Thời gian gần đây, BV Nhi đồng Đồng Nai ghi nhận một số ca bệnh nặng đang điều trị do sốc sốt xuất huyết. Điển hình như trường hợp của bé N.N. (11 tuổi ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai) nhập viện từ ngày 3-4 sau khi bị sốt 4 ngày và theo dõi tại nhà.
Người nhà của bé N. chia sẻ rằng, sau khi bé đi học về thấy em sốt cao, gia đình nghĩ là em lây COVID-19 từ bạn học trên trường. Gia đình thực hiện test COVID-19 nhưng kết quả âm tính, em có dùng thuốc điều trị tại phòng khám nhưng vẫn sốt liên tục, kèm theo nôn ói, tiêu chảy.
Sau đó, gia đình cho em nhập viện thì được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Denge nặng và được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực chống độc theo dõi. Sau 2 ngày, em có giảm sốt, chỉ uống được chút ít sữa, phải thở máy, theo dõi tại khoa.
Theo ThS.BS Phạm Thị Kiều Trang, Phụ trách khoa Hồi sức tích cực chống độc - BV Nhi đồng Đồng Nai, sốt xuất huyết và COVID-19 là 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đều do vi rút gây ra với một số triệu chứng ban đầu giống nhau, có thể nhầm lẫn như: sốt, đau đầu, đau mỏi người…
Triệu chứng phổ biến của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nếu diễn tiến nặng sẽ có triệu chứng ngủ li bì, hạ đường huyết… dẫn đến sốc, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan.
Do đó khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán, điều trị, tuyệt đối không tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao. Thời tiết chuẩn bị bước vào mùa mưa, nếu người dân không dọn sạch các vật dụng đọng nước, đậy kín lu chứa nước, vệ sinh môi trường thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, kéo theo nhiều ca bệnh sốt xuất huyết xuất hiện.
Do đó, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, người dân cần dọn dẹp sạch sẽ, tạo không gian thoáng đãng ở nơi làm việc, sinh sống từ trong nhà đến xung quanh nhà; không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi (lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối… để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng). Người dân có thể sử dụng bình xịt, thuốc xịt hoặc thoa để xua muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
An AnBạn đang xem bài viết Nhiều trẻ sốc sốt xuất huyết nặng do nhầm với COVID, dấu hiệu nào để phân biệt? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].