Do bất cẩn khi ăn chim bồ câu, cậu bé 9 tuổi bị hóc xương, xương chim bồ câu rơi vào thực quản gây ho, đau tức ngực.
Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận trường hợp bé N.V.T., 9 tuổi, trú tại Yên Lập, Phú Thọ trong tình trạng ho, đau tức ngực, do bị hóc xương chim bồ câu.
Kết quả chụp cắt lớp lồng ngực cho thấy, dị vật nằm ở khoảng 1/3 thực quản giữa. Bệnh nhi được các bác sĩ hội chẩn, thăm dò chức năng và nội soi gắp dị vật. Sau hai ngày điều trị, bệnh nhi ổn định và vừa được ra viện.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ từng tiếp nhận trường hợp bé gái N.T.M. (29 tháng tuổi, trú tại Phù Ninh) nhập trong tình trạng nôn ọe và quấy khóc nhiều do nuốt phải cúc áo khi đang chơi đùa ở nhà. Ngay lập tức, bé M. được các bác sĩ gắp trong thực quản.
Theo các bác sĩ, hóc dị vật là tình trạng một vật lạ đột ngột rơi vào đường thở hoặc thực quản. Đây là một trong những tai nạn thường gặp ở mọi độ tuổi, nhiều nhất ở trẻ nhỏ và rất nguy hiểm. Nếu không được xử trí kịp thời nạn nhân có thể thiệt mạng chỉ sau vài phút.
Vậy nên cha mẹ cần đặc biệt chú ý tới trẻ nhỏ. Không cho trẻ chơi với những đồ vật nhỏ, dễ hóc như viên bi, mảnh nhựa, cúc áo… Khi ăn thực phẩm dễ bị hóc như: cá, gà, lợn, nhãn, vải... cần chú ý bỏ hết xương và hướng dẫn trẻ ăn từ từ, tránh đùa nghịch, cười nói khi ăn.
Nếu không may trẻ bị hóc dị vật, cần nhanh chóng đưa con tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, đúng cách, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ cha mẹ nên lưu ý:
- Khi trẻ chẳng may bị hóc dị vật cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa khi có biểu hiện ho khò khè lâu ngày, khó thở.
- Phụ huynh cần luôn để ý đến con, tránh cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây hóc, nghẹt đường thở như các loại hạt, thạch, những loại trái cây có hạt nhỏ...
- Thức ăn nên cắt làm nhiều mảnh nhỏ, cẩn thận khi chế biến và cho trẻ ăn các đồ ăn có xương.
- Tránh các thói quen nguy hiểm như bóp mũi nhét đồ ăn vào khi trẻ khóc, biếng ăn.
- Không nên cho trẻ chơi đồ chơi quá nhỏ, góc cạnh, có nhiều bộ phận dễ tách rời, chơi mà không có sự giám sát của người lớn. Không để đồ chơi, vật dụng quá nhỏ, có thể nguy hiểm trong tầm tay của trẻ, gần nơi ăn, nơi ngủ...
- Khi phát hiện trẻ ngậm phải vật lạ trong miệng, cần giữ bình tĩnh, không gây hốt hoảng, sợ hãi cho trẻ.
- Không tự ý dùng tay móc dị vật trong họng.
- Khi dị vật đã lọt vào đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí đúng đắn, vỗ lưng ấn ngực hoặc Heimlich kịp thời nếu đã được hướng dẫn, để không dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.