Báo Điện tử Gia đình Mới

Tăng số ca nặng và qua đời do virus Dengue ở khu vực phía Nam

Tại khu vực phía Nam, tính đến nay, số ca bệnh nặng và tử vong do virus Dengue tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Theo báo cáo tại cuộc họp giao ban về tình hình "Phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue khu vực phía Nam" do Viện Pasteur TP.HCM tổ chức, tính đến tuần 16/2022 giảm 23% số ca mắc/100.000 dân so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.  Một số tỉnh/TP nằm trong danh sách tăng nhanh tỉ lệ sốt xuất huyết Dengue nặng gồm: Khu vực Đông Nam Bộ (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương), Tây Nam Bộ (Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang).

Riêng tại TP.HCM, tính đến giữa tháng 4, ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Đây là số liệu báo động vì so sánh với năm 2019, năm Sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021.

Theo ước tính trong các tháng sắp tới dịch sốt xuất huyết Dengue có nguy cơ tăng cao tại TP.HCM. Do đó, Viện Pasteur TP.HCM đã đưa một số các giải pháp cần thực hiện như ra quân chiến dịch diệt lăng quăng đồng loạt và duy trì hàng tuần, phun chủ động/dập dịch khi đủ điều kiện, kiểm tra và giám sát thường xuyên...

  Tăng số ca nặng và qua đời do virus Dengue ở khu vực phía Nam. Ảnh minh họa

Tăng số ca nặng và qua đời do virus Dengue ở khu vực phía Nam. Ảnh minh họa

Bệnh sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong. Trong bối cảnh dịch COVID-19, tử vong do sốt xuất huyết Dengue có khả năng gia tăng khi bệnh nhân thường có tâm lý lo ngại đến bệnh viện dẫn đến việc chậm trễ điều trị.

Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh Sốt xuất huyết Dengue như sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi,... cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và được điều trị kịp thời.

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường loại bỏ ổ chứa nước đọng. Sử dụng bình xịt, hương muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt. 

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO