Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Phác họa chân dung phụ nữ hiện đại trong xã hội thời 4.0

Phụ nữ chiếm 27,3% trong Quốc hội và được Liên Hiệp Quốc đánh giá phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới.

Phác họa chân dung phụ nữ hiện đại trong xã hội thời 4.0 0

Những biến đổi lớn về kinh tế- xã hội và chân dung người phụ nữ hiện đại qua phân tích Xã hội học

Thế giới toàn cầu hóa, xã hội đa văn hóa, cách mạng 4.0 - 5.0 là những quy luật không thể đảo ngược và đang là những khái niệm phổ biến trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI ở Việt Nam.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên toàn cầu và được dự báo đem lại thay đổi đột phá cho nhân loại. Sự phát triển nhanh chóng này kéo theo việc gia tăng đột biến nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Công nghệ và Thông tin.

Theo Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), 97% các nghề nghiệp trong tương lai sẽ đòi hỏi kỹ năng số, nếu phụ nữ không trang bị cho mình kỹ năng này sẽ rất có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn có nhiều quan niệm cho rằng nguồn lực chính trong công nghệ thông tin là nam giới, trong khi phụ nữ đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng, thậm chí còn có khả năng thể hiện vai trò tiên phong trong lĩnh vực này.

Theo thống kê của Tổng cục thống kê thì: Phụ nữ chiếm gần 50% trong dân số, 51% lực lượng lao động ở Việt Nam. Lao động nữ của cả nước là 26,2 triệu người, trong đó khoảng 44% đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Phụ nữ ở nông thôn vẫn đóng vai trò chính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tới  63,4% so với 57,5% nam giới (Tổng cục thống kê, 2016).

Trong bộ máy quản lý Nhà nước, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng, chiếm 27,3% trong Quốc hội và được Liên Hiệp Quốc đánh giá là: Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới. Nhiều đại biểu phụ nữ đã có những đóng góp thiết thực và mang tính trí tuệ cao cho các kế hoạch phát triển đất nước.

Giáo dục là một ngành hoạt động cơ bản của Việt Nam trong nền kinh tế trí thức để đào tạo ra tầng lớp trí thức, tinh hoa của đất nước. Theo thống kê, số lượng nữ sinh theo học tại bậc trung học phổ thông là 53,8%. Đây là tỷ lệ rất cao trong khu vực và vượt nhiều nước có kinh tế phát triển hơn. Tuy nhiên, càng lên cao, tỷ lệ phụ nữ càng xuống thấp. Chẳng hạn, tỷ lệ nữ sinh viên tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ 33,95%, tiến sĩ 25,96%.  

Năm 2018, Hội đồng chức danh giáo sư đã công bố chức danh giáo sư, phó giáo sư cho 1.131 nhà giáo năm 2017, trong đó có 7 nữ giáo sư và 323 nữ phó giáo sư, chiếm gần 29.2% tổng số. Đây là đợt phong tặng có tỷ lệ nữ cao nhất từ trước đến nay, tăng 1.16% so với đợt phong tặng năm 2016. Tính tới nay, cả nước đã có 1.610 phụ nữ được phong tặng giáo sư, phó giáo sư trong đó có 111 giáo sư và 1.499 phó giáo sư. (Tài liệu của Hội đồng chức danh giáo sư, 2018).

Ngoài ra có rất nhiều nữ học sinh, sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia và quốc tế. 19 nữ Anh hùng lao động, và nhiều Giải thưởng Kovalépscaia. Nhiều nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân. Ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế  nơi có hơn 60% phụ nữ tham gia  từng có nhiều nữ bộ trưởng,  thứ trưởng, và nhiều phụ nữ làm cán bộ quản lý các cấp Vụ, Viện, Sở, Phòng, Ban, các trường và các đơn vị.

Phác họa chân dung phụ nữ hiện đại trong xã hội thời 4.0 1

Phụ nữ còn tham gia tích cực trong các hoạt động lao động cao cấp khác. Với tỷ lệ 41,85%, cán bộ nữ làm công tác đối ngoại đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong tất cả các hoạt động của Bộ Ngoại giao. Trong lĩnh vực doanh nghiệp và doanh nhân, phụ nữ Việt Nam với truyền thống tần tảo, buôn bán và sản xuất nhỏ đã có cơ hội để phát triển. Phụ nữ chiếm tới 31% -32% các chủ doanh nghiệp trong nước và quốc tế (Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam- VCCI, 2018).

Có những phụ nữ đầu tư vào các ngành công nghiệp nặng như làm đường tại huyện Mường Tè, Lai Châu đạt danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới. Có những phụ nữ làm chủ tập đoàn sữa, hàng không, cà phê  nổi tiếng giàu có.

Phụ nữ còn là những nhà báo, thẩm phán, luật sư, nhà hoạt động nghệ thuật, cầu thủ bóng đá, bơi lội, thể hình, thể dục dụng cụ nổi tiếng. Ở lĩnh vực nào cũng có những người phụ nữ xuất sắc được xã hội tôn vinh và ngưỡng mộ.

Hình ảnh phổ biến của phụ nữ đầu thế kỷ XXI đã có những thay đổi tích cực với chân dung đa dạng. Họ là những những người khỏe mạnh về thể chất, thông minh, tự tin, thời trang, duyên dáng không thua kém phụ nữ khu vực và quốc tế. Nói đến phụ nữ Việt Nam, nhiều chuyên gia nước ngoài đã thán phục vì họ là những anh hùng thời chiến tranh bảo vệ tổ quốc và nay lại là những anh hùng trong thời bình, thời Cách mạng 4.0.

Với những đóng góp to lớn của mình, phụ nữ không chỉ là phái đẹp mà còn là phái mạnh. Họ không hề “yếu” như một số người từng nghĩ. Kiến thức và địa vị xã hội giúp phụ nữ trở thành phái mạnh, còn đạo đức và văn hóa ứng xử giúp phụ nữ trở thành phái đẹp.

Nếu so sánh với đầu thế kỷ XX thì một thế kỷ qua, phụ nữ Việt Nam đã có những bước tiến vĩ đại, khắc họa chân dung của giới mình rực rỡ trong sự phát triển chung.

Cơ hội và thách thức với phụ nữ trong Cách mạng 4.0

Thời kỳ mới đã đặt ra những cơ hội và thách thức to lớn với phụ nữ Việt Nam. Trong xã hội đang biến đổi như vậy cùng với nam giới phụ nữ cũng biến đổi nhưng những biến đổi này có những nét giống và cũng có những nét khác biệt.

Cơ hội cho phụ nữ

Chưa bao giờ phụ nữ Việt Nam có những cơ hội phát triển tự do như bây giờ. Hiến pháp 1946 và 1960 đã là cơ sở cho việc xóa bỏ các hủ tục khắt khe của chế độ phong kiến đối với phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới ở mọi lĩnh vực từ gia đình đến xã hội, làm thay đổi các cơ sở kinh tế, các quan niệm về đạo đức, phong tục, tập quán theo phụ quyền và đặc biệt làm thay đổi thân phận và địa vị của phụ nữ.

Nhìn chung phụ nữ được tự do lựa chọn nghề nghiệp, được sử dụng thành quả của khoa học kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là tin học, được nâng cao kiến thức, có kinh tế độc lập và được nâng cao địa vị trong gia đình và xã hội, được pháp luật bảo vệ, đó là các luật Hôn nhân và Gia đình, luật Bình đẳng giới, luật Phòng chống bạo lực gia đình và các luật khác.

Ngày 29/7/1980 Việt Nam đã ký Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (The Convention on the Elimination of all Forms of Discrimination against Women – CEDAW).

Có thể nói, CEDAW vào Việt Nam không gặp nhiều trở ngại lớn. Bởi lẽ vấn đề bình đẳng giới  không phải là vấn đề hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam. Nói một cách khác, Việt Nam có sẵn cơ sở kinh tế - xã hội thuận lợi cho việc tiếp nhận CEDAW. Từ năm 1995 đến nay, mặc dù là nước kinh tế nghèo đến trung bình thấp của thế giới, Việt Nam cũng được LHQ xếp hàng trung bình theo chỉ số phát triển giới (Gender Development Index- GDI).

Phác họa chân dung phụ nữ hiện đại trong xã hội thời 4.0 2

Thách thức:

Việt Nam vốn được xem là một trong những điểm đến thu hút đầu tư với ưu đãi là nguồn lao động giá rẻ với hơn 90% lao động trong độ tuổi dưới 40.

Trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn lao động thôi là chưa đủ mà phải đi kèm với chất lượng cao.

Tuy nhiên đối với phụ nữ, cơ hội để nâng cao kiến thức là khó hơn nam giới. Những thách thức phổ biến trong xã hội hiện đại đối với phụ nữ giống như những dây xích kéo lùi sự phát triển của họ.

- Thách thức đầu tiên là sự cách biệt trên vấn đề cống hiến và hưởng thụ giữa nam và nữ. Giống như phụ nữ của nhiều nước trên thế giới, cường độ lao động, thời gian, hình thức lao động của phụ nữ Việt Nam có chênh lệch lớn so với nam giới. Các cuộc điều tra Xã hội học trên toàn quốc đã đưa ra những chỉ báo đáng chú ý: Phụ nữ đã lao động rất vất vả trên cả hai phương diện, xã hội và gia đình.

Ngoài xã hội, họ phải lao động giống như nam giới, còn ở nhà họ phải gánh trách nhiệm chính. Họ được khoác rất nhiều chức năng: làm vợ, làm mẹ, người cấp dưỡng, tiếp phẩm, thủ quỹ, thợ giặt, người lau dọn nhà cửa, người trông trẻ, cô giáo, thầy thuốc gia đình…

Những công việc tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya đã hút kiệt sức lực và thời gian của phụ nữ khiến họ còn rất ít khoặc không có thời gian để nghỉ ngơi, cơ hội để học tập và hưởng thụ văn hoá.

Đây là những thách thức từ “thiên chức” mang thai, sinh con và cho bú bằng sữa mẹ cộng với thách thức từ “xã hội chức”: Chăm sóc chồng con và các thành viên khác trong gia đình, nội trợ. Điều này làm sự cách biệt trình độ học vấn giữa nam và nữ càng tăng lên.

Hiện nay vẫn còn tồn tại những khoảng cách (đôi khi còn khá xa) giữa luật pháp và thực tế. Theo một báo cáo của Ban Tuyên giáo thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam năm 1998 thì trong hơn 10 năm thực hiện Luật Hôn nhân gia đình, có nhiều điều luật gần như không được áp dụng trên thực tế. Đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Việc thực hiện luật ở Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi mà tư tưởng: “Sống và làm việc theo pháp luật" vẫn chưa được cán bộ và người dân thi hành nghiêm túc (Lê Thị Quý, 2010)

Chẳng hạn, quyền về đất đai của phụ nữ và trẻ em sau ly hôn ở nhiều nơi cũng chưa được bảo vệ. Quyền an toàn của phụ nữ và trẻ em đang trở thành vấn đề đáng báo động khi các nguy cơ bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, buôn bán phụ nữ và trẻ em đã xâm hại thân thể, nhân phẩm, quyền lợi, tính mạng của phụ nữ và trẻ em nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời.

Vụ nữ sinh viên Cao Thị Mỹ D. bị hãm hiếp và sát hại khi đi giao gà từ ngày 30 Tết đến 2 Tết Kỷ hợi bởi 5 tên tội phạm nghiện ma túy đã rúng động cả nước vì sự dã man tàn bạo như thời Trung cổ. Còn rất nhiều em D. khác bị hiếp dâm, bị giết hại mà việc trừng trị tội phạm dường như chưa đủ sức răn đe. Những tội ác mang tính giới ngày càng phổ biến và chưa thực sự có dấu hiệu suy giảm.

Trẻ em miền núi, nông thôn vẫn bị tảo hôn. Trẻ em gái người H’Mông vẫn phải chịu cảnh "bắt vợ” theo hủ tục. Đã có nhiều phụ nữ chỉ vì một sự "vi phạm" đối với những gì được coi là quy chuẩn trong gia đình, đã bị bắt nhốt, bị đánh đập, hành hạ, bị bêu xấu, sỉ nhục trước hàng xóm, cộng đồng.

Ngày nay mặc dù bị pháp luật ngăn cấm nghiêm ngặt nhưng ở một vài nơi, gia đình chồng vẫn còn xử lý những phụ nữ bị nghi ngờ ngoại tình bằng cách cạo đầu, bôi vôi, lột quần áo và dắt ra ngoài đường để mọi người biết. Gần đây nhất đã nổi lên hiện tượng nạo thai bé gái ở một số vùng đã  làm mất cân bằng giới tính và đe doạ sự bình ổn xã hội trong những thập kỷ tới.

Phác họa chân dung phụ nữ hiện đại trong xã hội thời 4.0 3

Tình hình trên đã gây rất nhiều khó khăn cho phụ nữ và cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em trên cơ sở công bằng. Đã đến lúc chúng ta phải bàn lại về việc củng cố luật pháp, tăng nặng nhiều khung hình phạt với tội ác đối với phụ nữ và trẻ em.

- Thách thức từ việc làm: phụ nữ khó tìm việc làm hơn nam giới bởi các lý do trên làm hạn chế trình độ và sức khỏe. Họ còn chịu hậu quả của chính sách” về hưu sớm” làm mất đi nhiều cơ hội đào tạo và đề bạt.

- Thách thức từ phong tục tập quán, từ cách nhìn gia trưởng còn nặng nề trong xã hội thể hiện qua định kiến giới và cách ứng xử phân biệt. Khác với định kiến xã hội, định kiến giới là nhận định của mọi người về những gì mà phụ nữ và nam giới có khả năng và các loại hoạt động mà họ có thể làm, địa vị xã hội mà họ đang có với tư cách họ là nam hay nữ.

Định kiến giới đã làm cho nam giới luôn phải cương lên trong vị trí lãnh đạo của họ và làm cho phụ nữ thiếu tự tin và hạn chế sự lựa chọn vì vị trí thấp kém của họ. 

Họ cho rằng, phụ nữ chỉ nên có địa vị xã hội thấp để còn có thời gian lo việc nhà. Nam giới có thể vào quán bia, quán cà phê thư giãn vào buổi chiều sau giờ làm việc còn phụ nữ thì phải về nhà nấu cơm, chăm con và dọn dẹp. Định kiến giới trở thành lực cản trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách, chương trình kế hoạch trên mọi lĩnh vực (Lê Thị Quý, 2010)         

Cần có chính sách phù hợp với phụ nữ trong thời kỳ mới

Trên cơ sở các chính sách hiện có, cần có các chính sách đặc thù với phụ nữ và trẻ em để đạt tới bình đẳng giới thực chất chứ không phải hình thức. Thay đổi phân công lao động theo giới để nam giới quan tâm làm việc nhà nhiều hơn và phụ nữ làm việc xã hội nhiều hơn, tạo cơ hội và khuyến khích phụ nữ học tập, tạo cơ hội, điều kiện phát triển bình đẳng cho cả nam và nữ.

Phụ nữ cần chủ động trang bị khả năng thích nghi kịp thời, với những thay đổi, biết nắm giữ những chìa khóa làm chủ cuộc sống: phương pháp tư duy, khả năng tập trung hay tiếp cận theo tổng thể, đặc biệt là hiểu biết sâu hơn và làm chủ khoa học công nghệ.

Giống như nam giới, phụ nữ cũng cần nắm bắt được cơ hội, thử nghiệm, đổi mới, sáng tạo và thành công trong thời đại công nghệ số. Phụ nữ cần phát huy những lợi thế của mình tinh thần cầu tiến, khiêm tốn, sẵn sàng học hỏi và kiên trì, suy nghĩ đột phá và mềm mại trong ứng xử.

Trong tương lai sẽ có những thách thức to lớn, chuyển biến của nền kinh tế trong đó đối tượng lao động thủ công ở các ngành nghề như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản… có thể bị thay thế bằng tự động hóa, robot hóa.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại niềm tin cho con người về một nền kinh tế thịnh vượng, mang lại cơ hội rất lớn cho những nước còn nghèo, còn lạc hậu để không ai bị bỏ lại phía sau nhưng nó đòi hỏi phải có những người sáng suốt, bình tĩnh có đủ kiến thức và bản lĩnh để vượt qua.

Tác giả: GS.TS Lê Thị Quý

Tài liệu tham khảo chính

  • Báo cáo của Tổng cục thống kê (2016), Hà Nội,
  • Báo cáo của Bộ lao động, Thương binh và Xã hội (2018), Hà Nội.
  • Báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước ( 2018) Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Hà Nội
  • Báo cáo của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, 2018
  • Đặng Vũ Cảnh Linh ( 2008), Niềm tin trong một thế giới đang biến đổi - Một phân tích Xã hội học về giá trị nhận thức và hành vi của sinh viên hiện nay, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  • Lê Thị Quý (2010), Giáo trình Xã hội học Giới, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. 
  • Phòng công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), 2018

  GS.TS Lê Thị Quý và gia đình

GS.TS Lê Thị Quý và gia đình

Giáo sư Lê Thị Quý (1950) là nhà Xã hội học và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Giới, đặc biệt là về Nữ quyền. 

Bà cũng là nhà hoạt động tích cực đấu tranh cho sự công bằng và bình đẳng cho nữ giới.

Các lĩnh vực nghiên cứu của bà tập trung vào lý thuyết về nữ quyền, phòng chống bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới.

Năm 2005, bà nằm trong 1.000 phụ nữ được đề cử cho giải Nobel Hoà bình. Năm 2010, bà được công nhận chức danh Giáo sư, đồng thời trở thành nữ giáo sư đầu tiên về Xã hội học ở Việt Nam.

Bà công tác và giảng dạy tại Khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHKHXH&NV) từ năm 2001 đến năm 2010.

Từ năm 2002 - 2013, bà giữ chức giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phát triển, thuộc trường ĐHKHXH&NV trước khi thành lập Viện nghiên cứu Giới và Phát triển trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam vào năm 2013 và trở thành Viện trưởng cho đến năm 2015.

Ngoài ra, bà còn là chủ nhiệm bộ môn Gia đình học của trường Đại học Thăng Long.

(Theo Wikipedia)

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính