5 cấm kỵ khi cấp cứu người bị đột quỵ để bệnh không thêm nặng

Nhiều người mắc phải sai lầm khi cấp cứu người bị đột quỵ dẫn đến tình trạng người bệnh thêm nặng, thậm chí không cứu được.

Theo ThS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, BV Lão Khoa Trung ương, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người có tiền sử tăng huyết áp, người có bệnh tim mạch, đái tháo đường, nguy cơ dẫn đến đột quỵ là rất cao.

Hơn nữa, phần lớn những người bị đột quỵ thường nhập viện chậm trễ do người thân xử trí sai cách, làm lỡ thời gian vàng trong điều trị đột quỵ.

Bác sĩ Thắng cũng chỉ rõ, có một số sai lầm mà nhiều người mắc phải khi cấp cứu người bị đột quỵ dẫn đến người bệnh bị nặng hơn.

Người bị đột quỵ thường nhập viện chậm trễ do người thân xử trí sai cách, làm lỡ thời gian vàng trong điều trị đột quỵ. Ảnh minh họa

1. Chậm trễ đưa người bệnh đến cơ sở y tế

Khi phát hiện người bị đột quỵ, thay vì gọi ngay cấp cứu 115 để đưa người bệnh đến cơ sở y tế sớm thì nhiều người lại lựa chọn chữa cho bệnh nhân bằng mẹo dân gian, truyền miệng, dùng thuốc theo kinh nghiệm của người khác, dẫn đến làm lỡ thời gian vàng trong điều trị đột quỵ.

Thời gian vàng để cứu người bị đột quỵ nhồi máu não là 4,5 giờ (tính từ lúc bắt đầu bị đột quỵ), do đó cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

2. Uống thuốc chưa được kiểm chứng

Rất nhiều người thủ sẵn các sản phẩm chữa đột quỵ, phòng đột quỵ ở trong nhà và khi có người thân bị đột quỵ là cho dùng sản phẩm này ngay lập tức.

Cách làm này là rất nguy hiểm, bởi những loại thuốc, sản phẩm chữa đột quỵ được bán tràn lan trên thị trường đều chưa được kiểm chứng về tác dụng điều trị bệnh đột quỵ.

Hơn nữa, khi bị đột quỵ, phản xạ nuốt của người bệnh kém đi, nếu để bệnh nhân ăn, uống ngay khi vừa bị đột quỵ sẽ rất dễ dẫn đến sặc, gây bít tắc đường thở, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Cạo gió, xoa dầu nóng, chích máu ở đầu ngón tay... chữa đột quỵ sẽ làm cho bệnh tình thêm trầm trọng. Ảnh minh họa

3. Chữa đột quỵ bằng mẹo dân gian

Nhiều người nghĩ rằng đột quỵ là do bị trúng gió, cảm lạnh nên khi người thân bị đột quỵ thường tiến hành cạo gió, xoa dầu nóng, chích máu ở đầu ngón tay, ngón chân, dái tai…

Những cách xử trí này cực kỳ nguy hiểm cho người bệnh, không những làm mất đi thời gian vàng trong điều trị mà còn tạo ra những vết thương có thể gây nhiễm trùng.

4. Cho dùng thuốc hạ huyết áp nhanh quá mức 

Không ít các trường hợp người nhà của của bệnh nhân tự đo huyết áp, thấy huyết áp người bệnh tăng đột ngột thì vội vàng cho người bệnh dùng thuốc hạ huyết áp nhanh.

Hành động này khiến người bệnh tụt huyết áp, máu lên não giảm đi, nhũn não càng lan rộng, bệnh diễn biến xấu đi và có thể để lại nhiều di chứng nặng nề.

5. Bế thốc bệnh nhân lên xe máy đưa đi cấp cứu

Thời gian đối với bệnh nhân đột quỵ là vàng nhưng tuyệt đối không được bế thốc người bệnh đưa đi cấp cứu luôn bằng xe máy vì điều này sẽ vô tình gây nguy hiểm thêm cho người bệnh, giảm hiệu quả điều trị hoặc thậm chí khiến người bệnh có thể tử vong trên đường. Xử trí nhanh là đúng nhưng cần phải chính xác.

Tốt nhất nên gọi cấp cứu 115 để được hỗ trợ và tư vấn cách sơ cứu khi gặp người bị đột quỵ.

Bác sĩ khuyến cáo, trong thời tiết giá lạnh hiện nay, mọi người dân, nhất là người trung niên và cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Cùng với đó, cần chú ý uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn...

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan