PGS.TS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia cho biết, có khoảng hơn 50% số trẻ đến khám về dinh dưỡng gặp phải tình trạng táo bón.
Đây là triệu chứng thường hay gặp ở trẻ em với biểu hiện dễ nhận thấy thông qua việc giảm số lần đại tiện bình thường, khó và đau khi đại tiện do phân rắn hoặc quá to.
Trẻ được coi là bị táo bón nếu dưới 2 lần đại tiện/ngày đối với trẻ sơ sinh, dưới 3 lần đại tiện/tuần (trên 2 ngày/lần) với trẻ đang bú mẹ, dưới 2 lần đại tiện/tuần (trên 3 ngày /lần) với trẻ lớn.
PGS Lê Bạch Mai cho biết, táo bón nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như trẻ biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, chướng bụng, đầy hơi, ăn khó tiêu, nôn trớ…
Nguy hiểm hơn nữa là những chất độc trong phân cần được thải ra ngoài hàng ngày bị tích lại trong ruột có thể bị hấp thu trở lại trong máu gây hại cho sức khoẻ của trẻ. Bị sa trực tràng do rặn và ngồi chờ lâu, chảy máu trực tràng do phân quá rắn.
Đồng quan điểm đó, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ, táo bón là hiện tượng hay gặp ở trẻ nhỏ.
Khi bị táo bón, phân ứ đọng lại trong ruột, đồng nghĩa với việc sẽ ứ đọng lại chất độc trong cơ thể, làm trẻ bị khó chịu, đau bụng, khó tiêu, khó hấp thu thức ăn mới dẫn đến trẻ bị chán ăn. Khi trẻ chán ăn, không ăn đủ chất dinh dưỡng thì dẫn tới suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, tình trạng táo bón còn làm cho trẻ bị nứt kẽ hậu môn khi đi đại tiện, tình trạng táo bón kéo dài sau có thể bị bệnh trĩ… Táo bón làm trẻ bị đau khi đi ngoài, sợ đau nên trẻ nhịn đi tiêu, mà nhịn đi ngoài lại làm tình trạng táo bón thêm nặng nề hơn, tạo thành vòng luẩn quẩn, gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Các chuyên gia cũng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón của trẻ, trong đó có chế độ ăn uống, sinh hoạt. Việc trẻ uống ít nước dẫn đến thiếu nước, ăn quá nhiều chất đạm, ít chất xơ do ăn ít rau xanh, quả chín, pha sữa quá đặc, ăn chưa đúng về số lượng hàng ngày… là những thói quen xấu dễ gây táo bón ở trẻ.
Khi trẻ bị táo bón, tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh mà có những cách xử trí thích hợp. Tại buổi hội thảo chia sẻ “Tầm quan trọng của chất xơ đối với hệ tiêu hóa của trẻ” do Công ty Cổ phần Dược phẩm Minh Hà tổ chức, PGS Nguyễn Tiến Dũng và PGS Lê Bạch Mai khuyến cáo, bổ sung chất xơ là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp trẻ nhanh thoát khỏi tình trạng táo bón.
Cha mẹ có thể bổ sung chất xơ cho con trẻ bằng cách cho trẻ ăn nhiều rau xanh và quả chín, chọn các loại rau có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, rau hẹ, mồng tơi, rau dền thái nhỏ nấu canh, luộc rau cho trẻ ăn trước đối với trẻ lớn hoặc khoai lang củ luộc hoặc hấp cho trẻ ăn. Khi nấu bột và cháo, phải băm nhỏ rau cho trẻ ăn cả cái đối với trẻ nhỏ.
Cho trẻ ăn các loại quả như: bưởi, cam, quýt (tốt hơn nếu ăn cả múi), thanh long, chuối tiêu, đu đủ… để cải thiện tình trạng táo bón. Khi trẻ đã bị táo bón không nên ăn cà rốt, hồng xiêm...
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể tác động bên ngoài bằng cách xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải sang trái ngày 3 - 4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa để kích thích làm tăng nhu động ruột.
Tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ quy định, chọn thời gian lúc nào trẻ không vội vã, thường nên chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột hoạt động tăng, nên tránh bắt trẻ ngồi bô hoặc ngồi bồn cầu quá lâu.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tăng cường chất xơ cho trẻ qua các sản phẩm bổ sung chất xơ. Tuy nhiên, cần đưa trẻ đi thăm khám và sử dụng theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng và nhi khoa.