Địa chỉ an toàn cho phụ nữ bị bạo hành
Đã có 1.231 cuộc điện thoại gọi qua tổng đài miễn phí 18001769 để được tư vấn, tham vấn, trong đó có 164 cuộc liên quan đến bình đẳng giới; 3 trường hợp bị bạo lực giới đã được tư vấn qua fanpage, tại Văn phòng Ngôi nhà Ánh Dương nhiều trường hợp được giúp đỡ, tư vấn.
Ngôi nhà Ánh Dương, nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới hoạt động tại Quảng Ninh do Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và UNFPA phối hợp cùng đối tác là Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng thực hiện.
Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh là một trong 18 cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được Vụ Bình đẳng giới thí điểm triển khai.
Đây là địa chỉ an toàn cho những người bị bạo lực giới, nơi họ được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu và chăm sóc kịp thời, đầy đủ, có chất lượng. Nạn nhân bị bạo lực giới có thể được hỗ trợ về mặt y tế và chăm sóc các tổn thương thể xác, hỗ trợ tâm lý, đảm bảo an toàn, hỗ trợ tư pháp…
Nhân viên của Ngôi nhà Ánh Dương túc trực 24 giờ trong ngày. Họ được trang bị những kỹ năng cần thiết, giải quyết với những thông tin nhạy cảm liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới.
Bất kỳ nạn nhân nào bị bạo lực về giới tính đều được tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ kịp thời, giải quyết vấn đề bạo lực. Các dịch vụ được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, nạn nhân được đối xử tôn trọng, bình đẳng, đảm bảo yếu tố bảo mật về thông tin.
Ông Cho Han-Deog, Giám đốc Quốc gia Văn phòng tại Văn phòng Ngôi nhà Ánh Dương tại Việt Nam cho rằng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái làm tổn hại phẩm giá của các nạn nhân; gây ra chi phí rất lớn không chỉ đối với các nạn nhân mà còn cho cả gia đình, cộng đồng và xã hội, thể hiện ở các khía cạnh sinh kế, sức khỏe, an toàn, thành tích học tập, năng suất lao động và các chi phí hành pháp.
Bằng mô hình Ngôi nhà Ánh Dương, Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực trong việc giảm bạo lực gia đình, tìm giải pháp cho phụ nữ.
Ngoài ra, rất nhiều sáng kiến, mô hình hiệu quả sau một thời gian hoạt động đã chứng minh Việt Nam là một trong những quốc gia đạt thành tựu cao về thực hiện bình đẳng giới. Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác bình đẳng giới đạt được nhiều thành tựu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, Chính phủ Việt Nam đã chủ động triển khai, lồng ghép các sáng kiến, ưu tiên khu vực liên quan đến phụ nữ vào các chương trình, đề án ở cấp quốc gia.
Các nạn nhân bị bạo hành cần biết một số kỹ năng để phòng tránh:
- Nhận biết các dấu hiệu mình sắp bị bạo hành.
- Thừa nhận đối tác của mình là người gây bạo lực.
- Phụ nữ còn tư tưởng "xấu chàng hổ ai" nên không chịu thừa nhận họ là người đã gây ra những tổn hại đến thể xác và tinh thần cho mình.
- Nói cho hàng xóm biết để họ có thể giúp đỡ.
- Phòng bị một chiếc điện thoại trong nhà để liên lạc với người bên ngoài.
- Lưu trong danh bạ một vài số điện thoại khẩn cấp của cán bộ trong khu phố, Công An địa phương, số 113 để liên hệ khi có bạo lực nghiêm trọng.
- Thực hiện ngay một cuộc gọi cho người thân.
- Ghi nhận lại bằng chứng: ghi nhận lại tất cả bằng chứng - ngày, giờ diễn ra bạo hành để làm căn cứ nếu có kiện tụng trước tòa.
- Dự trù một tài khoản bí mật cho riêng mình nếu thấy cần thiết.
- Nên im lặng là vàng khi chồng quá say xỉn.
- Gặp gỡ chuyên gia tâm lý để nghe tư vấn về bạo lực tình dục. khi gặp những tình huống bạo lực tình dục để thỏa mãn ham muốn. Hãy đến gặp chuyên gia tư vấn tâm lý để tìm giải pháp.
Cần làm gì để hạn chế bạo lực gia đình?
Để phòng chống bạo lực gia đình với trẻ em, cần thực hiện 6 giải pháp. Trong đó, nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em.
Chú trọng hỗ trợ cung cấp kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông cung cấp kiến thức về ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em, xác định trách nhiệm của gia đình, xã hội, cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác Đoàn, Đội, Hội...
Xây dựng các thiết chế gia đình bền vững được xem là giải pháp nội lực để phòng tránh bạo lực gia đình. Yêu cầu này đòi hỏi vai trò của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng bàn bạc; tùy theo đặc điểm, truyền thống văn hóa của từng địa phương phải xây dựng được các quy chế, quy ước nhằm hạn chế những khác biệt, mâu thuẫn có thể bùng nổ thành xung đột, cùng với các gia đình có ý thức xây đắp các chuẩn mực: no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
Đối với mỗi hộ gia đình thì vợ chồng phải biết cách ứng xử tế nhị, tôn trọng giúp đỡ nhau như kinh nghiệm ông cha ta đã đúc kết chồng giận thì vợ bớt lời hay lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, tạo không khí hoà thuận, cùng có trách nhiệm chăm sóc nuôi dạy con cái.
Ngăn chặn các tệ nạn xã hội là giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả nhất. Vì vậy đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội không chỉ tạo nên sự ổn định xã hội mà còn góp phần vào việc phòng, chống bạo lực gia đình một cách có hiệu quả.
Mười năm trước, lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới để xác định những ưu tiên cần giải quyết nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong giai đoạn 2011-2020.
Trong gần 10 năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được ghi nhận là đã đạt được các tiến bộ về bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Thu Hương
Bạn đang xem bài viết Việt Nam nỗ lực giảm bạo lực gia đình, chăm sóc cho phụ nữ bị bạo hành tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].