Bác sĩ có 30 năm làm công việc đỡ đẻ, từng trực tiếp xử lý, tham gia cấp cứu nhiều ca biến chứng do hệ quả của việc sản phụ sinh con tại nhà chia sẻ về trào lưu sinh con 'thuận tự nhiên'...
Là bác sĩ sản phụ khoa với 30 năm trong nghề, hẳn bác sĩ có nghe nói đến trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” đang được nhiều bà mẹ bỉm sữa Việt truyền tai nhau?
ThS.BS Đào Thị Hợp – Phó trưởng khoa Sản, BV Việt Pháp Hà Nội: Theo tôi thì các bà mẹ đang hiểu về trào lưu này theo hướng “đẻ tự nhiên tại nhà” chứ không phải là “phương pháp sinh con thuận tự nhiên tại bệnh viện”.
Nếu hiểu biết khoa học và đầy đủ thì sinh nở thuận tự nhiên có 2 cách: cách thứ nhất là sinh con qua đường âm đạo, cách thứ hai là theo đường mổ đẻ.
Sẽ có người thắc mắc là tại sao mổ đẻ cũng được coi là sinh thuận tự nhiên? Bình thường, em bé được ra đời qua ngả âm đạo của người mẹ sau quá trình mang thai đủ ngày đủ tháng. Đây là điều lý tưởng nhất vì quá trình đẻ kết thúc, em bé ra đời an toàn và sức khỏe của người mẹ tốt nhưng vẫn phải có sự giám sát của y học theo dõi sức khỏe của mẹ, sức khỏe của em bé, độ mở tử cung, độ lọt của ngôi… và có sự trợ giúp của y tế trong các tình huống phức tạp có thể xảy ra trong quá trinh chuyển dạ sinh.
Còn trên thực tế (chưa kể đến những trường hợp thai bệnh lý), trong quá trình chuyển dạ sinh con vẫn có thể có trục trặc. Nếu những yếu tố để đảm bảo mẹ đẻ tự nhiên an toàn gặp phải trục trặc thì phải thực hiện sinh mổ.
Ví dụ tử cung mở từ 1 – 10 cm, nếu tử cung đã mở 10 cm mà trong khoảng thời gian tối đa 1 giờ đồng hồ đầu em bé không lọt thì phải đi mổ. Hay như trường hợp đầu em bé đã lọt, nhưng mẹ không rặn được vẫn phải tác động. Khi đó chúng tôi sử dụng nghiệp vụ y để hỗ trợ cho người mẹ sinh con an toàn.
Rồi vì một lý do nào đó độ giãn nở tử cung của người mẹ không thích hợp khiến dẫn đến nguy cơ trẻ bị ngạt. Lúc đó việc can thiệp cắt tầng sinh môn sản phụ để em bé ra đời an toàn cũng như tránh để sản phụ rặn quá tới mức bị rách cửa mình, rách hậu môn.
Hoặc khi theo dõi thấy con yếu thì phải thêm thuốc, mẹ đau quá muốn giảm đau sẽ làm phương pháp giảm đau, sức khỏe của mẹ không đảm bảo thì phải mổ, sức khỏe của em bé không đảm bảo có thể dẫn đến suy thai thì cũng phải mổ...
Vì thế, sự trợ giúp, giám sát của y học trong những trường hợp này vẫn được coi là phương pháp sinh con thuận tự nhiên.
Vậy nếu trong trường hợp chuyển dạ đau đớn, sản phụ cố gắng rặn đẻ thì nguy cơ xảy ra những tai biến gì, bác sĩ có thể cho ví dụ?
Mọi người điều biết, lỗ âm đạo ở người phụ nữ rất nhỏ, quá trình chuyển dạ sinh sẽ có sự giãn nở. Song nếu giãn mở không đủ rộng để em bé chui ra thì nhân viên y tế cần phải hỗ trợ bằng việc cắt tầng sinh môn, những cắt theo y học sao để đảm bảo em bé sinh ra không bị sang chấn và không để lại hậu quả cho mẹ.
Các sang chấn có thể xảy ra trong quá trình rặn sinh em bé của sản phụ như rách âm đạo. Nếu bị rách ở hướng 6 giờ gần hậu môn sẽ khiến cơ hậu môn bị tổn thương. Khả năng phục hồi của sản phụ sẽ rất lâu. Trường hợp không phục hồi được sẽ dẫn đến tình trạng đi đại tiện không tự chủ. Điều này là rất nguy hiểm cho sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt của sản phụ sau này
Rồi khi em bé ra rồi, nếu sau 30 phút mà bánh rau thai không bong ra thì bác sĩ cần phải can thiệp để tránh chảy máu. Cứ hình dung, đứt tay sâu cầm máu đã khó, đằng này cả cái bánh rau to như cái đĩa nên nếu có hiện tượng chảy máu thì sẽ chảy rất nhiều và nhanh, lúc đó rất khó để cầm máu, dẫn đến tình trạng nguy kịch của mẹ khó tránh.
Một ca sinh nở bình thường thì cho phép mất từ 300 đến 500ml máu, nếu bị mất quá 500ml máu thì được coi như là trường hợp mất máu. Thế mà có trường hợp sản phụ bị chảy máu sau sinh nhiều quá dẫn đến sản phụ bị suy tim, trụy mạch, sốc... Thực tế, có những trường hợp chúng tôi phải truyền máu tới 3 - 4 lít máu, đúng hơn là bóp máu vào với tốc độ nhanh nhất để cứu sản phụ.
Kể cả khi rạch, cắt khâu tầng sinh môn cũng vậy. Nếu lúc cắt tầng sinh môn mà cắt phải mạch máu lớn cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cầm máu cho sản phụ. Tôi đã từng chứng kiến cảnh một ca sản phụ bị vỡ mạch ngay tầng sinh môn, máu chảy ào ào, chúng tôi phải cấp cứu bằng mọi giá để cầm máu cho sản phụ. Vì thế đòi hỏi người thực hiện các ca đỡ đẻ phải có chuyên môn nghiệp vụ y và kinh nghiệm tay nghề vững vàng.
Còn có trường hợp sản phụ bị rau cài răng lược (rau bám vào lớp cơ tử cung như răng lược). Nếu cài răng lược toàn phần thì rau không bong nhưng nếu cài răng lược bán phần thì rau bong một nửa. Khi tiến hành bóc, càng bóc rau càng chảy máu. Có trường hợp chảy máu nhiều phải cắt cả tử cung.
Đó là còn chưa kể đến những trường hợp rối loạn đông máu, còn gọi là hội chứng chảy máu không đông do rối loạn chuyển hóa đông máu của những người sau sinh. Điều này là rất nguy hiểm…
Về nguyên tắc, 24 giờ sau sinh, nguy cơ chảy máu ở sản phụ vẫn rất lớn. Chính vì thế, sau khi em bé được sinh ra chúng tôi còn phải theo dõi quá trình hậu sản của sản phụ sát sao. Chính vì vậy, đã vào cơ sở y tế sinh nở thì phải ít nhất sau 24 tiếng chúng tôi mới cho sản phụ xuất viện mà không bao giờ cho sản phụ ra viện ngay.
Quá trình công tác, bác sĩ từng gặp trường hợp tai biến nào do sản phụ đẻ tự nhiên tại nhà không?
Có chứ. Hồi tôi còn đang học khóa bác sĩ nội trú, tôi tham gia một ca phẫu thuật cấp cứu tại BV Việt Đức cho một trường hợp là sản phụ phải sinh con trong rừng (do phong tục địa phương). Sản phụ cấp cứu trong tình trạng vỡ tử cung, rò âm đạo vào trực tràng, rò đường tiết niệu ra đường âm đạo. Trong lúc đẻ các bà đỡ giẫm lên bụng để đẩy thai ra, ép bụng… dẫn đến bệnh nhân gặp tình trạng nguy hiểm trên… Bệnh nhân này, sau đó phải mổ đi mổ lại 6 lần tại bệnh viện Việt Đức rồi mới ra viện.
Rồi thời gian tôi công tác ở Yemen (từ năm 1992-1994). Thời điểm đó, phụ nữ ở đất nước này vẫn có thói quen sinh con tại nhà. Không kể đến các ca đẻ rơi, sau đó họ được chuyển đến viện để chăm sóc, thì những ca cấp cứu vì sinh con tại nhà phải đưa đến viện rất nhiều. Song trong đó có 2 trường hợp khiến tôi bị ám ảnh mãi.
Đó là một trường hợp một sản phụ sinh con tại nhà được đưa đến cấp cứu trong tình trạng bị trụy mạch, vỡ ruột, vỡ bang quang, vỡ tử cung be bét. Đến mức là khi tôi mở bụng bệnh nhân mổ cấp cứu, tôi nhìn thấy cả những con sán vàng chóe ngoe nguẩy ở ruột bệnh nhân. Vì lần đầu tiên nhìn thấy sán này nên tôi không biết nó là gì và phải gọi bác sĩ khác giúp đỡ. Sau đó đồng nghiệp cho biết đó là con sán lá mít.
Một ca sản phụ khác đẻ ở nhà nhưng phải cấp cứu để cứu mẹ trong tình trạng tử cung bị lộn ra ngoài do người đỡ tại nhà quá trình lôi bánh rau thai ra đã kéo mạnh khiến tử cung của sản phụ theo ra luôn. Chúng tôi phải gây mê và làm sạch tử cung rồi mới đưa trở về đúng vị trí và truyền máu...
ThS.BS Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội kể chuyện tự đỡ đẻ cho vợ tại nhà
"Chuyện đó xảy ra cách đây khá lâu, lúc đó vợ tôi ở trong tình thế không thể đến viện. Tôi nhớ, khi vợ tôi chửa gần 9 tháng, nếu theo tính toán phải còn vài tuần nữa mới đẻ, nhưng hôm đó cô ấy chuyển dạ sớm, nếu di chuyển đến viện sẽ nguy hiểm.
Trước khi quyết định đỡ đẻ cho vợ tại nhà, tôi cũng đã biết được vợ ngôi ngược, tử cung đã mở gần hết, nếu chuyển đi viện ngay lúc đó thì rất dễ xảy ra tình trạng đẻ dọc đường, bong rau dọc đường rất nguy hiểm.
Chính vì vậy tôi đã nhờ người nhà báo đến bệnh viện nơi tơi công tác để cử một nhóm các y bác sĩ đến nhà hỗ trợ.Nói là thực hiện đỡ đẻ tại nhà nhưng bản thân tôi là bác sĩ, hơn nữa lại có sự giúp đỡ của các nhân viên y tế của viện.
Về chuyên môn đỡ đẻ bản thân tôi là bác sĩ sản phụ khoa thì đã được trang bị kỹ năng đầy đủ. Tôi cũng thực hiện quy trình vệ sinh tối thiểu tại nhà khi đó. Dụng cụ kéo cắt rốn, chỉ khâu tôi luộc qua nước sôi và sát trùng bằng cồn.
Sau khi tôi đỡ đẻ cho vợ xong, y bác sĩ của viện vừa hay đến. Họ chuyển vợ con tôi vào viện theo dõi. Lúc đó tôi chỉ kịp cắt rốn tạm thời cho con để tách riêng trẻ và bánh rau. Khi bé được đưa vào viện bác sĩ xử lý tiếp, cắt rốn lại để đảm bảo an toàn hơn cho bé.
Đây là giải pháp tình thế không phải là chủ định. Nếu đi dọc đường nguy cơ tử vong của bé là rất cao.
Thực tế tôi cũng đã từng mổ tại trạm y tế xã với điều kiện trang thiết bị y tế không đảm bảo. Nhưng đó cũng là tình huống cấp thiết, nếu di chuyển đến bệnh viện tỉ lệ tử vong của cả mẹ và bé sẽ cao hơn khi thực hiện tại chỗ.
Mặc dù biết yếu tố vô khuẩn, yếu tố hỗ trợ ở nhà đều không tốt bằng tại viện nhưng cái được là sản phụ được xử lý kịp thời nên tôi lựa chọn thực hiện ca đỡ đẻ ngoài bệnh viện.
Tuy nhiên sau đó cần phải chuyển cả mẹ và bé vào viện để theo dõi, chăm sóc, sử dụng thuốc để chống nhiễm trùng. Và việc tôi thực hiện đỡ đẻ tại nhà hoàn toàn là có sự hỗ trợ của y tế."
Công tác tại khoa Sản BV Việt Pháp Hà Nội - một cơ sở y tế quốc tế có uy tín được nhiều sản phụ có quốc tịch khác nhau đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội chọn đến thăm khám, quản lý thai kỳ và đặt dịch vụ sinh nở, bác sĩ thấy các sản phụ Tây có chuộng thuận tự nhiên giống như trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” của các bà mẹ Việt hiện nay không .
Sinh con thuận tự nhiên vốn được bắt nguồn từ các nước phương Tây nhưng tôi thấy phụ nữ phương Tây nói chung và các sản phụ phương Tây nói riêng có sự chuẩn bị rất kỹ càng cả về kiến thức hiểu biết lẫn quá trình chăm sóc thai kỳ sao tự nhiên nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học, hiểu biết dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của y học.
Cụ thể, trước khi có ý định kết hôn thì họ đã qua đợt khám sức khỏe tiền hôn nhân cho cả nam và nữ để loại bỏ những yếu tố nguy cơ. Trước khi sinh, họ có thăm khám, nhận sự tư vấn của nhân viên y tế để quá trình mang thai được thuận lợi nhất. Rồi khi có thai thì họ tuân thủ việc thăm khám định kỳ nghiêm túc theo chỉ định của bác sĩ.
Ngay cả với những trường hợp sinh con tại nhà, thì quá trình quản lý, giám sát thai kỳ, chế độ ăn uống, sinh hoạt họ tuân thủ nghiêm ngặt theo tư vấn, chỉ định của nhân viên y tế và thực hiện việc sinh nở ấy với sự giám sát sát sao của y tế để nhận được sự trợ giúp kịp thời, chứ không phải như cách hiểu của một số bà mẹ Việt đang cổ súy cho trào lưu thuận tự nhiên hiện nay ở Việt Nam là không cần đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế, chậm hoặc không cắt dây rốn cho con để cho đến khi tự rụng…
Liên quan đến trào lưu các mẹ muốn chậm cắt dây rốn cho em bé vì những lợi ích của nó mang lại. Xin hỏi bác sĩ, cần hiểu thời gian chậm cắt dây rốn như thế nào cho khoa học?
Những người ủng hộ trào lưu này cho rằng sự tiếp xúc kéo dài với bánh nhau giúp em bé nhận được tất cả các chất dinh dưỡng từ bánh nhau, bao gồm cả các tế bào gốc và lượng máu dồi dào còn lại. Họ cho rằng việc cắt rốn sớm có thể gây tổn thương và stress không cần thiết cho đứa bé. Những người theo trào lưu này còn hình tượng hoá tôn vinh bánh nhau như một biểu tượng cho sự khởi nguồn dinh dưỡng đầu đời của em bé.
Vậy thì cần đặt câu hỏi: Việc chậm cắt dây rốn cho trẻ đến khi nào là phù hợp? Suối nguồn chuyển dinh dưỡng cho em bé là từ bà mẹ thông qua bánh rau. Khi bánh rau bong ra khỏi tử cung của mẹ tức là không còn mạch máu để nuôi dưỡng nữa. Như vậy, nếu để lại thì cũng sẽ không còn nguồn để nuôi dưỡng cho em bé. Vậy thì, có thể cắt dây rốn chậm nhất là khi cuống rốn xẹp mà không có biến chứng chảy máu, không có những biến chứng nguy cơ khác.
Chưa kể, rau thai cũng giống như để miếng thịt sống ra ngoài không khí. Nếu để miếng thịt có máu ở ngoài không khí thì nó nhanh chóng bị nhiễm khuẩn (nhất là ở nước có khi hậu nóng ẩm hay môi trường còn nhiều ô nhiễm như nước ta) dẫn đến bị ôi thiu, hư hỏng. Vậy thì, nếu để đồ ôi thiu cạnh đứa trẻ và nối bởi dây rốn thì ai có thể khẳng định là nó không nhiễm khuẩn qua đường đó vào em bé. Vậy thì sao có thể để được mãi cho đến khi tự rụng rốn.
Chưa kể, trong trường hợp em bé suy hô hấp thì phải cắt dây rốn ngay lập tức để còn hồi sức cấp cứu. Hoặc trường hợp bé sặc nước ối thì phải cắt dây rốn ngay để còn tiến hành hút không bé sẽ bị suy hô hấp.
Vì sao phải đẻ ở bệnh viện, theo một quy trình khoa học để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con là vì vậy.
Ở đây cũng phải nói thêm ý, có người cho rằng việc chậm cắt dây rốn để tránh vàng da sinh lý là không phải. Thực tế, bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra tuần đầu tiên thường bị thiếu máu, tan máu sinh lý. Và quá trình tan máu sinh lý này bao giờ cũng diễn ra để em bé trở lại bình thường.
Xin cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ hữu ích trên!