Khi trẻ bị tay chân miệng, nhiều cha mẹ truyền tai nhau việc dùng chanh, muối để tắm rửa cho bé với mục đích sát khuẩn, chữa bệnh cho con. Song chính nó lại khiến trẻ bị biến chứng nặng hơn...
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, các cách chữa tay chân miệng theo kiểu truyền tai này đều hoàn toàn sai lầm, làm bệnh của trẻ nặng hơn.
Đã từng có trường hợp trẻ bị tay chân miệng tử vong vì mẹ vệ sinh cho con không đúng cách, dẫn đến bệnh diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm.
Cha mẹ phải hiểu rằng, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao vào các tháng 9 - 11 và lây truyền theo đường tiêu hóa.
Nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ, một số ít trường hợp diễn biến nặng và biến chứng nguy hiểm.
Chính vì thế, khi trẻ chẳng may mắc tay chân miệng, cha mẹ vẫn nên tắm gội cho con bình thường để đảm bảo vệ sinh cho con.
Việc không tắm rửa thường xuyên, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, từ đó, dẫn tới những bệnh khác gây nên biến chứng nguy hiểm.
Khi tắm gội cho trẻ, cha mẹ nên chọn phòng kín, tránh gió. Đồng thời, nên chọn loại xà bông diệt khuẩn tốt dành cho làn da nhạy cảm của bé.
Ngoài ra, khi tắm nên cố gắng tránh để không chạm vào các nốt mụn khiến chúng bị vỡ ra. Đối với việc dùng muối, chanh để sát khuẩn chữa tay chân miệng, bác sĩ Dũng cũng nhấn mạnh rằng, cách làm này là sai lầm và sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
Bởi da và niêm mạc của trẻ đang bị tổn thương, nếu dùng chanh và muối sẽ làm trẻ đau và xót, trẻ sẽ càng khó chịu hơn.
Trẻ bị tay chân miệng ở mức độ nhẹ có thể chăm sóc tại nhà. Cha mẹ cần quan tâm đến tình trạng nổi mụn nước, chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ của trẻ. Nếu vệ sinh sạch sẽ, bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi trong vòng 7 – 10 ngày.
Để phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ, bác sĩ Dũng khuyến cáo, khi cha mẹ thấy trẻ có dấu hiệu sốt từ 1 – 2 ngày, những ngày sau cơ thể hạ sốt nhưng nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, miệng bị lở thì nên cho trẻ đi khám để chẩn đoán bệnh tay chân miệng.
Nếu trẻ sốt cao liên tục (trên 39 độ C) hơn 2 ngày, uống thuốc không hạ sốt, nôn ói, thở mệt, da nổi bông, mạch sờ không thấy hoặc đập nhanh, lập tức cho trẻ nhập viện vì bệnh đã trở nặng.
Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý:
- Nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên, kể cả cha mẹ cũng nên tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.
- Khi con bị bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần thông báo với cô giáo phụ trách lớp học để phòng ngừa tình trạng lây lan cho những trẻ khác.
- Cho trẻ nghỉ học và điều trị bệnh ít nhất 10 ngày.
- Sử dụng thuốc để sát trùng trong sân nhà, đồ chơi của trẻ.