng đường dài.
“Bệnh nhi tiếp tục được cách ly và chăm sóc toàn diện tại khoa Hồi sức ngoại trong sự lo lắng và chờ đợi của các y bác sĩ. Tất cả các hoạt động của bé, dù nhỏ nhất như phân, nước tiểu, nhiệt độ…đều được ghi nhận và thông báo tới toàn ê kíp.
Suốt 13 ngày sau ghép, bệnh nhân liên tục đi ngoài phân bạc trắng là 13 ngày căng thẳng tới tột độ, đe doạ nguy cơ phải phẫu thuật lại. Bác sĩ căng thẳng, gia đình lo lắng, cho tới đêm ngày thứ 14 sau mổ, bé đi đại tiện có màu vàng.
“Việc bé đi đại tiện có màu vàng như bình thường thể hiện mật đã lưu thông tốt, ca ghép đã thành công. Vì thế, vừa nhận được thông báo từ kíp trực tại khoa Hồi sức ngoại, dù đã rất muộn, song toàn bộ kíp ghép đều được chia sẻ tin mừng” - bác sĩ Hiền thông tin.
Theo các bác sĩ, đến nay BV Nhi TƯ đã thực hiện được 14 ca ghép gan cho trẻ em, trong đó có 2 ca đòi hỏi kỹ thuật cao trong ghép tạng gồm 1 ca ghép bất đồng nhóm máu, 1 ca cân nặng thấp.