Lương giáo viên gắn với trình độ đào tạo, vị trí việc làm
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT chia sẻ, từ năm 2010, theo quy định của Luật Viên chức, cách trả lương giáo viên là theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng.
Các giáo viên mới vào ngành đều chưa đủ tiêu chuẩn để ở hạng chức danh khác, ngoài chức danh thấp nhất. Do đó, mức lương nhận được tương ứng cũng là mức thấp nhất.
Luật Giáo dục năm 2019, bảng lương giáo viên trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi đáng kể. Bậc lương sẽ gắn với trình độ đào tạo và gắn với hệ thống thang bậc lương chung nhưng có phụ cấp ưu đãi nghề.
Giáo viên có năng lực, trình độ, chuyên môn cao sẽ được hưởng phụ cấp theo đúng giá trị của mình. Không còn tình trạng cứ nhiều tuổi hơn thì phụ cấp được nhiều hơn mà lương giáo viên sẽ được trả theo vị trí việc làm, đặc thù cống hiến.
Dự kiến cách tính lương mới giáo viên sẽ không còn khái niệm lương cơ bản mà sẽ là lượng tiền khởi động ban đầu có một mức, sau đó quy ra các mức cao hơn. Cách đưa ra bậc lương ban đầu bằng lượng tiền cùng các hệ số và được nâng lên bởi trình độ đào tạo.
Từ đó, lương giáo viên, đặc biệt bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được nâng lên so với hệ thống hiện nay, nhất là với đội ngũ giáo viên mới vào nghề.
Về phụ cấp ưu đãi, chúng tôi đang cố gắng bảo vệ mức phụ cấp ưu đãi cho ngành Giáo dục ở mức cao nhất là 30% như theo dự kiến hiện nay. Bảo vệ quan điểm này từ đặc thù nghề nghiệp, khó khăn phức tạp trong nghề nghiệp một cách khoa học, logic, chứ không phải theo mong đợi cảm tính.
Với cách tính đó, hy vọng sẽ có một hệ thống lương để thu nhập của GV cao hơn so với hiện nay và cũng giải quyết được những bất cập cho những GV mới vào ngành khi hệ số lương như hiện tại là quá thấp.
Bỏ phụ cấp thâm niên, thêm phụ cấp ưu đãi nghề
Ông Minh cũng cho biết, ngoài bậc lương thì tất cả các phụ cấp khác sẽ theo đúng giá trị giáo viên mang lại cho xã hội. Thời gian tới, phụ cấp thâm niên sẽ bị xóa bỏ. Phụ cấp này đang là nguyên nhân phân cấp giữa giáo viên cao tuổi và giáo viên trẻ.
Khi bỏ phụ cấp thâm niên, cũng có nghĩa sẽ xóa được khoảng cách lương giữa người giáo viên lâu năm và giáo viên trẻ, hoặc khoảng cách sẽ được rút ngắn thông qua cơ cấu của phụ cấp ưu đãi. Điều này không làm ảnh hưởng đến lương của người làm lâu năm nhưng những người mới vào với lộ trình 10 năm đầu sẽ được đẩy lên tương đối. Rút ngắn đó cũng mang tính logic, hợp lý.
Về tổng thể, có thể tất cả giáo viên đều được nâng lương nhưng sẽ không còn khoảng cách giữa lương của người mới vào ngành và người lâu năm, sẽ giải quyết một số bất cập đang hiện hữu.
Bộ đã xây dựng xong dự thảo và đang trong quá trình tiếp tục chỉnh sửa để chuẩn bị trình lên Thủ tướng vào tháng 9 này.
Việt NhiBạn đang xem bài viết Lương mới của giáo viên: Giáo viên mới ra trường không còn lương 2,5 - 3 triệu? tại chuyên mục Học đường của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].