Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người cao tuổi và những người có bệnh lý nền là những đối tượng dễ gặp phải những biến chứng nguy hiểm nếu chẳng may mắc COVID-19.
Theo TS.BS Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, ở người cao tuổi, quá trình lão hóa khiến hệ miễn dịch (hàng rào phòng chống nhiễm khuẩn cưa cơ thể) bị suy giảm. Số lượng tế bào hệ miễn dịch giảm làm khả năng chống đỡ với nhiều loại tác nhân gây nhiễm cũng suy giảm, trong đó có virus Corona mới (SARS-CoV-2) - gây bệnh viêm phổi COVID-19.
Bên cạnh đó, do tác nhân gây bệnh là virus nên để có thể khỏi bệnh, cơ thể phải tạo ra kháng thể chống lại, nhưng loại virus mới này chưa từng tiếp xúc cộng đồng trước đó nên cơ thể chưa tạo được kháng thể.
Chính vì thế, cơ thể người cao tuổi nếu nhiễm virus SAR-CoV-2 sẽ có triệu chứng nặng hơn, cần nhiều thời gian hơn để loại virus ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, người cao tuổi lại thường mắc nhiều bệnh mạn tính kèm theo như tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn, ung thư, thoái hóa khớp, béo phì…
Các bệnh lý này nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tình trạng miễn dịch suy giảm hơn, do đó cơ thể chống đỡ kém hơn và dễ suy giảm chức năng các cơ quan hơn.
Hơn nữa, đối với người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý và phải dùng nhiều loại thuốc, đặc biệt là dùng kéo dài thuốc có chứa corticosteroids, thuốc điều trị ung thư, thuốc gây ức chế hệ miễn dịch… cũng khiến hệ miễn dịch của người cao tuổi càng giảm sút.
Trong khi đó, COVID-19 lại là bệnh lây lan rất nhanh, một khi bị mắc COVID-19, người cao tuổi là đối tượng rất dễ bị tổn thương, nguy cơ rất cao dẫn đến diễn tiến nặng.
Hệ miễn dịch là hàng rào bảo vệ đáp ứng đầu tiên khi cơ thể bị virus tấn công nhưng lại rất suy yếu ở người cao tuổi, nên dễ dàng dẫn đến viêm phổi.
Viêm phổi tiến triển nặng sẽ nhanh chóng dẫn đến viêm toàn bộ đường hô hấp, gây khó thở nhiều, suy hô hấp cần phải thở máy, suy đa cơ quan cần phải chạy thận lọc máu. Do đó, người cao tuổi có sức khỏe đã suy yếu rất khó vượt qua giai đoạn này để phục hồi.
Theo các chuyên gia y tế, virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19 có ái lực đặc biệt với thụ thể ACE2 có ở tế bào mô phổi. Bên trong tế bào ký chủ, virus tìm cách nhân lên thành nhiều tế bào mới; cuối cùng, các virus mới trưởng thành được phóng thích khỏi tế bào bị nhiễm để xâm nhập vào các tế bào khác của cơ thể...
Sau khi nhân bản xong, chính virus này làm thương tổn tế bào ký chủ ở mô phổi hoặc hệ miễn dịch của cơ thể chống lại, gây hại nó và hại luôn tế bào ký chủ mà nó xâm nhiễm. Hậu quả bao gồm các triệu chứng nhẹ là giống cảm cúm như sốt, ho, khó thở và trong trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ bị viêm phổi hoặc gặp phải hội chứng suy hô hấp cấp tính nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng.
Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi những người đang mắc các bệnh đường hô hấp có nguy cơ cao mắc COVID-19 và dễ gặp phải biến chứng nặng khi chẳng may mắc bệnh.
Có thể kể đến các bệnh lý hô hấp sẵn có ở nhiều người như: Hen phế quản; Giãn phế quản; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); Viêm phế quản mạn tính; Xơ phổi và các bệnh phổi kẽ khác…
Và nguy cơ có thể thay đổi tùy theo loại bệnh hô hấp mà người bệnh mắc phải. Ví như COPD và bệnh phổi kẽ được đặc trưng bởi tình trạng xơ hóa và mất tính đàn hồi của phổi. Điều này có thể làm giảm khả năng tự thở của một người nếu nhiễm trùng xảy ra.
Còn hen phế quản không gây ra xơ hóa, nhưng nhiễm trùng có thể gây ra một cuộc tấn công nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng, đặc biệt ở những người kiểm soát hen phế quản kém…
Người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc COVID-19 cao là do những người này có hệ thống miễn dịch yếu, khiến họ không có khả năng chống lại nhiễm trùng. Việc mất khả năng miễn dịch không chỉ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mà còn làm tăng khả năng mắc bệnh nặng.
Nhóm người bị suy giảm miễn dịch gồm: Người nhiễm HIV; Người trải qua hóa trị và xạ trị ung thư; Người nhận ghép tạng, những người cần dùng thuốc ức chế miễn dịch lâu dài để ngăn ngừa thải ghép tạng; Người bị suy giảm miễn dịch nguyên phát, thường liên quan đến khiếm khuyết di truyền…
Người mắc bệnh tim mạch bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ làm các triệu chứng và biến chứng tim mạch sẵn có diễn tiến nặng hơn, càng khó điều trị hơn.
Nguyên nhân một phần là do các hệ thống hô hấp và tim mạch vốn đã được liên kết chặt chẽ với nhau. Oxy được nhận từ phổi đều được tim và hệ thống tuần hoàn phân tán khắp cơ thể. Khi nhiễm trùng đường hô hấp làm hạn chế lượng không khí đi vào phổi, tim phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo nguồn cung cấp oxy cho các cơ quan quan trọng của cơ thể. Tăng gánh cho tim không chỉ làm tăng mức độ nghiêm trọng của huyết áp cao mà còn có khả năng làm bộc phát cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Do đó, trong mùa dịch COVID-19, người bệnh tim mạch cần đặc biệt chú trọng việc nâng cao sức khỏe và bảo vệ trái tim của mình. Đặc biệt cần hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc với nhiều người để giảm thiểu tối đa nguy lây nhiễm COVID-19.
5. Người bệnh đái tháo đường
TS.BS Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, người bị đái tháo đường là đối tượng nguy cơ cao mắc COVID-19.
Nguyên nhân là do những người này có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, khi mắc bệnh thì có nhiều khả năng dẫn đến biến chứng nặng.
Vậy nên, trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người bệnh đái tháo đường được khuyến cáo hạn chế ra chỗ đông người, nên ở nhà để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19, trừ những trường hợp cần thiết.
Những người bị thừa cân béo phì có liên quan đến nhiều rối loạn sức khỏe, làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của COVID-19, bao gồm: Tăng huyết áp; Bệnh tim; Bệnh đái tháo đường; Bệnh gan nhiễm mỡ; Bệnh thận…
Bên cạnh đó, người bị béo phì có liên quan đến khả năng miễn dịch bị suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 và tăng nguy cơ bệnh tiến triển nặng, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Một số rối loạn thần kinh như bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson hoặc bệnh rối loạn thần kinh vận động, có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của nhiễm COVID-19, do làm rối loạn phản xạ nuốt, giảm phản xạ ho hoặc gây suy yếu cơ hô hấp.
Đặc biết, đối với người bệnh Parkinson thường có bệnh phổi hạn chế, tức là phổi kém dãn nở hơn. Phổi kém dãn nở ở bệnh Parkinson là vì cơ của thành ngực đơ cứng hơn cũng như sự chậm vận động của các cơ chịu trách nhiệm dãn nở của thành ngực.
Người bệnh Parkinson cũng có thể có những bất thường tư thế như khom lưng hoặc nghiêng người. Những tư thế này có thể hạn chế thể tích phổi. Bệnh Parkinson cũng có thể khiến người bệnh bị rối loạn chức năng nuốt và khó tống xuất dịch tiết ra từ đường thở. Những vấn đề này có thể góp phần làm tăng các biến chứng khi bị nhiễm COVID-19.
Ngoài ra, nhiều loại thuốc dùng để điều trị rối loạn thần kinh và nhược cơ chủ động gây ức chế hệ thống miễn dịch, dễ làm cho các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng hơn.
Chính vì có nguy cơ cao mắc COVID-19 và dễ gặp phải biến chứng nếu chẳng may mắc bệnh nên người cao tuổi và những người có bệnh nền được các chuyên gia y tế khuyến cáo cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế như hạn chế ra chỗ đông người, mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, ở nhà… Đồng thời cần quản lý tốt các bệnh nền sẵn có để giảm thiểu rủi ro trong đại dịch COVID-19.