Trong cuốn sách Gia đình Thăng Long - Hà Nội, GS Lê Thị Quý có viết, xã hội không phải là một cơ chế tĩnh tại, bất biến mà phát triển không ngừng. Trong sự biến đổi của xã hội dưới tác động của các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dân số, môi trường, tôn giáo, chiến tranh hay hoà bình và các sự kiện quan trọng khác, thiết chế gia đình cũng đang biến đổi để thích nghi với những điều kiện mới.
Ở nước ta, sự hoà trộn giữa bản sắc riêng của dân tộc với đạo lý Nho giáo đã tạo ra nền văn hoá gia đình vớí những nét độc đáo. Nền tảng căn bản cho các mối quan hệ gia đình chính là tình thương yêu và ý thức trách nhiệm. Nó là nguyên tắc chỉ đạo mọi suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân.
Từ tình thương yêu đối với gia đình dẫn tới tình thương yêu đối với cộng đồng , xã hội, tổ quốc. Chính tình thương yêu đó đã là chỗ dựa vững chắc cho sự tồn tại, phát triển của đất nước trước những biến động dữ dội của lịch sử.
Người Hà Nội giải quyết tất cả các mối quan hệ không phải chỉ theo giáo lý và luật pháp mà trên cơ sở của tình nghĩa. Trong gia đình " hiếu đễ " được coi là cái gốc của đạo lý. Kẻ nào bất hiếu với cha mẹ, tàn nhẫn với anh chị em mình thì không thể là người tốt và đáng tin cậy trong xã hội được.
Bên cạnh đó, mối quan hệ trên dưới trong gia đình được quy định rất rõ ràng. Con người, trước hết là một bộ phận của gia đình, là một mắt xích của một sâu chuỗi dài bắt nguồn từ tổ tiên đến con cháu sau này. Ở những vị trí cụ thể của mình là cha, con, chồng, vợ đều phải ứng xử theo phận sự của mình, " cha từ, con hiếu ", vợ chồng hoà thuận, thuỷ chung, anh nhường nhịn em, em kính trọng anh...
Nếu tất cả các thành viên đều giữ đúng lễ nghĩa của mình như vậy thì xã hội tất ổn định, thái bình. Lối giáo dục này mang một ý nghĩa tích cực là trong bất kỳ hoàn cảnh nào con người cũng cố gắng sống trong sạch và ứng xử lịch sự, có nghĩa có tình, có văn hoá với nhau. Người nào muốn quản lý xã hội tốt trước hết phải học và làm điều đó từ gia đình.
Luật pháp và phong tục bắt buộc mỗi thành viên trong gia đình phải chịu trách nhiệm về hành vi cuả các thành viên khác và toàn bộ gia đình phải chia xẻ vinh quang cũng như thất bại do bất kỳ một cá nhân nào mang lại.
Gia đình Thăng Long – Hà Nội đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Nó đã được thử thách, trui rèn từ những biến động dữ dội của lịch sử và tạo ra những nét độc đáo vừa giữ gìn được các giá trị truyền thống của dân tộc vừa tiếp thu lối sống thanh lịch của mảnh đất văn hiến, hiền hòa mà dũng cảm, nhân văn mà quyết liệt. Những đặc điểm đó giúp gia đình trường tồn cùng đất nước. Gia đình, cộng đồng, đất nước là ba cột trụ lớn giúp Việt Nam tồn tại và phát triên.
Thành qủa to lớn của chủ nghĩa xã hội là tạo ra sự biến đổi lớn lao cho gia đình và xã hội theo hướng phát triển và văn minh, tạo điều kiện để giải quyết các vấn đề bất công trong gia đình như bất bình đẳng giới và giải phóng con người. Việc đấu tranh nhằm xoá bỏ những tập quán lỗi thời, những hiện tượng phản nhân văn trong đời sống gia đình đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Các trách nhiệm của các thành viên này với thành viên khác trong gia đình cũng không quá khắt khe như trước, mỗi người tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước gia đình, pháp luật và xã hội.
Tuy nhiên gia đình Hà Nội cũng đứng trước các thách thức. Đó là sự bận rộn của các thành viên gia đình trong các hoạt động kinh tế và xã hội đã làm giảm sút thời gian của gia đình. Vấn đề chăm sóc và giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ già vì thế, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, lối sống tự do của các xã hội công nghiệp phát triển cũng đã xâm nhập vào nước ta và thực sự chưa phù hợp với trình độ phát triển cũng như truyền thống của xã hội ta trong khi những nếp nghĩ, thói quen lạc hậu, cổ hủ, phong kiến cũng đang có xu hướng được phục hồi. Những quan niệm của chủ nghĩa gia trưởng, thói coi thường phụ nữ, nạn bạo lực và xung đột trong gia đình đã phát triển ở cả thành thị lẫn nông thôn. Điều này đã khiến cho các mối quan hệ gia đình bị đổ vỡ, con cái bất hiếu, bỏ rơi thậm chí hỗn xược, đánh đập, giết hại cha mẹ già. Người lớn không quan tâm hoặc buông trôi trách nhiệm trong việc chăm nom dạy dỗ con trẻ. Gia đình ở nước ta, bên cạnh những bước phát triển mới, tiến bộ, thuận lợi cũng đã có những dấu hiệu của sự khủng hoảng.
Ngày nay, Nhà nước và xã hội đã nhận rõ vai trò và vị trí quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội. Các chính sách về gia đình nhìn chung đã khá đầy đủ. Vấn đề là tuyên truyền và thực hiện nó. Nếu chúng ta thực hiện tốt các chính sách này thì sẽ đưa gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Hà Nội nói riêng sẽ phát triển hoàn hảo để xứng đáng là nơi nuôi dạy và phát triển con người.
Theo Gia đình Thăng Long - Hà Nội - GS Lê Thị QuýBạn đang xem bài viết Gia đình Thăng Long – Hà Nội: Vừa mang tính phổ biến, vừa mang tính độc đáo tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].