Bác sĩ sản phụ khoa Trần Vũ Quang: ‘Nhiều bệnh nhân tìm đến tôi vì tò mò ngoại hình và nghi ngờ chuyên môn’

“Ngoại hình không chỉ nói về vẻ xinh gái hay đẹp trai mà ở đây còn là phong thái. Tôi nghĩ, một nhân viên y tế có phong thái tốt thì sẽ nhận được niềm tin của bệnh nhân và người nhà của họ”

Anh suy nghĩ như thế nào khi mọi người gọi anh là “hotboy khoác áo blouse trắng”?

- Sự nổi tiếng đến với tôi một cách tình cờ. Cách đây hơn 1 năm, nhiều bạn chia sẻ hình ảnh của tôi trên mạng xã hội, họ nói tôi sở hữu vẻ đẹp trai như một số diễn viễn diên nổi tiếng như Jang Dong Gun, Huỳnh Tông Trạch, Trần Khôn... Thật sự, tôi cảm thấy rất bất ngờ và thú vị, vì tôi là bác sĩ chứ không phải diễn viên.

Trước đó, tôi cũng được mọi người ưu ái gọi là “hotboy” vì nhìn bên ngoài trẻ hơn tuổi thật. Nhưng “hotboy” chỉ dành cho những bạn trẻ thôi, còn tôi bây giờ đã ngoài 30 tuổi – lứa tuổi của một người đàn ông trưởng thành.

Anh đánh giá như thế nào trước việc ngày càng nhiều đàn ông tìm đến các phương pháp làm đẹp, trong đó có phẫu thuật thẩm mỹ?

- Tôi là người đầu tiên trong ngành y công khai việc phẫu thuật thẩm mỹ. Tôi nghĩ, đàn ông cũng có quyền làm đẹp và họ làm đẹp với những mục đích khác nhau. Tôi là người khá cầu toàn, luôn muốn mọi thứ chỉn chu. Tôi yêu cái đẹp và luôn hướng đến cái đẹp. Vì vậy, tôi ủng hộ những người có mong muốn trở nên đẹp hơn.

Nhiều người suy nghĩ, chỉ có đàn ông có vấn đề về giới tính mới đi phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng không hẳn đúng, nhiều người muốn trẻ ra, muốn khắc phục khuyết điểm trên gương mặt… Nhờ việc phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều người sống đúng với giới tính của mình. Điều đó rất nhân văn, phải không!

Điều gì khiến anh công khai câu chuyện phẫu thuật thẩm mỹ của mình, khi anh là một bác sĩ? 

- Tôi biết có nhiều đồng nghiệp của tôi cũng phẫu thuật thẩm mỹ nhưng họ không công khai. Tôi suy nghĩ, là một chuyên gia làm đẹp có tâm thì tự bản thân người đó phải làm đẹp được cho chính họ trước đã, phải lấy mình ra làm thí nghiệm thay vì lấy khách hàng làm vật thế thân.

Quan điểm của tôi, phải là người trực tiếp trải nghiệm, cảm nhận đó là công nghệ tốt thì mới chia sẻ, tư vấn cho khách hàng còn không thì chỉ mang tính chất kinh doanh.

Anh nhận ra, mình quan tâm tới cái đẹp hình thức từ bao giờ?

- Từ khi còn là sinh viên, tôi đã quan tâm tới cái đẹp và có ý định phẫu thuật thẩm mỹ để mình đẹp hơn. Tôi không phải là người đẹp tự nhiên. Và tôi nghĩ, không ai tự nhiên mà đẹp được.

Lúc đó, tôi bắt đầu tìm hiểu các phương pháp làm đẹp nhưng chỉ bằng cách ăn uống, tập luyện để có một cơ thể khoẻ mạnh. Trong khoảng thời gian mười mấy năm, tôi tìm hiểu và chờ cơ hội, thời điểm công nghệ đạt đủ độ an toàn như hiện này, tôi quyết định phẫu thuật thẩm mỹ.

Anh chia sẻ, mình không phải là người đẹp tự nhiên…

- Tôi mới trải qua cuộc đại phẫu thuật thẩm mỹ cách đây 2 tháng để nhìn tổng thể được cân đối, hài hòa hơn về ngoại hình của mình nhưng không phải là lạm dụng theo kiểu thiếu hiểu biết nhé.

Khoảnh khắc đầu tiên nhìn mình với ngoại hình mới, cảm xúc của anh như thế nào?

- Tôi hài lòng! 10 ngày sau cuộc đại phẫu, tôi được nhìn gương mặt hoàn chỉnh của mình và thấy các nét đều tự nhiên, hài hoà với nhau. 1 tháng sau, tôi quay lại làm việc, đồng nghiệp bảo Quang đi du lịch về nhìn trẻ thế (cười lớn). Nếu mọi người có nhìn thấy "một tôi khác" thì đó cũng là cách tôi đang hướng đến với cái đẹp hoàn hảo.

Anh có lo ngại việc bị người khác nói là bác sĩ mà lại quá quan tâm tới ngoại hình không?

- Tôi được biết, các bác sĩ ở các nước khác, họ rất quan tâm tới ngoại hình của mình. Còn tại Việt Nam, nhân viên y tế chỉ tập trung phát triển chuyên môn mà quên mất hình thức cũng đóng vai trò khá quan trọng. Ngay cả những bạn đồng lứa với tôi, các bạn ấy muốn ngoại hình của mình phải thật già dặn để bệnh nhân tin tưởng.

Tôi không nói về vẻ xinh gái hay đẹp trai mà ở đây chính là phong thái của một nhân viên y tế. Tôi nghĩ, một nhân viên y tế có phong thái tốt thì sẽ nhận được niềm tin của bệnh nhân và người nhà của họ.

Như vậy, anh muốn mang hơi thở mới tới ngành y tế mà ở đây là sự thay đổi của mọi người về nhân viên y tế?

- Tôi công nhận một điều, những bác sĩ thế hệ trước mà tôi có cơ hội tiếp xúc, học hỏi đều là những người cực kỳ giỏi chuyên môn và có y đức. Tôi học để kế thừa họ những điều đó. Nhưng sẽ là hoàn hảo hơn nếu quan tâm đúng mức đến vấn đề diện mạo của nhân viên y tế .

Tôi muốn mọi người cùng nhìn nhận về ngoại hình của nhân viên y tế theo hướng trẻ trung, tươi tắn và dồi dào năng lượng khi làm việc. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ sự chừng mực trong môi trường làm việc của mình.

Người ta thường nói, “ngoại hình là một lợi thế”. Với anh, điều này có đúng không?

- Chưa hẳn, ngoại hình trẻ trung đôi khi khiến tôi gặp khó khăn trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Không ít người bệnh tìm tới các cơ sở y tế với suy nghĩ chỉ đặt niềm tin vào bác sĩ trông già dặn, chững chạc theo kiểu quan niệm “thầy già, con hát trẻ”.

Với họ, những bác sĩ có ngoại hình như vậy mới có trình độ tốt và giàu kinh nghiệm. Quả thật, nhiều bệnh nhân tìm đến tôi vì tò mò nhan sắc và nghi ngờ chuyên môn. Vì thế, tôi nghĩ, “ngoại hình là một lợi thế” chỉ đúng với những nghề nghiệp mang tính chất giải trí như làm diễn viên, MC, ca sĩ…

Với những bệnh nhân chỉ nhìn ngoại hình mà đoán trình độ chuyên môn của anh, anh đã làm thế nào để lấy được niềm tin nơi họ?

- Tính đến nay, tôi đã theo nghề y được 13 năm và đã làm tại bệnh viện được 7 năm. Như vậy, không thể nói tôi là bác sĩ mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm gì chỉ vì ngoại hình của tôi trông quá trẻ.

Tôi không trách những người được tôi khám và điều trị mang suy nghĩ nghi ngờ chuyên môn của tôi. Bất kể là ai, tôi cũng đều cố gắng dành hết tâm sức của một người bác sĩ để chữa trị cho họ.

Bằng sự nỗ lực về mặt chuyên môn của mình, tôi nhận được sự ghi nhận, yêu quý từ bệnh nhân và người nhà của họ. Khi bệnh nhân ra viện họ mới: “À, đây đúng là bác sĩ có chuyên môn chứ không phải bác sĩ “chỉ được cái mã”.

Anh có suy nghĩ, việc bệnh nhân ám thị trình độ chuyên môn của bác sĩ dựa theo ngoại hình ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị?

- Không hoàn toàn đúng! Tôi nhớ có lần khám cho một thai phụ, cô ấy cứ tủm tỉm cười. Khi khám xong, cô ấy quay sang nói chuyện với người nhà và bệnh nhân khác rồi chỉ trỏ về phía tôi.

Tôi lại gần hỏi xem bệnh nhân có cần sự hỗ trợ gì không thì cô ấy cười bảo: “Hôm nay em vui quá, được bác sĩ hotboy khám cho…”. Tự nhiên họ cho tôi cái cảm giác như đang tiếp xúc với thần tượng của mình vậy, chỉ khác, họ toàn là các bà bầu.

Việc tôi được nhiều người biết đến cũng khiến công việc của tôi thuận lợi hơn trong khâu tiếp xúc ban đầu với bệnh nhân. Họ đã biết thông tin về tôi từ trước nên họ cởi mở chia sẻ, vui vẻ hợp tác và yên tâm để tôi điều trị.

Bằng chứng cho sự ghi nhận và yêu quý của bệnh nhân và người nhà họ với anh?

- Có nhiều bệnh nhân được tôi khám và tư vấn cho vẫn mong muốn tôi tiếp tục là bác sĩ của họ khi tôi chuyển buồng bệnh. Rồi hầu hết các bệnh nhân trong khoa mà tôi điều trị đều có facebook của tôi.

Chúng tôi kết bạn với nhau, họ inbox, chia sẻ, gửi lời cảm ơn tới tôi. Rõ ràng, nếu tôi là người không vững chuyên môn thì bệnh nhân sẽ nhanh chóng muốn chuyển bác sĩ điều trị.

Như vậy, ngoại hình đẹp cho anh nhiều cơ hội để thể hiện năng lực của mình?

- Tôi được tham gia nhiều sự kiện, hoạt động y tế hơn, đặc biệt tôi thường xuyên chia sẻ với công chúng về chuyên môn của mình. Tôi biết có những người chuyên môn tốt nhưng họ ngần ngại với truyền thông nên kiến thức của họ không lan toả được, không tiếp cận được nhiều người.

Hiện nay, mạng xã hội cho phép quan điểm, chia sẻ của bác sĩ lan toả hơn tới cộng đồng. Anh cũng không ngoại lệ…

- Tôi hay chia sẻ trên mạng xã hội những cảm xúc của mình về một ca bệnh, những tình huống tôi gặp trong khi làm việc, qua đó tôi lồng ghép kiến thức chuyên môn để độc giả dễ hiểu và tiếp cận.

Có lần tôi tình cờ thấy facebook của một đồng nghiệp chia sẻ hình ảnh bạn ấy đang làm việc kèm caption đại ý, không giống như những bác sĩ hotboy nổi tiếng, suốt ngày post hình đi chơi, mình vẫn đang phải ngồi đây, giải quyết nhiều bệnh nhân… Tôi cảm thấy hơi buồn và không hiểu sao hình ảnh của tôi trong mắt một số đồng nghiệp lại tệ như vậy.

Tuy nhiên, dù có chia sẻ trên trên mạng xã hội nhưng tôi vẫn giữ lại cho mình khoảng lặng. Những ai theo dõi tôi trên mạng xã hội thì biết tôi chỉ chia sẻ những điều tích cực, mang thông tin hữu ích tới cho mọi người.

Được nhiều người biết đến như vậy, anh có thấy phiền phức với sự nổi tiếng này không?

- Tôi không thấy phiền. Nhưng quả thực, là người của công chúng, lại là một bác sĩ nổi tiếng, tôi áp lực hơn và gánh trên vai trọng trách nặng nề hơn.

Điều đó được thể hiện như thế nào?

- Trước khi chia sẻ điều gì, tôi đều phải “uốn lưỡi bảy lần” vì tôi nghĩ, quan điểm của tôi có thể ảnh hưởng tới nhiều người. Từ đó, tôi tự ý thức hơn trong mỗi phát ngôn, càng cẩn trọng hơn với những chia sẻ liên quan tới chuyên môn.

Vì y đức và sự nổi tiếng không cho phép tôi nói hôm trước, hôm sau đính chính.

Công việc của một bác sĩ đòi hỏi sự tỉnh táo cao độ. Còn với người nghệ sĩ thì đôi khi lại phiêu theo cảm tính. Vậy thì, hai đức tính đó song hành trong anh như thế nào?

- Tôi thừa nhận trong con người tôi có chút máu nghệ sĩ. Vì vậy, tôi là người giàu cảm xúc.

Nhưng còn công việc chính của tôi là theo dõi diễn biến của thai kỳ đến khi mẹ tròn con vuông. Tôi không bao giờ mong muốn mình là một bác sĩ khiến bệnh nhân có cảm giác họ đang bị áp đặt. Bởi lẽ, khi là một người bệnh, họ trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết, chỉ một chút tác động nhỏ cũng khiến họ suy nghĩ, ảnh hưởng tới quá trình điều trị.

Nhờ sự nhạy cảm trong cảm xúc giữa người với người khi xử lý tình huống, tôi đã chiếm trọn được sự tin tưởng của bệnh nhân. Lòng trắc ẩn của tôi hiển hiện rõ hơn. Tôi luôn đặt mình vào cảm xúc, vị thế của bệnh nhân để thấu hiểu tâm lý của họ, giúp việc tiếp xúc và điều trị bệnh nhân được dễ dàng hơn.

Nhiều người cho rằng, trong con người có tính nghệ sĩ thì liệu làm bác sĩ có dễ gặp sai sót không? Điều này được thể hiện rõ nhất trong phòng mổ. Bước vào phòng mổ, tôi đặt yếu tố chuyên môn lên hàng đầu, không để cảm xúc cá nhân chi phối, ảnh hưởng tới toàn bộ diễn biến cuộc mổ. Sinh mạng của sản phụ và con họ đặt trong tay mình, tôi dùng cái đầu của một người bác sĩ để xử lý.

Nhưng chắc hẳn anh vẫn đặt cảm xúc của mình vào mỗi ca mổ…

- Trong cuộc mổ, khoảnh khắc đứa trẻ chào đời đem lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Nó diễn ra ngắn thôi nhưng tôi “chớp” được khoảnh khắc đó và thu vào tâm trí. Hoặc tôi là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật hoặc tôi là người quan sát đồng nghiệp của tôi làm nhưng với vai trò nào, tôi đều muốn ghi nhận lại khoảnh khắc đó bằng hình ảnh hoặc tranh vẽ.

Mỗi đứa trẻ có những cách riêng để chào thế giới. Có bé khóc oa oa, có bé nhăn mặt, có bé cầm tay bác sĩ phẫu thuật, có bé nhoẻn miệng cười… Khoảnh khắc đó thật đẹp! Nhờ các bức hình chụp hoặc vẽ mà tôi nhận ra, ở các thai kỳ khác nhau, đứa trẻ chào đời theo những cách khác nhau. Điều đó hữu ích trong quá trình tôi tích luỹ kinh nghiệm làm nghề.

Vậy thì, anh đối diện với các ca bệnh thất bại như thế nào?

- Tôi nghĩ, đôi khi tôi bị gánh nặng tâm lý đè nặng sau mỗi lần thất bại trước ca bệnh nào đó. Tôi trăn trở đến mức mất ngủ, đến bây giờ nhắc lại tôi vẫn ứa nước mắt. Đó là một nỗi đau khó vượt qua.

Nhưng đã là bác sĩ thì phải chấp nhận tất cả. Chắc hẳn ai cũng từng nghe câu nói, “một thầy thuốc giỏi thì đằng sau sự thành công là cả một bãi tha ma”. Như vậy, rõ ràng nếu không làm thì sẽ không sai.

Những lúc đó, anh làm thế nào để thoát khỏi và lấy lại cân bằng?

- Tôi tìm đến nghệ thuật để cân bằng. Tuy rằng công việc bác sĩ bận rộn nhưng nếu được mời làm diễn viên cho một bộ phim ngắn, một MV trong khoảng thời gian cho phép thì tôi sẵn sàng nhận lời. Ngoài ra, việc chụp hình giúp tôi thể hiện được mọi cảm xúc trong con người tôi.

Tại sao tự bắt ép mình đã làm bác sĩ thì không được xuất hiện trước công chúng với vai trò khác nếu điều đó giúp bạn giảm áp lực, lấy lại cân bằng trong cuộc sống?

Nếu đặt đam mê nghệ thuật và đam mê làm bác sĩ lên bàn cân, anh chọn bên nào nặng hơn?

- Cũng có nhiều người suy nghĩ tôi sẽ bỏ nghề y, lấn sân sang showbiz, trở thành một diễn viên, người mẫu ảnh. Nhưng với tôi, tôi xác định con đường sự nghiệp của mình gắn với công việc bác sĩ. Tôi dành thời gian, công sức đầu tư cho điều này nên dù có thế nào tôi cũng không bỏ nghề y để theo nghệ thuật.

Tôi được biết bố anh là bác sĩ sản khoa. Ông đã có ảnh hưởng như thế nào tới quyết định trở thành bác sĩ chuyên khoa này của anh?

- Tôi chọn nghề và nghề cũng chọn tôi. Bố tôi từng là một bác sĩ sản khoa nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, ông chuyển làm kinh doanh theo gợi ý của mẹ tôi và thành công trong lĩnh vực này. Đó là năm tôi được sinh ra.

Ngay từ nhỏ, tôi đã đạt các giải thưởng về tin học và được tuyển vào khoa tin học của trường Chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Nhưng tôi có sự yêu thích đặc biệt với môn sinh học nên tôi theo đuổi nó và đạt giải thưởng cấp quốc gia. Sau đó, tôi được ưu tiên tuyển thẳng vào ĐH Y Hà Nội. Tôi nghĩ, việc tôi theo nghề của bố giống như viết tiếp ước mơ của ông vậy.

Từng rời bỏ nghề y vì thu nhập không đảm bảo cho đời sống, bố anh đã chia sẻ với anh điều gì trước quyết định theo nghề y của anh?

- Khi tôi có thành công nhất định, bố tôi mới ngồi xuống nói chuyện với tôi. Còn mẹ tôi, có những lúc, bà khuyên tôi con nghỉ việc đi, chuyển sang kinh doanh vì bà thấy tôi vất vả, áp lực quá. Rồi có những lúc mẹ tôi trách tôi không chăm lo gia đình, chỉ suốt ngày làm việc, gắn mình với bệnh viện… Những lúc như vậy, tôi thấy có lỗi với bố mẹ vô cùng. Nhưng tôi nghĩ, cái gì cũng có giá của nó. Sự tự hào của bố mẹ về tôi ngày hôm nay là câu trả lời.

Cơ duyên nào đã đưa anh tới Khoa Sản bệnh lý - chuyên ngành khó của sản khoa?

- Khi là sinh viên, tôi từng chứng kiến chị họ tôi vì không khám thai cẩn thận nên lúc sinh, cháu bé bị mất tim thai trong bụng mẹ từ lâu, một điều không đáng có. Từ đó, tôi mong muốn vào chuyên khoa sản để có thể giúp thai phụ tránh được các tình huống nguy hiểm và khoẻ mạnh đón thiên thần nhỏ chào đời.

Điều anh luôn tâm niệm khi làm bác sĩ là gì?

- Với tôi, một bác sĩ có tài, có tâm sẽ biết cách tạo cho bệnh nhân sự tin cậy không chỉ ở trình độ tay nghề mà ở cả tấm lòng. 

Xin cảm ơn bác sĩ Trần Vũ Quang!


Tin liên quan