Nghị định 76/2019 NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 08/10/2019 có những quy định mới về các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương trong Lực lượng vũ trang làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Theo đó, Nghị định quy định các vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, gồm:
a) Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;
b) Các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
c) Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Các chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức công tác tại vùng khó khăn, gồm:
1. Hưởng phụ cấp thu hút:
Cán bộ, công chức, viên chức khi làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng phụ cấp thu hút với thời gian thực tế làm việc không quá 60 tháng (05 năm). Mức hưởng tính theo công thức:
Phụ cấp thu hút = 70% (mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên, nếu có)
2. Hưởng phụ cấp công tác lâu năm:
Bên cạnh phụ cấp thu hút, cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn còn được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc tại đây, cụ thể:
- Mức 0,5 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 05 năm - dưới 10 năm.
- Mức 0,7 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 10 năm - dưới 15 năm.
- Mức 1,0 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 15 năm trở lên.
Nếu tính theo mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng, mức phụ cấp công tác lâu năm dao động từ 745.000 đồng/tháng đến 1,49 triệu đồng/tháng.
3. Hưởng trợ cấp lần đầu khi nhận công tác:
Trước đây nếu muốn được trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng đặc biệt khó khăn thì nam phải đến làm việc từ 05 năm trở lên, nữ từ 03 năm trở lên. Hiện nay, khoản trợ cấp này được chi trả ngay khi nhận công tác và chỉ thực hiện 01 lần trong tổng thời gian thực tế làm việc.
Theo đó, mức hưởng trợ cấp bằng 10 tháng lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng nên nếu cán bộ, công chức, viên chức đến công tác lần đầu tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được nhận ngay mức trợ cấp là 14,9 triệu đồng.
Trong trường hợp có gia đình cùng đến theo cán bộ, công chức thì ngoài khoản trợ cấp lần đầu kia, còn được trợ cấp:
- Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình theo thực tế;
- Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.
4. Hưởng trợ cấp tiền mua, vận chuyển nước ngọt
So với quy định chung chung trước đây, hiện nay việc trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, sạch đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn về căn cứ, cách tính và điều kiện để được hưởng trợ cấp mua và vận chuyển nước ngọt.
Theo đó, khi không có nước ngọt và sạch hoặc có nhưng không đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt từ 01 tháng liên tục trở lên trong năm thì được trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt sau khi trừ đi phần chi phí nước ngọt sinh hoạt tính trong lương:
Mức trợ cấp được hưởng 01 tháng: a x (c - d).
Mức trợ cấp được hưởng trong 01 năm: a x (c - d) x b.
Trong đó:
a: Định mức tiêu chuẩn: 06 m³/người/tháng;
b: Số tháng thực tế thiếu nước ngọt và sạch trong 01 năm;
c: Chi phí mua và vận chuyển 01m³ nước ngọt và sạch đến nơi ở và nơi làm việc của cán bộ, công chức;
d: Giá nước ngọt và sạch - giá kinh doanh 01 m³ nước sạch.
5. Hưởng trợ cấp khi chuyển công tác, nghỉ hưu
Nếu cán bộ, công chức nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thôi hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp kể từ ngày nghỉ hưu. Tuy nhiên, nếu có thời gian công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên thì vẫn được hưởng trợ cấp 01 lần.
- Mức hưởng trợ cấp được tính theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn: Mỗi năm công tác tại đây được trợ cấp bằng ½ mức lương tháng hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ, lãnh đạo, thâm niên vượt khung (nếu có) tại thời điểm nghỉ hưu;
- Do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trả lương trước khi nghỉ hưu chi trả.
6. Được thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ việc riêng
Trong thời gian làm việc tại nơi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được thanh toán tiền tàu xe đi, về với gia đình ngoài tiền lương được hưởng trong các dịp nghỉ hàng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng.
7. Được hỗ trợ học phí khi đi học bồi dưỡng nghiệp vụ
Nếu cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng đặc biệt khó khăn được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm thì được hỗ trợ:
- Tiền mua tài liệu học tập;
- Hỗ trợ 100% tiền học phí, chi phí đi lại từ nơi làm việc đến nơi học tập;
Đặc biệt: Nếu công tác tại vùng dân tộc ít người tự học tiếng dân tộc để phục vụ nhiệm vụ được giao thì được hỗ trợ tiền mua tài liệu và tiền bồi dưỡng cho việc tự học. Số tiền hỗ trợ này bằng mức hỗ trợ cho việc học tập ở các trường, lớp chính quy.
8. Hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề
Có 03 nhóm đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề gồm:
- Công chức, viên chức và người lao động là nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
- Công chức, viên chức và người lao động trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế tại Trạm y tế cấp xã; Nhà hộ sinh; Trung tâm y tế; Bệnh viện và các cơ sở y tế khác từ cấp xã trở lên…
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng, nhân viên quân y trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các Trạm y tế kết hợp quân dân y.
Trong đó: Mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
9. 2 khoản phụ cấp dành riêng cho giáo viên
Đối tượng giáo viên luôn là đối tượng được quan tâm trong xã hội. Ngoài những phụ cấp nêu trên, nếu giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn thì còn được hưởng 02 khoản phụ cấp nữa là phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số.
Phụ cấp lưu động
Nếu nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục buộc phải đi lại thường xuyên giữa các thôn thì còn được hưởng phụ cấp lưu động là 0,2 so với mức lương cơ sở.
Tính từ 01/7/2019 khi mức lương cơ sở tăng lên 1,49 triệu đồng thì mức hưởng phụ cấp lưu động là 298.000 đồng.
Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số
Bên cạnh phụ cấp lưu động nếu nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số sẽ được hưởng phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số với mức hưởng là 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Trên đây là 9 loại phụ cấp, trợ cấp dành cho những cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng kinh tế xã hội khó khăn. Nghị định bắt đầu có hiệu lực từ 1/12/2019.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Từ 1/12/2019, giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn được trợ cấp 10 tháng lương tại chuyên mục Chính sách của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].