Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Hà Nội: Huyện Ứng Hòa đạt chuẩn nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn huyện Ứng Hòa có 28/28 xã trên địa bàn được UBND TP.Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đời sống người dân nâng cao, đường làng ngõ xóm thay “áo mới”

Đến với huyện Ứng Hòa ngày nay chắc hẳn nhiều người sẽ ngỡ ngàng bởi sự thay đổi nhanh chóng của một vùng quê ngoại thành Thủ đô.

Ứng Hòa là huyện phía Đông Nam của TP.Hà Nội. Đây là huyện đồng bằng nằm trong vùng thuộc nền văn minh lúa nước sông Hồng, có điều kiện khí hậu đất đai đa dạng, phù hợp với khả năng phát triển một nền nông nghiệp sinh thái toàn diện, mang đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp truyền thống. Chính vì vậy mà Ứng Hòa được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô.

Huyện Ứng Hòa có 28 xã và 1 thị trấn, dân số hơn 215.000 người; tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 183.72km2. Trước đây, đời sống kinh tế của nhân dân trong huyện chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp và đi làm thuê mướn. Nhưng hiện nay, huyện Ứng Hoà đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc thực hiện Chương trình Nông thôn mới. Nhờ vậy mà diện mạo vùng quê thay đổi rõ rệt, đường làng ngõ xóm như được khoác “áo mới”, đời sống của nhân dân được cải thiện.

Hội viên hội Phụ nữ thôn Xà Cầu đi vệ sinh đường làng và đoạn đường 21B chạy qua địa bàn thôn

Hội viên hội Phụ nữ thôn Xà Cầu đi vệ sinh đường làng và đoạn đường 21B chạy qua địa bàn thôn

Có thể thấy rõ nhất là hệ thống đường, cầu dân sinh và nhà văn hóa các thôn. Trước đây, đường làng ngõ xóm các thôn phần nhiều là đường đất, nhỏ hẹp nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là vào những ngày trờ mưa, đường lầy lội, trơn trượt gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Hay như các cây cầu dân sinh bắc qua kênh Bắc Quảng Hoa, kênh Ngoại Đô… kết nối các thôn, xã có trọng tải nhỏ, hẹp, xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Hoặc như trước đây, nhiều thôn không có nhà văn hóa, dẫn đến người dân không có địa điểm để sinh hoạt tập thể, không có nơi để họp hành, tổ chức sự kiện trong các dịp lễ tết, dẫn đến rất nhiều bất tiện.

Nhưng từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, nhờ việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, cộng với sự chung tay, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân (người dân đã bỏ ra sức người, sức của, hiến đất để thực hiện các công trình phúc lợi) mà đường làng ngõ xóm được đổ bê tông sạch sẽ, rộng rãi. Các cây cầu dân sinh được xây mới, sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, giao thương buôn bán tăng, từ đó giúp nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Khu di tích đền, chùa tại địa phương được trùng tu, tôn tạo

Khu di tích đền, chùa tại địa phương được trùng tu, tôn tạo

Chị Nguyễn Thị Lan (làm nghề kinh doanh tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) chia sẻ: “Trước đây đường làng tôi rất nhỏ hẹp, những cây cầu nhỏ bắc qua kênh Bắc Quảng Hoa rất yếu khiến việc vận chuyển vầu, nứa, tăm hương gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần xuất hay nhập hàng, chúng tôi chỉ chở được một số lượng nhỏ hàng hóa khi đi qua cầu, vì sợ cầu sập. Nhưng từ khi đường làng được làm mới, mở rộng, cầu được tu sửa chắc chắn thì việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn, đã giúp việc kinh doanh buôn bán của những hộ gia đình làm nghề tăm hương như chúng tôi gặp nhiều thuận lợi”.

Nhờ việc đi lại, giao thương dễ dàng mà công việc kinh doanh, buôn bán của người dân tăng trưởng nhanh, đời sống nhân dân được nâng cao, nhà cửa khang trang, nhà văn hóa các thôn được sửa chữa, xây dựng mới.

Đời sống của người dân nâng cao, nhiều hộ gia đình xây nhà cửa khang trang, hiện đại

Đời sống của người dân nâng cao, nhiều hộ gia đình xây nhà cửa khang trang, hiện đại

Như ở thôn Đình Tràng (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa), trước đây khi thôn chưa có nhà văn hóa thì các cuộc hội họp phải tổ chức ở đình làng, trụ sở hợp tác xã. Nhưng khi triển khai xây dựng nông thôn mới thì người dân nơi đây đã tự nguyện hiến đất, đóng góp sức người, sức của để xây dựng nhà văn hóa mới. Và từ khi có nhà văn hóa mới, các hoạt động văn hóa văn nghệ, các hoạt động cộng đồng được tổ chức thường xuyên hơn.

Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, người dân tại các địa phương của huyện Ứng Hòa cũng đặc biệt quan tâm tới tiêu chí môi trường bằng việc thực hiện tốt phong trào “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, “Không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”.

Đặc biệt, tại nhiều thôn, hội phụ nữ, thanh niên đã và đang đẩy mạnh phong trào xây dựng các tuyến đường nở hoa, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp...

Nhiều địa phương thực hiện tốt phong trào “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”

Nhiều địa phương thực hiện tốt phong trào “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”

Chị Nguyễn Thị Tâm (xã Hoa Sơn, Ứng Hòa) cho biết: “chị em trong hội phụ nữ rất hưởng ứng các hoạt động làm sạch, đẹp đường làng ngõ xóm. Chúng tôi rủ nhau đi vệ sinh, trồng hoa tại các đoạn đường, khu đất trống trong làng để hạn chế tình trạng người dân đổ rác ra nơi công cộng. Những địa điểm trồng hoa này lại trở thành điểm vui chơi của trẻ nhỏ, điểm check-in sống ảo của người lớn”.

Tương tự tại xã Liên Bạt, nhiều đoạn đường nở hoa cũng được người dân chú trọng xây dựng. Ông Đặng Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Liên Bạt chia sẻ với báo chí rằng, không chỉ riêng các cấp lãnh đạo mà người dân cũng rất quyết tâm xây dựng và bảo tồn các công trình tại địa phương. Điển hình là việc người dân tự đóng góp và triển khai xây dựng các tuyến "đường nở hoa" làm đẹp quê hương với tổng chiều dài hơn 3.500m.

28/28 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới

Là một huyện thuần nông, có xuất phát điểm thấp trong việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng với tinh thần đoàn kết, tranh thủ mọi nguồn lực, lãnh đạo huyện Ứng Hòa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện xây dựng nông thôn mới như: đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Người nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Người nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Kết quả là sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện Ứng Hòa có 28/28 xã trên địa bàn được Ủy ban nhân dân (UBND) TP.Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong số đó, có 6/28 xã được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Vân Đình đã được UBND huyện Ứng Hòa công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng khá, bình quân đạt 7,72%, thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Về công tác xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai cũng được lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo. Các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, công tác quốc phòng - quân sự địa phương được củng cố, tăng cường.

Về kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến hết năm 2022 của huyện Ứng Hòa là 8.279.509 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương 1.000 triệu đồng, chiếm 0,01%; Ngân sách Thành phố 4.489.474 triệu đồng, chiếm 52,87%;… trên địa bàn huyện Ứng Hòa không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Theo kế hoạch đến năm 2025, huyện Ứng Hòa tiếp tục thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025.

Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện Ứng Hòa có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 53,6%), 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 28,6%); giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.448 tỷ đồng; thu nhập bình quân/người đạt 80 triệu đồng trở lên…

Ngày 24/10/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 1224/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. 

Theo Quyết định, căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2021; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019; Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; quy định xã, Thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn đoạn 2021 – 2025…và theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tại Tờ trình 7257/TTr-BNN-VPĐP ngày 10/10/2023 “Công nhận huyện Ứng Hoà, Thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022”. 

Quyết định nêu rõ, UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Ứng Hòa tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính