Với nhiều gia đình, bữa ăn của bé là lúc cả nhà phải ‘đánh vật’ để cho trẻ ăn từng thìa, thậm chí còn đưa bé đi chơi để dỗ bé ăn. Điều này không chỉ khiến trẻ sợ ăn mà còn khiến ông bà, bố mẹ mệt mỏi.
Một trong những kỹ năng đầu tiên mà trẻ cần nắm vững là tự xúc ăn.
Không có gì là bất ngờ khi trẻ rất có chính kiến trong việc sẽ ăn gì và không ăn gì, bởi ăn là một trong những việc ít ỏi mà nó có thể tự làm được.
Dù việc này rất khó nhưng hãy để con được tự do một chút, bạn sẽ ngạc nhiên vì khả năng tự ăn của con.
Tập cho con thói quen ăn uống lành mạnh
Dưới đây là những lời khuyên để tập cho con bạn thói quen ăn muốn lành mạnh:
- Nấu những món ăn lành mạnh và để con bạn tự ăn. Như vậy bé cũng sẽ học cách tự lập.
- Đừng mặc cả hoặc đe dọa con: ‘Ăn một miếng nữa thôi rồi mẹ cho ăn bánh’ hoặc ‘Con không ăn rau thì mẹ không đọc truyện cho đâu’. Nếu bạn muốn con ăn uống lành mạnh hơn, hãy để bữa ăn diễn ra vui vẻ và đừng dùng đồ ngọt làm phần thưởng.
- Cả nhà nên ăn tối cùng nhau mọi lúc có thể. Khi bé thấy bạn hoặc các anh chị em ăn uống đủ chất, bé sẽ muốn bắt chước.
- Nếu trẻ không thích món gì cũng đừng bỏ món đó khỏi thực đơn. Trẻ con rất chậm trong việc chấp nhận những món ăn mới, vì thế hãy cho bé thử lại vào tuần sau. Dần dần, có thể bé sẽ thích món đó.
- Đừng quên cân bằng lượng nước mà bé uống trong và trước khi ăn. Uống quá nhiều sữa hoặc nước quả có thể khiến bé chán ăn.
Vì thế bạn nên cho bé uống sữa hay nước quả giữa bữa và chỉ giới hạn ở ½ hoặc ¾ cốc một ngày. Đừng cho trẻ dưới 1 tuổi uống nước quả.
- Đừng cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt và quà vặt, cơ thể con đang phát triển và cần chất dinh dưỡng chứ không phải calo.
Cách xử lý khi con không chịu ăn
Đừng thưởng con một que kem sau khi nó vét sạch bát vì như thế trẻ sẽ hiểu đồ ăn là hình phạt còn đồ ngọt là phần thưởng.
Thay vào đó, hãy cho con ăn ít nhất một món con thích mỗi bữa, không phàn nàn về thói quen ăn uống và dọn bàn khi xong bữa, kể cả khi con bạn chưa ăn hết – đừng lo nếu con đói.
Đừng chỉ nấu những món con thích ăn và không nên cho con ăn vặt sát giờ ăn – con sẽ ăn nhiều hơn nếu nó thực sự đói.
Đừng đặt điều kiện khi con muốn ăn đồ tráng miệng nhưng nên cho bé ăn hoa quả hơn là đồ ngọt.
Bạn cũng cần làm gương cho con. Nếu con thấy bạn ăn ngon miệng, nó cũng sẽ thích thú với việc ăn uống hơn.
Bổ sung vitamin
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết trẻ không cần uống vitamin tổng hợp hàng ngày nếu thực đơn đã đủ chất.
Nhưng nếu con không ăn nhiều thịt cá, ngũ cốc hoặc rau chứ nhiều sắt, trẻ có thể cần uống thực phẩm chức năng bổ sung sắt.
Hãy hỏi bác sỹ để biết con có cần bổ sung vitamin không và nên cho con uống loại nào.
Mặc dù các bác sỹ không khuyến cáo sử dụng vitamin tổng hợp, con bạn có thể vẫn cần uống bổ sung vitamin D.
Vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi và phốtpho giúp xương chắc khỏe và uống sữa thôi thì chưa đủ, vì thế các bác sỹ khuyến cáo cho trẻ uống 400 đơn vị vitamin D mỗi ngày.
Trong trường hợp bé đã uống vitamin tổng hợp có chứa vitamin D rồi thì không cần uống riêng vitamin D nữa.