10 câu nói phổ biến gây tổn thương cho trẻ mà cha mẹ thường mắc phải

Nuôi con, chẳng có cha mẹ nào không có những lúc tức giận vì con không nghe lời, không làm theo ý mình. Nhưng nhiều khi 'cả giận mất khôn', cha mẹ lại nói ra những điều gây tổn thương cho trẻ mà không hề hay biết.

Dù trong lúc nóng giận, cha mẹ cũng cần tránh thốt ra những lời này để không ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, tình cảm của trẻ.

Đặc biệt là trẻ con trong độ tuổi phát triển rất nhạy cảm với những lời nói, hành động của bố mẹ, nên bố mẹ càng cần phải chú ý hơn khi giao tiếp với con cái.

Gia Đình Mới xin chia sẻ 10 câu nói mà cha mẹ cần tránh để mang đến cho con môi trường phát triển tốt nhất:

1. 'Con đúng là ngu dốt, vô dụng!'

Trẻ con còn nhỏ tuổi, vì thế bạn không thể yêu cầu con biết hết mọi thứ, làm tốt hết mọi việc.

Không có đứa trẻ nào vô dụng cả. Quan trọng là chúng chưa được dạy để làm đúng cách mà thôi.

Thay vì nói ra câu nói này khiến trẻ tổn thương và thiếu tự tin vào bản thân, bố mẹ hãy bình tĩnh, cẩn thận chỉ bảo cho trẻ hướng đi đúng, để trẻ cải thiện và làm tốt hơn.

2. 'Im ngay! Tại sao con không chịu nghe lời bố/mẹ?'

Không phải cứ trẻ nghe lời bạn là sẽ tốt. 

Khi trẻ muốn giải thích một điều gì đó, cha mẹ thường có xu hướng quát nạt trẻ 'Im ngay!' vì nghĩ rằng trẻ đang kiếm cớ trốn tránh. 

Như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy cha mẹ không tôn trọng mình. Dù là trẻ con, trẻ cũng cần được tôn trọng và có quyền phát ngôn, bào chữa và nói lên quan điểm của mình.

Nếu bạn đang muốn nói một điều gì đó mà có người nói bạn 'Im ngay!', chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy không hề thoải mái.

Trẻ con cũng vậy, sự khác nhau về độ tuổi hay sự hiểu biết so với chúng ta cũng không làm giảm đi chút nào mức độ tổn thương của chúng.

3. 'Bố/mẹ nói không được là không được.'

Cha mẹ thường có thói quen chỉ đạo hành động, suy nghĩ của trẻ, bảo trẻ phải làm thế này làm thế kia khiến trẻ dễ nghĩ rằng bản thân mình vô dụng.

Việc bố mẹ cấm đoán trẻ đôi khi còn gây phản tác dụng, khiến trẻ càng muốn làm những việc bị cấm.

Vì vậy, hãy để trẻ tự làm và chịu trách nhiệm với hành động của mình. Bố mẹ có thể quan sát và đưa ra lời khuyên thay vì ngăn cấm, ép buộc trẻ.

4. 'Con muốn làm gì thì làm, bố mẹ không quản nữa!'

Câu nói này của cha mẹ khiến trẻ có cảm giác như mình bị bỏ rơi, phải chịu trách nhiệm một mình. Với một đứa trẻ thì cảm giác này không có lợi chút nào.

Khi phê bình trẻ, hãy tránh nói những câu không có động lực khiến trẻ không muốn tiếp tục điều mình muốn làm.

Hãy khoan dung cho những hành động, suy nghĩ trẻ con của trẻ và đừng buộc trẻ làm những điều trẻ không thích.

5. 'Nếu con được 10 điểm, mẹ sẽ mua cho con thứ này thứ kia'

Việc hứa hẹn cho con những món quà hấp dẫn để khuyến khích con cố gắng học tập, đặt ra những mục tiêu thiết thực cho trẻ là điều cần thiết.

Tuy nhiên, không nên hứa hẹn với trẻ những điều vô nghĩa. Hãy để trẻ hiểu rằng, việc học tập là trách nhiệm của trẻ chứ không phải vì thứ này thứ kia mới cố gắng học tốt.

Đừng quá quan trọng điểm số với trẻ mà hãy tạo cho trẻ động lực học tập thực sự.

6. 'Sao con dám làm chuyện như vậy?'

Hãy tăng cường nêu gương con khi con tích cực, hơn là nhấn mạnh vào thái độ tiêu cực của trẻ. Bạn không nên chê bai ai đó trước mặt con mình, cũng đừng chê bai con trước mặt người khác.

Khi con mắc lỗi, hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra lời khuyên, thay vì những câu hỏi trong lúc cáu giận khiến trẻ càng sợ hãi nói ra suy nghĩ của mình.

7. 'Con lại làm sai nữa rồi'

Vì trẻ còn nhỏ, nên hãy cho phép trẻ phạm sai lầm. Sau những thất bại, trẻ sẽ rút ra kinh nghiệm cho bản thân và cố gắng hơn.

Giáo dục trẻ cần phải nhu chứ không phải cương. Hãy dạy trẻ thật dịu dàng và cho trẻ cơ hội được sai.

8. 'Con cứ thế này sau này có chó nó lấy'

Những câu nói mang tính chê trách sẽ khiến trẻ mất tự tin và nghĩ rằng 'mình chẳng ra gì'. Như vậy đồng nghĩa với việc trẻ không có cơ hội để thay đổi, để trở nên tốt đẹp hơn.

9. 'Nhìn bạn con vừa học giỏi vừa nghe lời bố mẹ thế kia mà!'

Khi so sánh trẻ với những đứa trẻ cùng trang lứa, nó giống như một 'con dao hai lưỡi', vừa tích cực, vừa tiêu cực.

Nếu trẻ có suy nghĩ đúng thì trẻ sẽ phấn đấu cố gắng hơn cho 'bằng bạn bằng bè'. Nhưng nếu trẻ có sẵn sự mặc cảm tự ti, cộng thêm cách nói mang hàm ý chê trách từ bố mẹ có thể gây ra phản ứng tiêu cực, khiến trẻ càng muốn làm ngược lại mong muốn của bố mẹ.

Hãy cho trẻ học cách tự thi đua với chính mình, trưởng thành hơn so với chính mình, chứ không phải so với những đứa trẻ xung quanh.

10. 'Chỉ biết chơi, học hành thì không ra gì'

Cách giáo dục tốt nhất dành cho trẻ chính là vừa học vừa chơi.

Hãy tạo cho trẻ một môi trường học tập đầy đam mê và hứng thú, thoải mái và vui vẻ. Vừa học vừa chơi sẽ giúp trẻ có nhiều động lực hơn, trẻ sẽ tiếp thu tốt hơn và hào hứng hơn trong việc học.

Lam/giadinhmoi.vn

Tin liên quan