Có 06 cuốn sách giáo khoa môn tiếng Anh lớp 1 của 03 nhà xuất bản (NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP HCM) được phê duyệt.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, ngày 20/01/2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 180/QĐ-BGDĐT phê duyệt Danh mục sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Có 06 cuốn sách tiếng Anh lớp 1 của 03 nhà xuất bản (NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP HCM) được phê duyệt. Cụ thể:
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm 2 cuốn:
- Tiếng Anh 1 do tác giả Hoàng Văn Vân (tổng chủ biên)
- Tiếng Anh 1 (Family and Friends) do tác giả Trần Cao Bội Ngọc chủ biên;
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm có 1 cuốn là Tiếng Anh 1 (English Discovery) do tác giả Lưu Thị Kim Nhung (chủ biên);
3 cuốn của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh gồm:
- Tiếng Anh 1 (I-learn Smart Start) do Nguyễn Thị Ngọc Quyên chủ biên;
- Tiếng Anh 1 (Explore Our World) do Nguyễn Quốc Hùng chủ biên
- Tiếng Anh 1 (Macmillan Next Move) do Hoàng Tăng Đức chủ biên.
Bộ GD&ĐT cho biết, giống như sách giáo khoa các môn học khác, sách giáo khoa môn tiếng Anh lớp 1 đã trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt, khách quan, khoa học của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn tiếng Anh.
06 cuốn SGK Tiếng Anh lớp 1 đề nghị thẩm định đều được tổ chức biên soạn từ các tác giả người Việt Nam, có tham khảo và sử dụng các nguồn học liệu các xuất bản phẩm từ các NXB nước ngoài, có sự tham gia cố vấn về chuyên môn của các chuyên gia là người nước ngoài và được các NXB Việt Nam thực hiện theo đúng qui định của pháp luật.
SGK được các tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết, tuân thủ đúng theo qui định của Chương trình theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT để biên soạn SGK môn Tiếng Anh lớp 1.
Nhiều bản mẫu SGK có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam; bảo đảm tính “mở”, linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo theo định hướng và qui định của Chương trình giáo dục phổ thông mới.