Tuổi mới lớn là giai đoạn trẻ em trải qua nhiều thay đổi về tâm lý, có những điều không đáng lo, nhưng cũng có những dấu hiệu khủng hoảng trầm trọng mà cha mẹ nhất định không nên bỏ qua.
Bạn có thể thấy con trai/con gái mình ngủ nướng đến tận trưa, dùng thời gian chủ yếu khép mình trong phòng, chẳng mấy khi nói – trừ vài câu gắt gỏng…
Đó là những cơn ‘mưa nắng ẩm ương’ bình thường của tuổi mới lớn hay dấu hiệu của khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng, các bậc cha mẹ hãy xem xét 7 dấu hiệu sau:
1. Con trở nên buồn bã hơn thường lệ
Con có những triệu chứng như buồn bực, cáu kỉnh trong gần như cả ngày, hầu hết các ngày trong tuần và kéo dài trong ít nhất 2 tuần.
Một số em khác tỏ ra buồn nản, thiếu năng lượng. Một việc nhỏ nhặt cũng khiến trẻ khó chịu, nổi xung và không thể thư giãn
2. Con của bạn đã mất hứng thú với những thứ con thường thích làm
Có thể con không còn muốn chơi guitar hay bóng đá, những thứ con thường say sưa.
Con cũng xa lánh mọi người, không muốn đi chơi với bạn bè và gia đình - thậm chí cả những người mà anh ấy thường thấy thú vị hoặc vui vẻ khi ở cùng.
3. Con mất tập trung, hay cãi vã
Tâm trạng ảnh hưởng một cách lâu dài và trầm trọng đến cuộc sống của con theo cách: con thường xuyên gây hấn với mọi người, cãi vã và khủng hoảng trong nhiều mối quan hệ.
4. Thói quen ăn ngủ của con thay đổi
Cô/cậu bé tuổi teen đang gặp vấn đề tâm lý sẽ cảm thấy ít khi đói hơn.
Có thể con không bị sụt cân, nhưng cảm giác chán ăn rất rõ rệt.
Con cũng khó ngủ hơn. Hoặc con ngủ rất nhiều nhưng lúc nào cũng trong tình trạng rất mệt mỏi, thiếu năng lượng.
5. Cảm thấy không hài lòng về bản thân
Con cảm thấy tuyệt vọng, thấy không hài lòng về bản thân dù không có lý do rõ ràng.
6. Con của bạn có hành vi nguy cơ cao
Có thể con mới nghĩ đến hoặc thực sự có hành vi lạm dụng chất kích thích hay tình dục không an toàn.
Thử hút thuốc, uống rượu và quan hệ tình dục ở tuổi teen là những hành vi các bậc cha mẹ không mong muốn ở con cái mình.
Đây là dấu hiệu cực kỳ nghiêm trọng mà cha mẹ nhất định không nên bỏ qua.
7. Con của bạn thể hiện suy nghĩ về việc làm hại bản thân
Đây là một cảnh báo rất nghiêm trọng. Con cần phải được một chuyên gia sức khoẻ tâm thần can thiệp ngay.
Cha mẹ nên làm gì khi con khủng hoảng tuổi dậy thì?
Nếu cha mẹ nhận thấy một vài hoặc tất cả những dấu hiệu cảnh báo trên đây, có thể vấn đề không chỉ là tâm trạng thất thường của tuổi teen.
Trầm cảm thường là kết quả của việc con bị bắt nạt, bị cô lập, hoặc nghiêm trọng hơn, bị tấn công tình dục.
Để tìm hiểu rõ vì sao con bị tổn thương tâm lý, cha mẹ có thể tham khảo những gợi ý của Bác sĩ Stephanie Dowd, nhà tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm Anxiety and Mood Disorders, Viện Tinh thần Trẻ em (Mỹ).
1. Nói chuyện cùng con
Việc tạo một môi trường cởi mở, thân thiện, ở đó con luôn sẵn sàng trò chuyện, chia sẻ là điều cha mẹ cần thực hiện liên tục, chứ không phải chờ đến khi con có biểu hiện bất thường.
Tuy nhiên, nếu con đang trong giai đoạn chớm có biểu hiện trầm cảm, cha mẹ nên bắt đầu bằng những bước sau:
- Rủ con đi ra ngoài: Cha mẹ nên đưa con ra khỏi nhà, có thể đi chơi đâu đó xa hoặc thậm chí chỉ là ra quán cà phê gần nhà để ‘trò chuyện như hai người trưởng thành’
- Bắt đầu trò chuyện: Có thể bắt đầu theo nhiều cách, ví dụ như ‘Con yêu, có vẻ như gần đây con có chuyện thực sự buồn. Con ngủ nhiều, con không còn thích chơi bóng đá như thường lệ… Mẹ phân vân không biết có chuyện gì xảy ra khiến con buồn như vậy?’
2. Lắng nghe
Điều quan trọng nhất lúc này không phải là ‘lên lớp’ cho con, giảng giải cho con phải thế này, thế kia… Quan trọng là lắng nghe. Đây không phải là lúc con muốn nghe những lời phán xét, quy tội hay phân tích...
Có thể bạn cần khẳng định điều này lại với con: ‘Mẹ chỉ muốn nghe con tâm sự thôi. Có thể mẹ giúp được gì đó, có thể không, nhưng chắc chắn nói ra mọi điều sẽ khiến con nhẹ lòng’.
Đừng cố gắng để giải quyết vấn đề. Ví dụ, con gái bạn nói: ‘Vâng, con có chuyện với bạn Nam. Con không gặp bạn ấy mấy hôm nay’.
Đừng nói: ‘Con thử gọi điện cho bạn xem’, thay vào đó, hãy chỉ tìm cách xác nhận cảm xúc của con: ‘Ừ, mẹ nghĩ chắc con thấy buồn lắm phải không?’.
Cha mẹ nên cố gắng duy trì cuộc trò chuyện bằng các câu hỏi: ‘Con cảm thấy thế nào?’, ‘Vậy con có ý tưởng gì không?’…
3. Gợi ý giải pháp
Cha mẹ có thể nói: ‘Mẹ nghĩ con đang có một thời gian khó khăn. Mẹ thấy có vài việc con có thể làm…’. Các câu nói nên có chủ ngữ là ‘cha/mẹ’ để con cảm thấy thoải mái, không bị áp lực vì bị đặt ở trung tâm của câu chuyện.
4. Khi nào con bạn cần đến gặp bác sĩ tâm lý?
Khi con có ý định tự tử hoặc đã thực hiện một hành vi nguy cơ (lạm dụng chất kích thích hay tình dục không an toàn), con cần phải đến gặp bác sĩ.
Nếu con từ chối việc này, hãy hỏi con ‘Tại sao’, lắng nghe con và giải thích: ‘Mẹ muốn con biết rằng mẹ thực sự muốn giúp đỡ con. Nhưng trong tình huống này mẹ không có đủ kiến thức và khả năng để giúp. Chúng ta phải đi gặp bác sĩ’.
10% số ca tự sát ở Việt Nam là trẻ vị thành niên
Ở Việt Nam, năm 2010, Sở Y tế Hà Nội tiến hành nghiên cứu 1.202 học sinh tiểu học và THCS, xác định tỷ lệ học sinh từ 10 - 16 tuổi có vấn đề về sức khỏe tâm thần chung là 19,46%.
Đáng lưu ý, trong số các ca tự sát có 10% ở độ tuổi 10 - 17. Hiện nay chưa có con số thống kê cập nhật và đầy đủ hơn về bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên.
Tuy nhiên, có nhiều bác sĩ, nhà nghiên cứu tâm lý có những bài viết cảnh báo về tình trạng trẻ tuổi teen bỏ học, bỏ nhà ra đi, thậm chí tự tử.
Có thể trẻ gặp một sang chấn nào đó về tâm lý mà cha mẹ, do thiếu kiến thức hoặc quá bận rộn, đã vô tình bỏ qua, không có phương án hỗ trợ kịp thời.
Mong các bậc cha mẹ hãy luôn luôn quan tâm đến con, xây dựng thói quen trò chuyện cùng con từ nhỏ, đừng để đến khi xảy ra hậu quả mới hối hận!