Bạo lực gia đình gây thiệt hại cả về kinh tế cho đất nước
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động của nước ta đạt hơn 70%, thuộc nhóm cao trên thế giới.
Sự hiểu biết của phụ nữ và trẻ em gái ngày càng tăng, khi cả nước có 92,5% dân số là nữ trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, cao hơn nam giới (nam giới là 90,8%)...
Trong đó, vấn đề nhức nhối, nổi cộm là tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn tồn tại. Ở nước ta, 62,9% số phụ nữ tham gia khảo sát phản ánh, họ từng bị ít nhất một hình thức bạo lực (tinh thần, thể xác, tình dục, bị kiểm soát hành vi…) từ người chồng, người yêu hoặc các đối tượng là nam giới khác.
Tuy nhiên, khi không may bị bạo lực, 90% phụ nữ có thái độ cam chịu, không tìm đến sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng hay các dịch vụ trợ giúp xã hội.
Đây là nguyên nhân chính khiến tình trạng bạo lực trên cơ sở giới còn tồn tại dai dẳng, để lại hậu quả cho chính nạn nhân, gia đình và gây thiệt hại về kinh tế cho đất nước (khoảng 1,8% tổng sản phẩm nội địa (GDP) mỗi năm).
Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận thành tựu về bình đẳng giới
Những nỗ lực của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Để phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, giải pháp xuyên suốt được các ngành, địa phương triển khai là mở rộng, phát triển hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội tại cộng đồng thông qua mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng”, “Ngôi nhà bình yên”, “Nhà nhân ái”…
Chỉ riêng tại Thủ đô Hà Nội đã xây dựng được hơn 1.600 mô hình, địa chỉ trợ giúp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, qua đó giúp nhiều người, gia đình có cuộc sống bình yên trở lại.
Giải pháp khác được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, đó là tăng cường tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội và của chính nam giới về vị trí, vai trò phụ nữ, trẻ em gái.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đã đưa chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên về giới tính, bình đẳng giới vào các giờ học ngoại khóa, sinh hoạt tập thể.
Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI, thông qua ngày 29/11/2006 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007) quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.
Theo đó, thực hiện bình đẳng giới là đảm bảo quyền con người. Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Thực hiện bình đẳng giới đem lại lợi ích cho phụ nữ và xã hội, ở đó phụ nữ và nam giới có vị trí, vai trò, được đối xử và được thụ hưởng ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình. Nam và nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.
Cụ thể, Điều 18 (Luật Bình đẳng giới 2006) quy định bình đẳng giới trong gia đình như sau: "Vợ chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ, chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình; bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình cũng như trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp, sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển".
Thu Hương
Bạn đang xem bài viết Kêu gọi hành động để cùng nhau chấm dứt bạo lực gia đình tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].