Thôn thông minh tạo nên những công dân số
Vừa hoàn thành thủ tục khai sinh cho con qua điện thoại thông minh tại nhà, chị Nguyễn Thị Bình (thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) hồ hởi: "Đúng là thời đại công nghệ số, mình không cần lên tận xã xếp hàng chờ đợi như những năm trước để khai sinh cho con mà giờ chỉ trong một vài phút đã xong. Xã đã dãn mã QR code trên bảng niêm yết dịch vụ công trực tuyến, người dân chỉ cần thực hiện các bước theo hướng dẫn là xong. Vừa nhanh, vừa tiện".
Chị Bình cho biết thêm, từ khi thôn Tháp Thượng trở thành thôn thông minh, việc quét mã QR code làm Thủ tục hành chính đã trở thành chuyện thường ngày với người dân thôn Tháp Thượng, từ khai sinh, khai tử, kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân… Mỗi công dân trên địa bàn thôn Tháp Thượng đã đều trở thành những 'công dân số' dưới sự hướng dẫn của các tổ công nghệ số cộng đồng.
Thôn thông minh là tiêu chí bắt buộc của Nông thôn mới kiểu mẫu, nằm trong Bộ Tiêu chí Nông thôn mới của UBND TP Hà Nội. Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu có quy định mô hình thôn thông minh, gồm: Tổ công nghệ số cộng đồng; giao tiếp thông minh; thương mại điện tử; du lịch thông minh; dịch vụ xã hội.
Đan Phượng là một trong những huyện của TP Hà Nội thực hiện rất tốt mô hình "Thôn thông minh" - vừa đáp ứng tiêu chí mới của Nông thôn mới kiểu mẫu, vừa đưa ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống, phục vụ thiết thực nhu cầu của người dân
Từ tháng 9/2022 đến tháng 9/2023, toàn huyện đã xây dựng được 101 thôn thông minh. Huyện đã thành lập 16 tổ công nghệ số cấp xã; 129 tổ công nghệ số cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố...
Các tổ công nghệ số cộng đồng xã, thôn phối hợp với các tổ trưởng tổ Đảng, tổ trưởng tổ tự quản hướng dẫn 100% hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số, phổ cập kiến thức chuyển đổi số cộng đồng, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử...
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đan Phượng đã thành lập được 638 nhóm Zalo của tổ công nghệ số cộng đồng. 100% xã, thị trấn thành lập nhóm Zalo “Hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính”.
Trên địa bàn huyện cũng đã xã hội hóa 230 triệu đồng lắp đặt 207 điểm truy cập wifi miễn phí để người dân truy cập, khai thác thông tin trên internet, góp phần hình thành nơi sinh hoạt cộng đồng thông minh. Các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, các tổ tự quản vận động xã hội hóa 5,3 tỷ đồng lắp đặt 23 bảng tin điện tử; trên 2.700 camera an ninh và hơn 1.800 đèn năng lượng mặt trời trên toàn bộ ngã ba, ngã tư, trục giao thông, xóm, ngõ trên địa bàn huyện. Toàn huyện hiện có 3.816 điểm kinh doanh thực hiện thanh toán điện tử; 1.223 hộ sản xuất, kinh doanh tham gia các sàn giao dịch điện tử.
Nhằm hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, các tổ công nghệ số cộng đồng đã hướng dẫn HTX nông nghiệp thành lập trang Facebook. Các thành viên là người dân trực tiếp sản xuất trên địa bàn xã tham gia để giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: Kẹo lạc, nấm ăn, bưởi Diễn... Đồng thời hướng dẫn các hộ gia đình áp dụng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.
Chia sẻ với PV Gia Đình Mới, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết: Mô hình thôn thông minh góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng. Từ khi các nhóm Zalo được thành lập, hệ thống quản lý, trao đổi, tuyên truyền thông tin không chỉ dừng lại giữa cấp ủy, chính quyền và các thôn, mà mọi hoạt động của xã, thôn đều được truyền đạt đến 100% hộ gia đình. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn trước.
Tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông thôn mới
Hà Nội đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã và cấp huyện. Hiện tại, thành phố đang chuyển xây dựng nông thôn mới sang cấp độ cao hơn, đó là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Công tác Chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới xoay quanh 3 vấn đề chính: Phát triển chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Chí – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: "Chuyển đổi số là mục tiêu mà toàn thành phố Hà Nội đang tập trung chỉ đạo triển khai. Xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình chuyển đổi số là chủ trương, chính sách đúng đắn của thành phố Hà Nội, là xu hướng tất yếu trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành Nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng hoàn thành xã Nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững".
Tính đến tháng 7/2023, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Mục tiêu của thành phố giai đoạn 2021-2025 là xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị, khi một số huyện phát triển lên quận.
UBND Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến năm 2025. Kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn thành phố đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
V.LinhBạn đang xem bài viết Hà Nội chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới: Những 'thôn thông minh' tạo nên công dân số tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].