Trời lạnh, người bị tăng huyết áp cần làm gì để giữ huyết áp ổn định?

Thời tiết lạnh là yếu tố bất lợi đối với người bị tăng huyết áp. Vậy người bệnh cần làm gì để giữ huyết áp ổn định, không đột ngột tăng cao?

Vì sao trời lạnh dễ gây tăng huyết áp?

Theo các chuyên gia tim mạch, thời tiết lạnh làm cách mạch máu co lại, làm thu hẹp các mạch máu và động mạch. Do đó, cần nhiều áp lực hơn để vận chuyển máu đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, từ đó dẫn đến nguy cơ huyết áp tăng cao.

Huyết áp cũng có thể bị ảnh hưởng do sự thay đổi đột ngột của thời tiết như độ ẩm, áp suất không khí, trời nhiều mây hoặc gió. Sự thay đổi huyết áp do thời tiết thường gặp ở người cao tuổi (người trên 65 tuổi).

Ngoài ra, tình trạng tăng cân và lười vận động trong mùa đông lạnh cũng góp phần làm tăng huyết áp.

Vậy nên, người bị tăng huyết áp cần luôn chú ý lắng nghe cơ thể mình. Khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường như: mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, yếu chi, nói khó, đau tức ngực, mất vận động, mất thị lực thoáng qua... thì phải kiểm tra ngay huyết áp xem có gì bất thường không. Đồng thời báo cho người nhà đưa đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Thời tiết lạnh làm cách mạch máu co lại, làm thu hẹp các mạch máu, động mạch và gây ra tình trạng tăng huyết áp. Ảnh minh họa

Thời tiết lạnh làm cách mạch máu co lại, làm thu hẹp các mạch máu, động mạch và gây ra tình trạng tăng huyết áp. Ảnh minh họa

Người bị tăng huyết áp cần làm gì để giữ huyết áp ổn định trong mùa đông?

1. Giữ ấm cơ thể

Trong những ngày đông lạnh, người bị tăng huyết áp cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh. Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài. Dùng khẩu trang che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh.

Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim... Nếu không có việc cần thiết, người bị tăng huyết áp nên tránh đi ra ngoài trời lạnh, nhất là vào sáng sớm và ban đêm. Nếu không có nhà vệ sinh trong nhà, nên dậy trước, mặc đủ ấm, mở cửa từ từ cho quen với nhiệt độ thấp bên ngoài sau đó mới ra.

Người bệnh không nên thức dậy quá sớm. Bởi sau một đêm nằm tĩnh trên giường, cơ thể thường kém đáp ứng với sự thay đổi bên ngoài, các mạch máu kém đàn hồi hơn và khí huyết lưu thông kém hơn. Nếu dậy quá sớm bước ra ngoài gặp cơn gió lạnh sáng sớm có thể khiến huyết áp tăng cao đột ngột gây tai biến.

2. Giảm cân

Huyết áp thường tăng khi cân nặng tăng lên. Thừa cân cũng có thể gây ra ngưng thở khi ngủ và làm tăng nguy cơ huyết áp tăng cao.

Do đó, giảm cân là một trong những cách thay đổi lối sống hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp. Nếu người bệnh thừa cân hoặc béo phì, giảm dù chỉ một lượng nhỏ cân nặng cũng có thể giúp giảm huyết áp.

Giảm cân giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả. Ảnh minh họa

Giảm cân giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả. Ảnh minh họa

3. Duy trì tập thể dục thường xuyên

Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm huyết áp cao khoảng 5 đến 8 mmHg. Đối với những người bị tăng huyết áp, tập luyện thể dục thường xuyên có thể đưa huyết áp xuống mức an toàn hơn. Do đó, người bị tăng huyết áp nên dành ít nhất 30 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi ngày.

4. Chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn với nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh và các sản phẩm từ sữa ít béo, ít chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm giảm huyết áp cao.

5. Giảm muối trong chế độ ăn uống hàng ngày

Giảm một lượng nhỏ natri trong chế độ ăn uống có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm huyết áp cao khoảng 5 đến 6 mm Hg. Giới hạn natri ở mức 2.300 miligam (mg) mỗi ngày hoặc ít hơn. Tuy nhiên, lượng natri thấp hơn 1.500 mg mỗi ngày hoặc ít hơn là lý tưởng cho hầu hết người lớn.

Cách để giảm natri trong chế độ ăn uống là sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng natri thấp; Ăn ít thực phẩm chế biến sẵn; Hạn chế thêm muối vào đồ ăn, thay vào đó hãy sử dụng các loại thảo mộc hoặc gia vị để tăng thêm hương vị cho thức ăn.

6. Hạn chế rượu bia

Uống nhiều rượu bia làm tăng huyết áp theo thời gian, gây ra nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim) và làm suy tim. Tim không khỏe sẽ khiến tim không thể bơm máu hiệu quả. Ngoài ra, rượu có thể làm tăng chất béo trung tính trong máu, gây thừa cân và béo phì. Nếu người bệnh đang dùng thuốc để điều trị huyết áp cao, hãy lưu ý rằng rượu có thể cản trở hiệu quả của thuốc và còn làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ.

7. Bỏ thuốc lá 

Hút thuốc lá làm tăng huyết áp. Ngừng hút thuốc giúp giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện sức khỏe tổng thể, có thể giúp kéo dài tuổi thọ.

An An

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính