Gia Đình Mới xin giới thiệu bài viết về chủ đề này của Facebooker Nguyễn Thu Hằng, một bác sĩ đang sống và làm việc tại Pháp.
Với nickname Mẹ Luti, chị có rất nhiều bài viết hữu ích trên các diễn đàn mạng về chủ đề chăm sóc và nuôi dạy con.
Hôm qua sau bài viết học lệch thì có hai bạn mình rất yêu quý nhắn tin kể chuyện vì sao lại thích bài tuyên truyền không cần học tốt môn văn và các môn văn hoá cơ bản, các môn nghệ thuật... của anh Bảo.
Sáng nay mình có chút trao đổi riêng với hai bạn đó, giờ lọ mọ ngồi lọc hết thông tin cá nhân để mọi người cùng đọc.
1- Chuyện ép học và điểm số
Mình ở vào nhóm cha mẹ không bao giờ ép con học hành, cũng không quá mức quan tâm chuyện điểm số, mình quan tâm chủ yếu đến niềm vui học hành của con, cuộc sống của con ở trường với thầy cô, bè bạn như thế nào; xem con mình nhận thức được gì ở trong việc học hành, vượt qua khó khăn như thế nào …
Mình viết là không quá mức quan tâm đến điểm số là bởi vì mình thấy ở bất cứ nơi nào khi hệ thống chấm điểm còn tồn tại, thì trẻ con vẫn ít nhiều quan tâm đến điểm số đấy các bạn ạ. Chỉ khác nhau ở mức độ quan tâm thôi.
Nhiều đứa trẻ vui mừng khi được điểm tốt chả khác gì người lớn đi làm giỏi mà được tăng lương, thưởng… đâu.
Và cũng rất nhiều đứa trẻ buồn khổ, hẫng hụt khi bị điểm kém.
Và giữa bọn trẻ với nhau, dù có thoải mái thế nào chăng nữa thì giữa chúng vẫn có những giây phút cạnh tranh, những lúc chạnh lòng, buồn khổ khi bạn có điểm cao hơn mình.
Và riêng ở Pháp, thì bộ hồ sơ của hơn một năm học cuối cùng vẫn là điểm khởi đầu cho việc bọn trẻ có được vào các trường tốt hay không.
Vì vậy, điểm số, một khi nó vẫn còn tồn tại, thì vẫn đóng vai trò khá quan trọng trong con đường học tập của một đứa trẻ, mình thấy thế.
Và nhà mình vẫn quan tâm, chúc mừng con khi con được điểm tốt (đặc biệt nếu là điểm do con rất cố gắng để đạt được), chia sẻ với con khi con bị điểm kém...
Chỉ là không lấy đó làm mục tiêu sống còn, bắt buộc phải phấn đấu, không dùng điểm số để thưởng phạt nọ kia một cách thái quá, khoe khoang hoặc chửi mắng hoặc bêu xấu con loạn xị lên thôi...
Mình chỉ phản đối chuyện điểm số đạt được một cách quá dễ dàng, hời hợt, kiểu như cho bài văn mẫu học thuộc rồi cho điểm giỏi, hoặc luyện văn, luyện toán mòn đít ra rồi sau đó thi đúng bài đó, và được điểm xuất sắc.
Để rồi một lớp học có đến chín chục phần trăm học sinh giỏi...
Từ cả chục năm nay, mình vẫn luôn chống lại những ‘vinh quang giả tạo’ như thế.
Con mình thế nào, trình độ thế nào, thì hãy để con được sống thật với trình độ đó thì mới có thể tiến bộ được chứ đúng không ?
2 - Khi con không thích học môn nào đó thì phải làm sao ?
Mình nghĩ không chỉ riêng các cha mẹ ở VN đâu mà là cha mẹ ở nhiều nơi trên thế giới đều có những lúc đau đầu vì câu hỏi này.
Ví dụ ở Pháp, những gì giảng dạy ở trường học vẫn còn rất ‘hàn lâm’, nhiều lý thuyết, nhiều thứ phải học, cũng nặng nề phết đấy.
Và trẻ con, rất tiếc không phải đứa nào cũng có thể giỏi toàn diện.
Thêm nữa, chắc mọi người cũng đều biết rằng yêu thích môn học nào đó hay không, nhiều khi còn phụ thuộc vào việc đứa trẻ có yêu thích thầy cô giáo dạy môn đó không, có hợp với cách giảng dạy của thầy cô môn đó không nữa cơ, đúng không ?
Vì vậy mình nghĩ cha mẹ cần hiểu con mình để giúp đỡ con vượt qua khó khăn. Nhiều lúc đứa trẻ chỉ cần được cha mẹ hiểu là nó đã có thể tự tìm ra cách rồi đó.
Với con mình, sau khi đã tìm một số cách khác nhau mà con vẫn không muốn học môn nào đó thì mình vừa khuyên vừa yêu cầu con, rằng kiểu gì cũng phải học để được điểm trung bình.
Và lần nào mình cũng hay tròng thêm câu đùa, là được điểm trung bình trở lên cho khỏi mất danh dự chứ con.
Và cho đến bây giờ con mình chưa bao giờ bỏ hẳn môn nào, môn nào con cũng vẫn cứu được danh dự.
Hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh cũng góp phần làm cho ý niệm về giá trị bản thân của đứa trẻ được tăng lên đấy các bạn ạ.
3 - Học một môn mình không thích, cũng là học cách vượt qua thử thách của cuộc sống.
Chắc các bạn đều đồng ý với mình, là trong cuộc sống này, chúng ta thường phải làm rất nhiều việc mà chúng ta không thích hoặc chỉ thích tí ti.
Muốn không bị / phải bỏ cuộc, sớm đầu hàng cuộc sống, không bị nhụt trí trước khó khăn, muốn thích ứng được với nhiều hoàn cảnh…thì nên để con tập luyện đối mặt với khó khăn, và lâu lâu vẫn phải làm những việc mà con không thích.
Và mình đã luôn nói với con mình rằng, học một môn mà con không thích, làm một việc gì đó mà con không thích trong quá trình học tập, chính là một cơ hội để con học cách vượt qua thử thách, vượt khó khăn. Và sự gò ép đến một mức nào đó, đôi khi cũng là cơ hội tốt để con trưởng thành...
Mình luôn dạy con rằng không bao giờ chấp nhận đầu hàng khi chưa thử cách này cách nọ.
(Hồi con còn bé, lâu lâu hai mẹ con vẫn động viên nhau bằng câu hát trong một bộ phim rất ngộ xem trên vô tuyến " là lá lá la la, bao khó khăn vượt qua..." )
4 - Cuộc sống/ nhu cầu thị trường làm việc/ nhu cầu và sở thích của mỗi người đều có thể thay đổi.
Vì vậy học biết được nhiều thứ, nghĩa là có nền cơ bản tốt, là cơ sở để đảm bảo cho sự thích ứng của mỗi người trước sự thay đổi hoàn cảnh sống, sự phát triển của xã hội hoặc theo sự thay đổi sở thích của bản thân.
Xã hội bây giờ luôn đi quá nhanh, vì vậy không chuẩn bị có thể rồi sẽ ‘chết’.
Ví dụ :
Bên này các trường kĩ sư thường được xếp vào hệ ‘Ecole’, tức là hệ cao hơn trường đại học bình thường một tý. Và vì là ecole, nên họ thường được tự quyết định chương trình giảng dạy riêng biệt hơn so với đại học bình thường.
Ngày trước rất nhiều trường kĩ sư từ năm thứ ba đã bắt đầu chuyên ngành hoá một cách rất độc lập riêng rẽ.
Từ khoảng 7-8 năm trở lại đây thì nhiều trường đã thay đổi một ít trong phân bổ môn học. Giờ đây, tụi sinh viên năm thứ ba trường kĩ sư vẫn phải cong đít học về các môn khoa học khác chuyên ngành chúng lựa chọn.
Mục tiêu của những trường này là chuẩn bị sẵn cho sinh viên cái nền, sau này ra đời khi cần thay đổi, chuyển việc từ chuyên ngành nọ sang chuyên ngành kia thì chỉ cần học thêm tý là có thể chuyển được;
Việc thay đổi phân bổ môn học đã và sẽ cho ra đời thế hệ kĩ sư ‘đa khoa’ cộng thêm chuyên ngành chính.
Thế hệ này đã và sẽ đáp ứng được sự uyển chuyển, sự thay đổi nhanh chóng của nhu cầu thị trường lao động trong thời buổi hiện nay, và đáp ứng được sự thay đổi của các sở thích cá nhân…
Mình đi làm việc thiện nguyện giúp đỡ các gia đình khó khăn đã nhiều năm. Lâu lâu cũng phải giúp cha mẹ của các gia đình đó tìm lại việc làm.
Nỗi khổ nhất, khó khăn nhất của những người đang, hoặc chuẩn bị thất nghiệp, là khó học và khó chấp nhận sự chuyển đổi công việc.
Ở Pháp để đi đào tạo lại là một việc cũng dễ thực hiện vì thường được trợ giúp rất nhiều.
Nhưng không phải ai cũng làm được điều này đâu vì nếu chỉ chăm chăm học một thứ, đến khi cần thì hổng hết mọi bề, khó thay đổi, và sợ thay đổi lắm.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng
5- Sự chăm chỉ luôn là một trong các yếu tố quyết định thành công của một người.
Mình làm việc ở khu vực là một một trong những quận tập trung nhiều tinh hoa của Paris. Lâu lâu lại có bệnh nhân là người nổi tiếng giỏi giang trong một lĩnh vực nào đó.
Một trong những ưu điểm nổi bật của những người này là chăm chỉ và cần mẫn tột độ.
Họ thường làm việc mười mấy giờ một ngày, về hưu vào tuổi bẩy mươi mấy. Về hưu rồi nhiều người vẫn còn cống hiến cho xã hội bằng cách đi làm thiện nguyện, tham gia các hiệp hội này kia...
Họ thường có rất nhiều năng lượng, nhiều kinh nghiệm sống...
Cách đây vài năm mình có ông bệnh nhân là một kiến trúc sư rất nổi tiếng của Pháp, ông hơn 100 tuổi mà tuần nào cũng vẫn chống gậy, bắt con trai ông qua đón đến văn phòng kiến trúc xưa kia của ông hai lần để dạy thêm cho mấy người trẻ.
Ông ấy có cuộc sống cực kì phong phú, vui vẻ, con cái cũng rất đáng yêu và giỏi giang. Ông chỉ thực sự chỉ ở yên một chỗ đọc sách, xem tin tức ba tháng trước khi mất, vào năm 102 tuổi.
Trong gia đình mình, bọn mình đánh giá rất cao tính chăm chỉ làm việc và cách con mình vượt qua khó khăn.
6 - Việc con tự do lựa chọn, tự quyết định môn học của con rất KHÁC với việc cha mẹ bảo con thế.
Vậy câu hỏi lúc nào thì con có đủ năng lực để tự do lựa chọn là câu hỏi rất quan trọng.
Và bạn bãy luôn nhớ, một đứa trẻ được sống trong tự do sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Nhưng một đứa trẻ không phải chịu bất cứ sự gò ép nào, hoặc rất ít sự gò ép, rất dễ trở thành một đứa vô kỉ luật, không biết tôn trọng luật lệ, nội quy, tôn trọng cuộc sống.
Và nó cũng có thể trở thành đứa trẻ rất ích kỉ, không biết chờ đợi, không biết vượt qua hẫng hụt, đau khổ, thử thách....
Mình nghĩ trừ một số siêu tài, còn lại đa phần bọn trẻ chưa đủ kinh nghiệm, sự hiểu biết về bản thân, chưa hiểu hết các môn học, các kiến thức trong cuộc đời.... nên cách an toàn và mềm dẻo nhất, theo mình là cách trao cho con cái nền cơ bản các bạn ạ.
Bây giờ bạn định hướng cho con đi học nghành kinh tế, ngân hàng, kinh doanh hay gì đó, và bạn bảo con chỉ cần học lên lớp, học giỏi tiếng anh, và biết đọc sách là đủ, nhưng đến năm 18 tuổi hoặc sau đó, con bạn muốn đi học nghề khác thì sao ? Lúc đó bạn tính thế nào ?
Mình vẫn luôn nghĩ rằng, việc của cha mẹ là chuẩn bị cho con đến một ngày nào đó có thể bước vào đời, một mình đối mặt với cuộc sống một cách vững vàng, tự tin và thanh thản nhất có thể được .
Và con đường chuẩn bị này rất dài.
Vì vậy, mỗi quyết định, mỗi việc làm liên quan đến việc nuôi dưỡng và giáo dục con của cha mẹ vào ngày con còn nhỏ đều không thể hồ đồ, không thể chủ quan, chắc các bạn cũng đồng ý với mình.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Cha mẹ nên làm gì khi con ‘học lệch’, chỉ học những môn mình thích? tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].