Bác sĩ Ngô Hùng: Hái nấm dại về ăn rồi khuyên người khác làm theo gây nguy hiểm thế nào?

Nhiều loại nấm dại có chứa chất độc nguy hiểm, thường gây chết người sau khi ăn chỉ 1 mũ nấm, do độc tố phá huỷ tế bào gan, gây suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan.

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội, một tài khoản facebook có tên Nguyen Binh liên tục chia sẻ thông tin về việc chị hái nấm dại mọc sau vườn về ăn: “Vườn nhà có nấm. Nấu lên ngọt lừ, nhưng màu tím lịm. Nhìn giống nấm mỡ nhưng vừa ăn vừa run. Cơ mà mình là chuyên gia thải độc, sợ đếch gì. Úp đết tình hình sau khi đã ăn hơn 2h nhé: Chả sao cả, vẫn đi làm ầm ầm, chứng tỏ nấm này ăn được. Thế là sở thích ăn nấm của mình đã được đáp ứng. Sẽ để mấy cọng còn lại cho già và bào tử sẽ bay khắp vườn. Mùa mưa này có mà đầy nấm. Ăn không hết lại mang đi sấy”.

Sau khi tài khoản facebook này đăng tải thông tìn, đã có nhiều người chia sẻ và bình luận, có người khuyên ngăn sợ chị bị ngộ độc nhưng cũng không ít người tỏ ra thích thú, đồng tình với cách ăn “thực dưỡng” của chị.

Những thông tin về việc sử dụng nấm dại được tài khoản facebook Nguyen Binh chia sẻ

Thậm chí, tài khoàn facebook Nguyen Binh còn cho rằng mình có khả năng thải độc nên không sợ nấm có độc: “Cái mũ nấm nó cúp màu trắng, hôm nay mũ nấm xèo ra lại thành màu xám. Lúc hái thì thấy màu đỏ đầy tay. Nấu lên thì chuyển sang màu tím thẫm. Ăn thì có vị ngọt, rất ngọt… Ừ thì nấm có độc đấy, mình ăn vào biết rõ cảm nhận của cơ thể… Chỉ có điều, mình là dân dưỡng sinh nên chả sợ méo gì độc. Trúng độc thì thải độc…”.

Những thông tin về việc ăn nấm tự nhiên mọc ở vườn nhà của tài khoản facebook này đang được chia sẻ rầm rộ, gây hoang mang cộng đồng mạng.

Trao đổi với Gia Đình Mới về thông tin này, bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Việc hái nấm dại về ăn rồi chia sẻ lên mạng xã hội để người khác làm theo là hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Nhìn hình ảnh loại nấm mà tài khoản facebook này chia sẻ thì đây là nấm trắng hình nón, thuộc loài nấm độc Amanita verna. Nấm này mùi thơm dịu, màu trắng, khi nấu lên sẽ chuyển màu thẫm.

Loài nấm này mọc trên mặt đất và thuộc 1 trong những loài nấm độc nhất Việt Nam. Nấm này có chất độc amanita gây hoại tử tế bào gan, triệu chứng ngộ độc thường đến muộn, khoảng 10 – 12 giờ sau ăn, có thể chậm hơn đến 24 giờ.

Biểu hiện đầu tiên là buồn nôn tiêu chảy, rồi suy gan cấp tử vong, dù ăn 1 cái nấm thôi cũng có thể chết người”.

Một bệnh nhân bị ngộ độc nấm dại từng được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Cách đây không lâu, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã từng cấp cứu cho một gia đình 4 người ở Hà Giang bị ngộ độc nấm.

Buổi sáng hôm đó, người chủ gia đình đã ra sau vườn hái nấm về nấu ăn sáng cho cả nhà. Sau khi ăn bữa sáng, cả 4 thành viên trong gia đình đều có biểu hiện nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy toàn nước giống như bị tả.

Do nhiễm độc quá nặng nên 3 thành viên trong gia đình đã tử vong, còn người chủ hộ có diễn tiến nguy kịch và được bác sĩ của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai điều trị tích cực thành công.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân chia sẻ, loại nấm mà bốn người trong gia đình ở Hà Giang ăn là loại nấm gây ngộ độc chậm.

Đây là loại nguy hiểm, thường gây chết người sau khi ăn chỉ 1 mũ nấm, do độc tố phá huỷ tế bào gan, gây suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan.

Các biểu hiện xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6 - 40 giờ (thường là 12 - 18 giờ): Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu.

Sau đó, các biểu hiện tiêu biến hết, bệnh nhân và thầy thuốc dễ hiểu nhầm là bệnh đã khỏi nhưng vài ba ngày sau sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan như vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...) và cuối cùng là tử vong.

Để cảnh báo nguy cơ ngộ độc nấm dại, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo, Việt Nam là một nước nhiệt đới khí hậu nóng ẩm nên thuận tiện cho các loài nấm phát triển, đặc biệt vào mùa Xuân, Hè.

Một loại nấm độc ở Việt Nam

Ở Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, trong đó có những loài có độc tố gây chết người như nấm độc tán trắng, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón. Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm).

Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu và thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, rất phức tạp và khó tiên lượng.

Do đó, để phòng chống ngộ độc do nấm độc, người dân tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ, không rõ nguồn gốc, nấm nghi ngờ không bảo đảm an toàn dù chỉ một lần.

Phát hiện sớm các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm (buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy, đau đầu…) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Nhận dạng nấm độc có thể căn cứ vào một số đặc điểm như nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc; Bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm mầu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc.


Tin liên quan