Tránh cứ mất nước thì uống bù
Theo bác sĩ, các bậc cha mẹ đừng chủ quan với việc bù nước điện giải cho trẻ và hãy mua thuốc theo đúng đơn bác sỹ khám bệnh đã kê.
Khi trẻ bị tiêu chảy, tình trạng mất nước xảy ra, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, đe dọa tính mạng của trẻ.
Oresol với thành phần là muối, đường… là loại thuốc dùng để bù nước điện giải trong các trường hợp tiêu chảy.
Oresol khi được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước đã mất giúp trẻ phục hồi. Nhưng nếu dùng không đúng cách có thể gây nguy hiểm khôn lường từ việc bù nước điện giải.
Bàn về vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Phương Thanh có chia sẻ trên Facebook cá nhân về câu chuyện một bệnh nhi bị sốt, tiêu chảy mất nước và đã được bác sỹ khám, kê đơn dung dịch bù nước điện giải (thông thường là Oresol, Hydrite...).
Bác sỹ cũng có hướng dẫn người mẹ về nhà cho bé uống, theo dõi triệu chứng, nhưng kết quả là sức khỏe của bé trầm trọng hơn.
Nguyên nhân là do người mẹ ra hiệu thuốc mua thuốc theo đơn nhưng lại được chủ quầy giới thiệu loại dung dịch bù nước điện giải khác với trong đơn bác sỹ kê.
Khi người mẹ cho bé uống loại dung dịch bù nước điện giải mà hiệu thuốc tư vấn thì thấy triệu chứng của bé xấu dần đi…
Bác sỹ Thanh cũng đã thử kiểm tra thì thấy một số dạng sản phẩm dạng này có công thức không tương tự như Oresol hay các thuốc/dung dịch bù nước điện giải thông thường khác.
Khi nào thì nên cho uống nước điện giải?
Để tránh những trường hợp nguy hiểm không may xảy ra cho trẻ nhỏ khi cha mẹ bù nước điện giải cho con, chia sẻ trên Facebook, bác sỹ Nguyễn Phương Thanh đưa ra một số lời khuyên như sau:
1. Hãy mua theo đúng đơn của bác sỹ, nghĩa là đó là thuốc (thuốc sẽ được kiểm duyệt chặt chẽ). Có thể lựa chọn các sản phẩm thay thế có thương hiệu hoặc trước đó đã được sử dụng không có vấn đề gì.
Ví dụ bù nước đường uống thì Oresol là nổi tiếng nhất. Nếu có bất cứ nghi ngờ gì về công thức (thường chứa muối Nacl, KCl, natri citrat, glucose) thì cần tìm hiểu, thông báo và không được dùng cho trẻ đang mất nước, sẽ có thể nguy hiểm cho bé.
Trong trường hợp ngại vì mùi vị khó chịu với trẻ, đã có các THUỐC thay thế có hương vị dễ chịu hơn.
2. Đọc kĩ hướng dẫn cách dùng, liều lượng... nếu hướng dẫn pha với 200 ml thì cần pha chính xác 200 vì như thế sẽ đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ, pha quá ít hay nhiều nước hơn cũng sẽ nguy hiểm, thậm chí tử vong.
3. Chỉ sử dụng dung dịch đã pha trong 24h, bảo quản kĩ càng tránh nhiễm bẩn. Lý do là dung dịch có thể bị nhiễm khuẩn nếu để quá lâu, điều này cũng gây nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Nếu để tủ lạnh bạn có thể để lâu hơn nhưng theo mình cũng chỉ 24 giờ thôi, thuốc này rẻ không cần quá tiết kiệm.
4. Không được chia nhỏ gói thuốc hoặc bẻ đôi viên thuốc rồi pha vì rất có thể các thành phần không đồng nhất và dễ gây nhầm lẫn thể tích khi pha.
5. Không được đun sôi dung dịch đã pha vì khi đó sẽ làm mất các phẩm chất của thuốc, bay hơi làm tăng độ thẩm thấu.
6. Không pha với nước khoáng vì nước này có sẵn thành phần khoáng sẽ làm sai lệch nồng độ. Nên pha với nước lọc đun sôi để nguội.
7. Bà mẹ phải có kỹ năng theo dõi các dấu hiệu triệu chứng của trẻ: như phát hiện mất nước, khả năng đáp ứng, dấu hiệu nguy hiểm... những kiến thức này sẽ được bác sỹ trao đổi tuy nhiên hãy tự tìm hiểu vì thông tin dạng này rất sẵn có.
Bất cứ nghi ngờ dấu hiệu nặng nào cũng cần thông báo và xử trí kịp thời vì khi đó có thể phải bù bằng đường tĩnh mạch và các can thiệp khác.
8. Đừng chủ quan với việc bù nước và điện giải cho trẻ!
Linh NhiBạn đang xem bài viết Bác sĩ cảnh báo việc bù nước điện giải cho con không đúng cách, nguy hiểm khôn lường tại chuyên mục Chân dung Bác sĩ của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].