Nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng toàn diện
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Hà Nội, trong 9 tháng năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội tăng trưởng 2,5% so cùng kỳ năm trước.
Tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi đều có sự tăng trưởng. Điển hình như lúa đạt diện tích hơn 150.000ha, trong đó phần lớn là lúa chất lượng cao.
Còn đối với rau, toàn thành phố gieo trồng được 34.330ha, trong đó, rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận đạt 14.000ha, rau hữu cơ đạt 489ha.
Về chăn nuôi, gia súc, gia cầm cũng ghi nhận sự tăng trưởng so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đàn trâu đạt 28.800 con, tăng 2,1%; đàn lợn đạt 1,48 triệu con, tăng 4,8%; đàn gia cầm 41,5 triệu con, tăng 2,7%.
Đối với nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 87.500 tấn, tăng 1,4% so cùng kỳ năm trước.
Đạt được kết quả đó một phần là nhờ vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào cây, con chất lượng tốt. Cùng với đó là việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Hà Nội, hiện thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong số đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt; 45 mô hình chăn nuôi; 54 mô hình thủy sản; 1 mô hình kết hợp trồng trọt với chăn nuôi.
Ngoài ra, Hà Nội còn đang phát triển nhiều mô hình nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái. Hiện, Hà Nội có 58,9% diện tích đất nông nghiệp, nông thôn gắn với các vùng sản xuất xanh.
Thúc đẩy các hợp tác xã chuyển đổi số
Để giữ vững nhịp độ tăng trưởng, ngành nông nghiệp Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp, chú trọng tổ chức sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Chương trình chuyển đổi số TP.Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định đối với lĩnh vực nông nghiệp, thành phố sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của ngành nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Ngành nông nghiệp Hà Nội cũng tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm chính xác, minh bạch, nhanh chóng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong đó, các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nước, phân bón... để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, đồng thời kiểm soát dịch bệnh trong sản xuất.
Và thực tế đã có một số hợp tác xã ở Hà Nội từng bước ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng nông nghiệp thông minh… để vượt qua khó khăn, giúp ổn định, tăng doanh thu. Điển hình như Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã áp dụng các giải pháp đồng bộ như: nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu.
Chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, từ năm 2016, Hợp tác xã đã tìm hiểu và thực hiện chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực là Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và Cụm công nghệ eGap.
Thông qua trạm thời tiết thông minh iMentos 3.3 A-G với hệ thống quan trắc và camera truyền hình ảnh về khu nhà điều hành, từ đây, người phụ trách dễ dàng cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem, nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất.
Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa, độ ẩm của đất…, giúp người quản lý nắm bắt được tình hình sâu bệnh cũng như sinh trưởng để có kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết có biến động.
Còn công nghệ số eGap giúp hợp tác xã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau.
Tiếp nối những thành công đó, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn tiếp tục tiến hành thí điểm hoàn thiện quy trình chuyển đổi số đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, kết nối tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử Kinhpeec/vn và Cadosa.vn có xác nhận chất lượng eGap trên tem nhãn sản phẩm. Nhờ vậy mà hợp tác xã đã số hóa được hàng chục sản phẩm rau, vào được các kênh phân phối uy tín với giá bán rau ổn định hơn so với bán rau ở chợ.
Với những kết quả đã đạt được, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn được Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đánh giá là điểm sáng trong thực hiện mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Đây chính là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, để chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch hàng năm. Các đơn vị trong ngành nông nghiệp cũng phối hợp đồng bộ chương trình kinh tế số từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chuyển đổi số và các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ sản phẩm.
An AnBạn đang xem bài viết Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].