7 nguyên tắc ‘vàng’ trong ăn uống mà người bị tăng huyết áp cần nhớ để tránh rước họa vào thân
Người bị tăng huyết áp cần có chế độ ăn uống khoa học để giúp kiểm soát huyết áp, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Vậy người bị tăng huyết áp nên ăn uống thế nào?
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 1 tỷ người trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp và dự báo con số này sẽ tăng lên 1,5 tỷ người vào năm 2025. Mỗi năm có khoảng 9,4 triệu người bị tăng huyết áp đã tử vong.
Tại Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ 5 người trưởng thành thì có một người mắc.
Đối với người bị tăng huyết áp, bên cạnh việc đi khám định kỳ hàng tháng, uống thuốc theo đơn và tăng cường tập luyện thể dục thì một chế độ ăn uống khoa học sẽ góp phần ổn định huyết áp, giảm các biến chứng nguy hiểm.
Theo khuyến cáo của BV Việt Nam – Thụy Điển, người bệnh tăng huyết áp cần tuân thủ những nguyên tắc ăn uống sau để huyết áp ổn định, tăng cường sức khỏe.
Về chất đạm: Người bệnh tăng huyết áp ăn như người bình thường khoảng 1g/kg cân nặng/ngày, ưu tiên đạm ít chất béo gồm cá, thịt nạc
Về chất béo: Người bệnh nên ăn từ 25- 30g/ngày, nên sử dụng dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu mè, dầu oliu…
Về chất bột đường: Người bị tăng huyết áp có thế ăn từ 300 – 320g/ngày, như ngũ cốc, gạo, khoai củ, bún…
Ăn giảm muối, bột ngọt, hạt nêm, nước tương, nước mắm dưới 5g/ngày
Tăng chất xơ từ rau xanh, củ, quả tương đương 300 – 500g/ngày. Nhất là các loại rau củ giúp hạ huyết áp như cần tây, cải cúc, rau muống, măng lau, cà chua, cà tím, cà rốt, nấm hương, tỏi, mộc nhĩ, khoai tây, củ cải đường. Tăng tần suất sử dụng các loại quả: chuối, mâm xôi, dâu tây.
Tăng sử dụng các thực phẩm giàu magie, kali, canxi như rau diếp cá, rau xà lách, rau cải xoăn, củ cải xanh, cải rổ, rau chân vịt, sữa không đường/sữa tách béo.
Thực phẩm nên tránh gồm: Các thực phẩm chứa nhiều muối, các loại đường, mỡ động vật, nội tạng động vật, rau, củ, quả đóng hộp, thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, mỳ tôm, rượu bia, thuốc lá, cà phê.