Với tác dụng bù nước, điện giải, oresol là một loại thuốc và cần đảm bảo đúng 3 nguyên tắc nếu không vô tình sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng trẻ.
Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi gặp biến chứng không mong muốn từ uống oresol không đúng cách và chế phẩm oresol không chuẩn. Phần lớn những trường hợp đều rơi vào trẻ tiêu chảy, khi uống chế phẩm oresol do có nhiều đường nên dẫn tới trường hợp tiêu chảy nặng hơn, người mệt lả…
Tuy nhiên, đây là một loại thuốc nằm trong nhóm chống mất nước, chất điện giải. Nếu sử dụng một cách bừa bãi có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Hiện nay nhiều người giữ thói quen dùng oresol một cách bừa bãi. Phần lớn đều cho rằng, oresol là thực phẩm chức năng bổ trợ chống mất nước. Vì vậy, bất kể trẻ có biểu hiện chớm sốt, mệt mỏi hoặc ít uống nước nhiều cha mẹ nghĩ ngay đến việc bổ sung oresol.
Đặc biệt, nhiều gia đình không sử dụng oresol dạng biệt dược mà lựa chọn các chế phẩm từ oresol với dạng nước ngọt, nhiều màu sắc, nhiều hương vị nhưng không rõ công thức, tỉ lệ pha chế như thế nào.
Cùng với đó là chưa hiểu rõ cách uống, liều lượng uống với bệnh tình, thể trạng mỗi trẻ. Vô tình, kèm sự kém hiểu biết, chủ quan, nhiều trẻ nhỏ trở thành nạn nhân của oresol.
Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ khi trẻ bị mất nước, mất điện giải do tiêu chảy, nôn nhiều, kéo dài ngày và khi trẻ sốt cao mới cần được bù dung dịch oresol.
Bác sĩ nhấn mạnh, khi cơ thể mất nước nếu uống nước không chỉ có thể bù nước cho cơ thể chứ không có khả năng bù điện giải. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, uống nước thêm sẽ làm nồng độ điện giải loãng hơn, cơ thể càng mệt mỏi và có thể tử vong nếu không cân bằng được điện giải.
Chính vì vậy, khi cơ thể mất nước, nhất là với trẻ nhỏ, uống oresol là cách tốt và đảm bảo nhất bù cả nước và điện giải, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Theo bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng - Bệnh viện Nhi Trung Ương, hiện nay, trên thị trường có nhiều chế phẩm oresol từ dạng bột, dạng viên cho đến dạng pha sẵn. Điều đầu tiên cha mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và pha đúng theo tỉ lệ khuyến cáo trên bao bì vì các gói đã được chia trọng lượng thích hợp với tỷ lệ nước.
Khi pha đúng, ta sẽ có dung dịch có nồng độ điện giải thích hợp nhất với cơ thể mất nước và điện giải. Do vậy, việc pha sai tỷ lệ sẽ không cho kết quả nhanh nhất, thậm chí còn có tác dụng ngược lại. Nó có thể khiến trẻ bị rối loạn điện giải gây ra tình trạng trẻ mệt mỏi, co giật, buồn nôn…
Bên cạnh đúng tỉ lệ, uống đúng cách là điều mà nhiều bậc phụ huynh phải lưu ý. Bởi vì, uống sai cách không chỉ không có tác dụng mà thậm chí còn có tác dụng ngược lại.
Trong trường hợp trẻ ra nhiều mồ hôi, cha mẹ có thể uống như uống nước bình thường, nhưng để có kết quả nhanh nhất thì có thể uống từng ngụm nhỏ, giữ lại hơi lâu hơn bình thường một chút ở khoang miệng rồi mới nuốt.
Với trường hợp trẻ tiêu chảy, nôn phải uống từng thìa nhỏ để lượng nước vào miệng ít nhất, chỉ đủ để láng ướt khoang miệng, làm nước và điện giải được hấp thu ngay tại khoang miệng, ko có khả năng (hoặc rất ít) chui xuống dạ dày.
Nếu uống như cách thứ nhất, toàn bộ dung dịch uống vào sẽ nằm trong dạ dày. Khi đó, dạ dày trẻ bị kích thích, nên sẽ tống dung dịch xuống ruột gây ra đi ngoài tiếp (nếu bị tiêu chảy) hoặc sẽ tống ngược lên gây nôn (nếu bị nôn).
Về liều lượng sử dụng, theo các khuyến cáo của bác sĩ, oresol liều lượng nhất định theo từng độ tuổi của trẻ nhỏ. Cha mẹ nên cho trẻ uống sau mỗi lần nôn/ tiêu chảy.
Với những trẻ dưới 24 tháng tuổi, số lượng uống mỗi lần khoảng 50 - 100 ml và khoảng 500 ml/ngày; với trẻ từ 2 tuổi - 10 tuổi, mỗi lần trẻ uống từ 100 - 200 ml và mức sử dụng khoảng 1.000 ml/ngày; trẻ từ 10 tuổi trở lên, cha mẹ có thể cho trẻ uống đến khi hết khát với mức sử dụng tối đa khoảng 2.000 ml/ngày.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tính liều lượng sử dụng oresol dựa trên cân nặng của trẻ. Theo đó, số lượng nước oresol uống trong 4 giờ đầu = cân nặng bệnh nhi x 75ml. Trong khoảng 4 giờ đầu có dấu hiệu trẻ mất nước, cha mẹ nên cho trẻ uống theo công thức trên và sau đó đánh giá lại tình trạng mất nước.
Nếu không thể bổ sung oresol bằng đường uống, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời được khám và điều trị, phòng ngừa các biến chứng do mất nước, mất điện giải.